Tạo chất và lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh
LSO-Y tế học đường (YTHĐ) có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh ở trường học. Vì thế, những năm gần đây, các cấp, ngành và các nhà trường đã quan tâm thực hiện tốt, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho học sinh.
Nhân viên y tế Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn xử lý trường hợp học sinh bị cảm, sốt cao |
Xử lý tại chỗ các vấn đề sức khỏe
Học sinh ở độ tuổi đến trường (từ cấp mầm non đến THPT) hằng ngày phải đối diện với rất nhiều nguy cơ bệnh tật, tai nạn. Cho nên, vai trò của nhân viên y tế trường học là rất cần thiết trong sơ cấp cứu ban đầu cho học sinh trong những trường hợp tai nạn thương tích trước khi chuyển đến bệnh viện; chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm trong trường học…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ học sinh, thời gian qua, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng YTHĐ. Các ngành thành viên Ban chỉ đạo chương trình YTHĐ tỉnh, đặc biệt là ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã nỗ lực triển khai các hoạt động. Nhờ đó, vào đầu năm học mới, các nhà trường đều xây dựng kế hoạch về công tác y tế; tổ chức truyền thông giáo dục sức khoẻ tới học sinh với nhiều nội dung phong phú. 100% y tế các trường học cơ bản đã xử lý ngay tại chỗ, xử lý sớm các tai nạn như: chảy máu, gẫy xương, bong gân, sai khớp, ngất xỉu, dị ứng, đau mắt, đau bụng, đau đầu… cho học sinh và phối hợp cùng gia đình chuyển học sinh lên tuyến trên điều trị kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Hương, nhân viên y tế Trường THCS Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm học, tôi luôn chủ động xây dựng kế hoạch dự trù mua thuốc phòng để xử lý tại chỗ cho trẻ như: thuốc hạ sốt, cảm cúm, bông băng, dầu gió…
Theo dõi, phòng chống dịch bệnh
Công tác khám và phân loại sức khoẻ cho học sinh được chú trọng. Các trường học trong tỉnh đã phối hợp với các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế huyện tổ chức khám sức khoẻ và phân loại sức khoẻ cho học sinh, phát hiện đưa vào diện quản lý các bệnh: răng miệng, mắt, suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì… Tất cả trường học trong toàn tỉnh đã thực hiện lập sổ quản lý sức khoẻ học sinh theo quy định. Năm học 2016 – 2017, toàn tỉnh có 179.370/188.357 học sinh được khám và quản lý sức khỏe, đạt tỷ lệ 95,2%.
Cùng với đó, các trường còn quan tâm thực hiện tốt công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cho học sinh. Trong năm học 2016 – 2017, các trường học trên địa bàn đã tổ chức được hơn 8.100 buổi truyền thông về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh tật học đường, hoạt động thể lực nâng cao sức khỏe… thu hút hơn 1,1 triệu lượt người tham gia.
Chị Lương Thị Hiệp, nhân viên y tế Trường Mầm non xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng chia sẻ: Hằng ngày, chúng tôi không chỉ ở tại phòng y tế mà phải đi kiểm tra nhà ăn, nhà vệ sinh xung quanh sân trường. Mỗi thời điểm giao mùa, tôi phải giám sát tất cả những vật dụng đựng nước và phối hợp với trạm y tế xã để lập kế hoạch tuyên truyền cho học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh.
Nhìn chung, công tác YTHĐ của tỉnh đã được triển khai từ nhiều năm nên các hoạt động đã cơ bản đi vào nề nếp. Diện bao phủ công tác YTHĐ rộng trên quy mô toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 743/743 trường học có cán bộ làm công tác YTHĐ, đạt 100%; 415/743 trường học có phòng y tế đảm bảo theo quy định của Bộ GD-ĐT, chiếm 55,9%. Tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế tăng dần qua từng năm, đến năm 2017 đạt 96,24%.
Tuy nhiên, công tác YTHĐ vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, nhất là các trường học ở vùng sâu, vùng xa. Ông Lê Xuân Trường, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT cho biết: Để nâng cao chất lượng YTHĐ, thời gian tới, ngành GD-ĐT tỉnh tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cho cán bộ YTHĐ; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với ngành y tế, bảo hiểm xã hội và tài chính để chăm sóc sức khỏe học sinh tốt hơn.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()