Thứ 6, 22/11/2024 21:22 [(GMT +7)]
Tạo chuyển biến mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Thứ 2, 28/06/2010 | 09:07:00 [(GMT +7)] A A
Mỗi năm, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) luôn là sự quan tâm hàng đầu của gần một triệu học sinh và gia đình các em, của một triệu thầy giáo, cô giáo cả nước và của hàng chục triệu người Việt Nam, vì đây là sự kiện đánh dấu nỗ lực suốt gần 20 năm trời không chỉ của bản thân mỗi học sinh mà còn của các bậc cha mẹ, ông bà… Hơn nữa đây còn là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng quyết định bước đường học hành tiếp theo để lập nghiệp của các em, và là một thước đo chỉ số chất lượng của nền giáo dục nước nhà. Năm năm với năm kỳ thi tốt nghiệp THPT là một thời gian đủ dài để chúng ta cùng nhau nhìn lại công việc có ý nghĩa quan trọng này.
Thay đổi tư duy nền tảng
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006 là một kỳ thi rất đặc biệt. Đó là một kỳ thi diễn ra trong bối cảnh ngành giáo dục đã xác định phải thực hiện nghiêm túc để bảo đảm công bằng trong đánh giá, song thực tế các vi phạm vẫn liên tục gia tăng cả về số lượng và mức độ… Có những hội đồng thi đã để cho người ngoài vào đưa đáp án cho thí sinh, công khai quay cóp ở phòng thi mà không bị ngăn cản. Kết quả tốt nghiệp bình quân cả nước là 94%, song rất nhiều người cho rằng, đó không phải là con số chất lượng, mà chỉ là biểu hiện của “bệnh thành tích”. Không ít người cho rằng có lẽ ngành giáo dục không có cách nào lập lại được trật tự học hành và thi cử, tình hình cứ ngày một xấu đi.
Ngay trong tháng 6-2006, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh, được giao trọng trách Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT). Ngày 7-7-2006, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu có buổi làm việc đầu tiên với lãnh đạo các vụ, cục của bộ. Trong vòng hai tuần sau đó, Bộ trưởng đã đi thăm một số tỉnh, gặp gỡ các thầy giáo, cô giáo ở các trường, lãnh đạo các sở GD và ĐT, lãnh đạo các tỉnh và gặp gỡ phụ huynh học sinh. Bộ trưởng đã trao đổi ý kiến với một số cán bộ các vụ, cục ở bộ, với các đồng chí thứ trưởng và sau một tuần đã viết một bức thư gửi từng đồng chí thứ trưởng để xin ý kiến về một việc: lãnh đạo Bộ và toàn ngành phải làm gì để khắc phục một cách căn cơ, tận gốc bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử đã tồn tại nhiều năm?
Xác định đây là một việc khó, không thể giải quyết ngay mà phải làm trong vài năm. Song nếu không tìm ra khâu đột phá thì không thể làm thay đổi hành vi của hàng triệu học sinh, hàng vạn giáo viên, hàng triệu hộ gia đình, thậm chí cả lãnh đạo một số địa phương. Bộ trưởng đề nghị khâu đột phá là triển khai một cuộc vận động trong toàn ngành và toàn xã hội: chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục. Mục tiêu của cuộc vận động là: phải làm thay đổi nhận thức của một số khá đông học sinh và gia đình, của lãnh đạo một số địa phương, rằng: cái mà các em cần khi học xong THPT không chỉ là tấm bằng tốt nghiệp mà suy cho cùng phải là năng lực làm người, năng lực để vào đời. Đây mới là tiền đề để các em có thể học tiếp, học lấy một nghề để tự nuôi được mình, có ích cho gia đình và xã hội. Có bằng tốt nghiệp THPT mà không có năng lực thực chất thì trước sau cũng bị cuộc sống, nhất là trong cơ chế thị trường, đào thải, không thể báo đáp công ơn cha mẹ, việc học hành 12 năm trời lại là sự lãng phí cho gia đình, bản thân, Nhà nước và xã hội. Nếu chấp nhận tiêu cực trong thi cử để có được bằng tốt nghiệp THPT thì sẽ làm hại tương lai của các em, làm hại cho gia đình và đất nước. Bệnh thành tích trong giáo dục đã tạo ra các kết quả thi không đúng thực tế, đã và sẽ làm triệt tiêu động lực phấn đấu vươn lên của học sinh, triệt tiêu trách nhiệm của gia đình học sinh, làm mất động lực dạy tốt của các thầy giáo, cô giáo, suy cho cùng là đi ngược lại sứ mạng thiêng liêng của các nhà giáo và ngành giáo dục.
