Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức thi hành pháp luật
Theo dõi THPL gắn với các các “điểm nóng” được dư luận quan tâm
Có thể nói, năm 2017, công tác theo dõi THPL được các Bộ, ngành, địa phương chú trọng, gắn với các sự kiện, vấn đề được dư luận quan tâm như: việc cảnh sát giao thông xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không mang theo bản chính đăng ký lái xe do thế chấp ngân hàng; vụ việc về khách hàng thuê bao sim di động phải chụp ảnh; vụ việc về thực hiện quy định không đăng kiểm xe ô tô theo thông báo của cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT) khi phương tiện đó bị xử phạt “nguội”… Đồng thời, tập trung vào lĩnh vực trọng tâm liên ngành được xác định là lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo đó, tập trung theo dõi tình hình thi hành các quy định của pháp luật về tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong việc tiếp cận, khai thác các nguồn lực về vốn, khoa học kỹ thuật, đất đai và lao động…
Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện công tác theo dõi THPL tại 06 Bộ (Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Thông tin và Truyền thông) và 08 địa phương qua đó phát hiện vướng mắc, bất cập trong THPL để kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, công tác theo dõi THPL còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, chưa phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn THPL tại địa phương. Trong khi đó, lĩnh vực yêu cầu theo dõi rộng và phức tạp. Các hình thức theo dõi THPL còn đơn điệu, chủ yếu thông qua các hoạt động kiểm tra và thu thập thông tin từ báo cáo của các cơ quan, đơn vị. Việc tổ chức điều tra, khảo sát, thu thập và xử lý thông tin về tình hình THPL từ các phương tiện truyền thông đại chúng chưa thường xuyên, chậm được thực hiện, hoặc nếu được triển khai thực hiện thì chủ yếu là tiếp nhận và kiến nghị xử lý.
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương cũng nhận định, ở nước ta, tổ chức THPL đang được xem là một khâu yếu. Điều đáng nói hơn nữa là giữa công tác “xây dựng pháp luật” và công tác “tổ chức THPL” thiếu sự liên thông, thậm chí là cắt khúc.
Để tiếp tục hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu quả công tác theo dõi THPL, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng, trình Chính phủ “Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật”.
Cần chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc,“pháp luật được ban hành ra không phải để tồn tại trên giấy mà phải được tổ chức thực hiện đúng, phải được tuân thủ bởi tất cả mọi người”.
Tuy nhiên, thực tế việc thực thi pháp luật hiện nay dường như chưa đi theo mong muốn và thậm chí có người còn lý giải cho việc không tuân thủ pháp luật của mình là do một số quy định pháp luật “có vấn đề”. Nhận ra thực trạng này, Chính phủ đã thể hiện rõ định hướng “đẩy mạnh hoàn thiện pháp luật gắn với tổ chức THPL theo tinh thần thượng tôn pháp luật” tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế – xã hội năm 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng đây là định hướng lớn và việc thực hiện để đạt được mục tiêu “thượng tôn pháp luật” đòi hỏi rất nhiều công việc phải làm, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân và quan trọng là phải có thời gian và quyết tâm cao mới thay đổi được nhận thức và thói quen hiện nay.
Với chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về THPL, để thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chuẩn bị triển khai một số công việc sau: Tham mưu, đề xuất tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của công tác tổ chức THPL. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về theo dõi THPL và tổ chức THPL, trong đó trọng tâm là đề ra các giải pháp để tổ chức thi hành tốt pháp luật, đưa pháp luật đi vào cuộc sống cùng với việc tổ chức thực hiện tốt Đề án sau khi được phê duyệt.
Mặt khác, tăng cường phối hợp liên ngành giữa trung ương và địa phương trong nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi THPL, tổ chức THPL, tăng cường kiểm tra các bộ, ngành và địa phương theo kế hoạch được ban hành.
Theo một số chuyên gia pháp luật, cần xây dựng cơ chế liên thông, gắn kết, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong việc phản ánh thực trạng THPL. Thực tiễn tổ chức công tác theo dõi THPL cho thấy, những thông tin rất quan trọng về thực trạng THPL đang được các cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan giám sát nắm giữ nhưng thường không được chia sẻ đối với các cơ quan hoặc người làm công tác theo dõi THPL. Điều này làm cho những đánh giá về thực trạng THPL của cơ quan hoặc người làm công tác theo dõi THPL có thể thiếu toàn diện.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng đã nhiều lần yêu cầu cán bộ trong ngành Tư pháp “chủ động hơn trong phản ứng chính sách”. Bởi, ngành Tư pháp có công cụ kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi THPL, giúp thực hiện kịp thời, nhạy bén và phản ứng sát sao với thực tiễn…
Ngày 26/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL giai đoạn 2018 – 2022”. Đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục sửa đổi, bổ sung, cụ thể hóa các quy định hiện hành về tổ chức THPL; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức THPL, hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của hệ thống pháp luật; từng bước khắc phục được những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức THPL, tạo tiền đề cho sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động tổ chức THPL. |
Ý kiến ()