Tạo chuyển biến từ người sản xuất
LSO-Thời gian qua, đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Trong hệ thống các giải pháp đã đưa ra, thì các biện pháp nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến từ người sản xuất được coi là giải pháp trọng tâm, có tính bền vững.
![]() |
Vùng chè VietGap của Công ty Cổ phần chè Thái Bình trên địa bàn thị trấn Nông Trường Thái Bình, huyện Đình Lập |
Chị Đỗ Thị Hiền là tiểu thương tại thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng chuyên thu mua nông sản quanh vùng đưa đi tiêu thụ tại các thị trường lân cận, trong đó có một phần vào các siêu tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, vụ dưa lê vừa qua, nhiều lô hàng mà chị thu mua đã bị các siêu thị trả lại.
Chị Hiền tâm sự: đưa vào siêu thị, họ mang đi phân tích, kiểm nghiệm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên các lô hàng vượt ngưỡng cho phép nhiều lần. Số hàng bị trả lại thì đành bỏ, cả người thu mua lẫn người sản xuất đều thiệt hại về kinh tế.
Qua câu chuyện trên để thấy rằng, đa phần người nông dân không cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất quá mức trong quá trình sản xuất, bởi họ đều ý thức được làm như vậy sẽ rất khó tiêu thụ, ảnh hưởng tới kinh tế. Tuy nhiên trong quá trình phòng, trừ dịch hại không phải ai cũng biết làm đúng quy trình.
Anh Hồ Văn Hùng, thôn Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: Minh Khai là thôn đầu tiên đưa cây na về trồng, gia đình mình cũng có kinh nghiệm trồng na mấy chục năm nay, nhưng trong phòng trừ sâu, bệnh hại hầu hết là làm theo kinh nghiệm, còn quy trình thế nào cho đúng thì chưa biết.
Thực tế là trong những năm qua, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại trên cây trồng… Tuy nhiên các cuộc tập huấn này thường là trong phạm vi rất hẹp, chưa “thấm” đến mỗi người dân.
Thực hiện kế hoạch hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tháng 6 vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với UBND huyện Chi Lăng phát động sản xuất na an toàn theo hướng VietGap. Đây là lần đầu tiên trên địa bàn tỉnh tổ chức phát động, hay cũng có thể coi là cuộc vận động sản xuất an toàn trên quy mô lớn như vậy. Diện tích vận động áp dụng là toàn bộ hơn 2.200 ha na trên địa bàn Chi Lăng, Hữu Lũng.
Anh Lương Nam Tiến, thôn Nà Cà 1, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng phấn khởi cho biết: ngay tại lễ phát động, mình được hướng dẫn, cấp phát quy trình kỹ thuật, các biện pháp phòng trừ dịch hại đúng cách; đây chính là điều mình cần để áp dụng với trên 700 gốc na đang bói quả của gia đình. Đồng thời với những kiến thức này, mình cũng sẽ chia sẻ với bà con trồng na trong thôn, trong xã.
Ngoài việc phát động sản xuất an toàn, các cơ quan chức năng tăng cường giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất. Ông Nguyễn Đức Việt, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản cho biết: Chi cục thường xuyên tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước tại các vùng sản xuất, đồng thời phân tích ngẫu nhiên các mẫu nông sản như: rau xanh, chè, măng ớt… kết quả phân tích được gửi đến người sản xuất để điều chỉnh kịp thời.
Cùng với đó là hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở kinh doanh nông sản, người sản xuất kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ năm 2015 đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 100 giấy xác nhận kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và đang hướng dẫn, vận động sản xuất an toàn theo chuỗi (từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ) để thí điểm xác nhận sản phẩm an toàn theo chương trình của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự kiến trong năm 2016 sẽ thí điểm với sản phẩm rau xanh và chè.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: một trong những yếu tố quan trọng nữa để tạo chuyển biến nhận thức của người sản xuất là nâng cao giá trị của các sản phẩm an toàn. Bởi nếu nông sản được sản xuất an toàn cũng bị đánh đồng về giá cả, chất lượng như các sản phẩm khác thì khó thuyết phục được người sản xuất làm theo quy trình.
Tiếp nối thành công bước đầu của chương trình xúc tiến tiêu thụ nông sản trong năm 2015, hiện nay ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục giới thiệu, quảng bá các nông sản đặc sản của Lạng Sơn với các doanh nghiệp, siêu thị, các Trung tâm xúc tiến thương mại ở thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, hướng dẫn với kiểm tra, giám sát và xúc tiến tiêu thụ, Lạng Sơn đã và đang tích cực tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của mỗi người dân, từ đó tạo ra các vùng sản xuất nông sản an toàn với quy mô lớn, tập trung. Đây chính là yếu tố tiên quyết để nâng cao giá trị nông sản Xứ Lạng, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, là động lực quan trọng để người nông dân vươn lên làm giàu trên đồng đất quê hương.
VŨ NHƯ PHONG

Ý kiến ()