Ban Cán sự Đảng Bộ GD và ĐT đã thảo luận dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao về việc cần phải làm gì, đột phá vào đâu và đột phá như thế nào để giải quyết thực trạng trên? Ban Cán sự Đảng đã quyết định một việc rất quan trọng: Từ nay không giao chỉ tiêu tỷ lệ tốt nghiệp THPT cho toàn ngành và các tỉnh nữa. Hãy để cho mỗi trường học, mỗi địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế của mình, với quyết tâm của mình tự đăng ký mục tiêu, tỷ lệ tốt nghiệp THPT. Lúc bấy giờ (năm 2006) và cho đến tận bây giờ, chỉ có ngành giáo dục là công khai tuyên bố có bệnh thành tích và quyết định “nói không” với bệnh thành tích trong giáo dục. Ngày 31-7-2006 tại Hội nghị tổng kết toàn ngành giáo dục năm học 2005-2006 của bậc phổ thông và mầm non, cuộc vận động “Hai không” (“Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”) được chính thức phát động. Với nhận thức: Cuộc vận động “Hai không” không thể thành công, nếu không có sự lãnh đạo và hỗ trợ quyết liệt của Đảng, chính quyền, sự ủng hộ của nhân dân, của báo chí, sự phối hợp của các bộ, ngành cho nên Bộ GD và ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chấp thuận ban hành Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg ngày 8-9-2006 về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục giai đoạn 2006-2010.
Bước chuyển biến tích cực
Năm học 2006-2007, toàn ngành giáo dục đã triển khai cuộc vận động “Hai không” đến tất cả các trường trong cả nước, thống nhất nhận thức về cái mà học sinh cần là năng lực làm người, là năng lực vào đời và toàn ngành đã chuẩn bị cho một kỳ thi tốt nghiệp THPT nghiêm túc.
Nhằm tăng cường tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2007 lần đầu Bộ GD và ĐT đã huy động 5.600 giảng viên các trường đại học, cao đẳng tham gia thanh tra ở tất cả các hội đồng thi. Việc này có tác dụng tăng cường lực lượng giám sát tại các hội đồng coi thi và các cán bộ thanh tra thi không phải chịu sức ép tâm lý khi kiến nghị xử lý các sai phạm vì họ không phải là giáo viên địa phương. Cùng với việc rà soát, hoàn thiện quy chế tổ chức thi, sự tự giác cao hơn của học sinh và cán bộ coi thi, kỳ thi năm 2007 đã diễn ra nghiêm túc hơn hẳn so với năm 2006. Đã có 2.612 thí sinh bị đình chỉ thi, 32 cán bộ bị đình chỉ coi thi vì vi phạm quy chế. Trong khi kỳ thi năm 2006 có 94% số học sinh đạt tốt nghiệp THPT, vùng đồng bằng sông Hồng là 99,1% – cao nhất, và vùng đồng bằng sông Cửu Long là 85,2% – thấp nhất, năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp THPT (lần 1) chỉ là 66,7%, tức là giảm hơn 27%. Đặc biệt, có một số vùng và địa phương có tỷ lệ sụt giảm đáng kể: vùng núi phía bắc giảm từ 94,5% xuống còn 45,8%, tức giảm 48,7% (trong đó có tỉnh giảm từ 95,6% xuống còn 14,2%); các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ giảm từ 90,3% xuống còn 60,8%, giảm gần 30%; các tỉnh Bắc Trung Bộ giảm từ 96,5% còn 57,2%, tức giảm hơn 39%. Trong khi năm 2006 cả nước có chín tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp từ 99% trở lên, tỉnh có tỷ lệ thấp nhất là 74,7% thì năm 2007 chỉ có hai tỉnh đạt cao nhất là từ 90 đến 95% và 12 tỉnh đạt dưới 50%, trong đó có bảy tỉnh dưới 30%. Những kết quả thực và thấp này đã gây “sốc” cho