Tạo bước đột phá trong công tác xây dựng pháp luật
Sáng 16/6, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã đến thăm và làm việc với Bộ Tư pháp.
Về phía Bộ Tư pháp có Bộ trưởng Lê Thành Long, các Thứ trưởng Đinh Trung Tụng, Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Lê Tiến Châu, Trần Tiến Dũng và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội cơ quan Bộ Tư pháp và lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành trung ương.
Toàn cảnh buổi làm việc. (Ảnh: TH).
Báo cáo kết quả công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết: Trong 6 tháng qua, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ; một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao.
Cụ thể, trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), Bộ Tư pháp đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật Tiếp cận thông tin; tích cực hoàn thiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 1; tham gia xây dựng, góp ý nhiều VBQPPL do các bộ, ngành chủ trì xây dựng.
Công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng và gắn kết chặt chẽ hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Tính đến ngày 10/6/2016, Bộ Tư pháp đã có ý kiến thẩm định đối với 127 văn bản. Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện rút ngắn, đẩy nhanh tiến độ thẩm định các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh và đã hoàn thành thẩm định đối với 49/49 nghị định theo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp.
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong số việc có điều kiện thi hành, số thi hành xong là 296.041 việc, tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015; đạt tỷ lệ 56,22%, tăng 9,62% so với cùng kỳ. Trong số tiền có điều kiện thi hành, số thi hành xong hơn 14 nghìn tỷ đồng, tăng 26,92% so với cùng kỳ; đạt tỉ lệ 14%, tăng 2,94% so với cùng kỳ…
Báo cáo làm rõ thêm về nhiệm vụ công tác tư pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ, ngành Tư pháp sẵn sàng hưởng ứng tinh thần chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là chỉ đạo “chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động”. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm công tác tới đây sẽ hướng tới mục tiêu trên từ công tác xây dựng pháp luật đến công tác thi hành án dân sự, tiếp tục triển khai thi hành kịp thời, có hiệu quả các luật có hiệu lực trong năm 2016; đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiệnđồng bộ, có hiệu quả Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác đăng ký, thống kê hộ tịch;công tác hộ tịch…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TH) .
Phát biểu tại buổi làm việc, ghi nhận, biểu dương những thành tích đạt được, những cố gắng của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Bộ, ngành Tư pháp đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Nhấn mạnh Chính phủ mới kiện toàn đã chuyển phương thức chỉ đạo điều hành từ mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo phát triển và phục vụ nhân dân, Phó Thủ tướng lưu ý, Bộ Tư pháp một số định hướng nhằm quyết tâm đổi mới, chủ động và tập trung hơn nữa vào công tác xây dựng thể chế.
Trước hết, tiếp tục đổi mới tư duy, tạo bước đột phá trong tham mưu, giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thi hành pháp luật; chủ động hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế; nghiên cứu, căn chỉnh và có bước đi phù hợp trong xã hội hóa trong lĩnh vực tư pháp, pháp luật.
Để thực hiện có hiệu quả các định hướng này, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ, ngành Tư pháp cần tập trung nguồn lực thực hiện. Trong đó, cần ưu tiên tập trung nguồn lưc thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm theo kế hoạch công tác năm, nhất là các văn bản, đề án trình cấp có thẩm quyền; chủ động tham mưu, giúp Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình phù hợp để chuyển hướng chỉ đạo chiến lược từ công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thực thi pháp luật; hoàn thành chỉ tiêu thi hành án dân sự; chú trọng công tác xây dựng ngành, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn, có phẩm chất đạo đức…
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã trao Quyết định số 1056/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm đồng chí Lê Tiến Châu, Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội giữ chức Thứ trưởng Bộ Tư pháp.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()