nhiều địa phương và xã hội. Tuy nhiên, ngành giáo dục và xã hội đã được chuẩn bị tư tưởng từ đầu năm học 2006-2007, khi Thủ tướng Chính phủ có chỉ thị về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục. Vì vậy, ngay trong hè 2007, lãnh đạo các địa phương và ngành giáo dục ở các tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp sụt giảm nhiều đã có các nghị quyết, chương trình đặc biệt để chăm lo phát triển giáo dục thực chất ở địa phương và từng trường. Ngành giáo dục chỉ đạo các trường tổ chức phụ đạo trong hè để học sinh đạt chuẩn, nếu không đạt thì cương quyết không đưa lên lớp mà để học lại, khắc phục việc “ngồi sai lớp”. Việc thi nghiêm túc, kết quả thi sát với thực lực hơn cũng làm cho học sinh và phụ huynh thấy rằng tiêu cực trong thi cử để có bằng tốt nghiệp THPT không phải là cách làm khả thi và sẽ không đem lại tương lai cho các em. Tiếp tục khẳng định vai trò quyết định của các thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục, làm rõ hơn đòi hỏi về phẩm chất của người giáo viên trong giai đoạn hiện nay, năm 2007 Bộ GD và ĐT cùng Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Trong khi ráo riết với những giải pháp quyết liệt để thực hiện cuộc vận động “Hai không”, qua các năm 2008, 2009, 2010 toàn ngành đã tập trung phụ đạo học sinh yếu, chăm lo giúp đỡ học sinh nghèo; đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá kết quả học tập, trước hết là ở các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân; đánh giá chương trình và sách giáo khoa trên phạm vi toàn quốc, từ đó triển khai các giải pháp để khắc phục một số hạn chế của chương trình, sách giáo khoa; hoàn thiện phương thức thi nghiêm túc hơn; xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực… Chất lượng giáo dục được nâng cao trong các kỳ kiểm tra thường xuyên, và kết quả thi cũng phản ánh đúng những nỗ lực của toàn ngành cho chất lượng thật.
Bên cạnh việc tiếp tục phụ đạo học sinh yếu từ đầu năm học, từ năm 2008, ngành đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Khuyến học triển khai cuộc vận động “ba đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ sách vở) cho tất cả học sinh. Bằng các giải pháp hỗ trợ của toàn ngành, sự ủng hộ của xã hội, lần đầu tiên từ năm học 2008-2009, ngành giáo dục bảo đảm 100% số học sinh đủ sách vở. Hàng chục tỷ đồng, hàng triệu bộ quần áo, vở viết, đồ dùng học tập đã được quyên góp cho học sinh những vùng khó khăn. Đến nay đã có 18 tỉnh công bố bảo đảm “ba đủ”.
Từ năm 2009, thông qua giải pháp thi theo cụm và chấm chéo, tính nghiêm túc của các kỳ thi một lần nữa lại được nâng cao thêm. Việc ra đề thi tiếp tục được hoàn thiện, sát với chương trình hơn, câu hỏi thi hạn chế yêu cầu thuộc lòng quá nhiều, tăng tính mở của các đề thi. Trong kỳ thi năm 2010, do ý thức tự giác và kỷ luật thi qua ba năm 2007, 2008 và 2009 đã được nâng lên rõ rệt, thay vì cử một số lượng lớn cán bộ, giảng viên các trường đại học thanh tra cố định tại các Hội đồng coi thi, bộ đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động, đồng thời tăng gấp rưỡi số cán bộ thanh tra của các sở GD và ĐT tại các hội đồng coi thi (từ một thanh tra sở giám sát 15 phòng thi lên một thanh tra sở giám sát mười phòng thi).
Kiểm nghiệm thực tiễn
Từ năm 2006 đến nay, trong điều kiện thi cử ngày càng nghiêm túc nhưng tỷ lệ tốt nghiệp THPT vẫn được tăng dần qua mỗi năm: năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp THPT (thi lần một) là 66,7%, năm 2008 (lần một) là 76%, năm 2009 là 83,6% và năm 2010 là 92,57%. Như vậy sau bốn năm phấn đấu liên tục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đã đạt gần bằng mức của năm 2006 là 94%, có điều khác căn bản: đây là kết quả thực chất, gian lận có tổ chức trong thi cử đã hoàn toàn chấm dứt. Năm 2010, theo phản ánh của các báo chí, vẫn còn hiện tượng thi chưa nghiêm túc: thí sinh hỏi bài nhau, cặp sách để ở cửa sổ phòng thi, thí sinh vứt “phao” trong phòng thi sau khi kết thúc thi nhưng là những con số rất ít. Có ý kiến cho là kết quả thi 2010 với tỷ lệ tốt nghiệp 92,57% là tăng cao đột biến. Thực tế là, năm 2008 kết quả tốt nghiệp cao hơn năm 2007 là 9,3%, năm 2009 cao hơn 2008 là 7,6%; như vậy, năm 2010 tăng hơn năm 2009 là 8,97% và có bảy tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp 99% trở lên (không có 100%), có mười tỉnh, thành phố tỷ lệ tốt nghiệp dưới 80%, trong đó có ba tỉnh thấp nhất là 69% phải được coi là một kết quả bình thường.
Có ý kiến cho rằng, năm 2010 đề thi dễ cho nên điểm tốt nghiệp cao, đây chỉ là một suy đoán không có cơ sở. Dễ thấy rằng, nếu đề quá dễ thì tất cả các tỉnh đều phải có kết quả tốt nghiệp năm 2010 cao hơn năm 2009. Song thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Trong khi phần lớn các tỉnh, thành phố có kết quả năm 2010 cao hơn năm 2009 thì có bảy tỉnh, thành phố kết quả của khối THPT năm 2010 giảm hoặc không tăng so với năm 2009 là TP Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Tiền Giang, Trà Vinh, Bình Thuận, Bến Tre, Điện Biên. Nếu đề quá dễ thì tỷ lệ tốt nghiệp của thí sinh hệ giáo dục thường xuyên cũng phải cao, song thực tế có đến 21 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp từ 13% đến dưới 40% và có đến 30 tỉnh, thành phố tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%. Nếu đề quá dễ thì chẳng những tỷ lệ tốt nghiệp phải tăng mạnh mà tỷ lệ tốt nghiệp loại khá giỏi cũng phải tăng, song thực tế năm 2007 tỷ lệ khá giỏi là 10,6%, năm 2008 là 11,1%, năm 2009 là 11,2% và năm 2010 là 10,02%. Như vậy so với ba năm trước tỷ lệ khá giỏi năm 2010 không những không tăng mà còn giảm và là thấp nhất.
Trên nền tảng cơ bản mà toàn ngành đã đạt được về chiều rộng, ngành sẽ phải tập trung trong mười năm tới để đạt được sự phát triển về chiều sâu: tăng tỷ lệ tốt nghiệp khá giỏi, tự hào và thực hành văn hóa dân tộc, biến năng lực sử dụng ngoại ngữ và công nghệ thông tin trở thành kỹ năng sống của học sinh Việt Nam, thành lợi thế của lao động Việt Nam. Từ kinh nghiệm của bốn năm thực hiện cuộc vận động “Hai không”, chúng ta sẽ quyết tâm phấn đấu để đạt mục tiêu đó. Nhận thức đúng đắn về lợi ích học hành của học sinh và gia đình các em, ý thức trách nhiệm và niềm tự hào nghề nghiệp của các thầy giáo, cô giáo, ý thức chính trị của lãnh đạo Đảng và chính quyền các địa phương chính là động lực bảo đảm cho sự thành công.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()