Tăng vốn điều lệ Cty phải có sự nhất trí của các thành viên
Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc tiếp nhận thêm thành viên phải được sự nhất trí của các thành viên, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”…
Hỏi:Trong Điều 60 – Luật Doanh nghiệp năm 2005 có nhắc đến việc “Tăng, giảm vốn điều lệ của công ty phải được sự nhất chí của các thành viên, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”. Vậy trường hợp này nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì có phải sự nhất chí của các thành viên ở đây là sự nhất trí của tất cả các thành viên hay chỉ là sự nhất trí của hội đồng thành viên thông qua biểu quyết? Vì theo tôi nếu phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên thì sẽ không có quy định Thành viên phản đối quyết định tăng vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn.
Trả lời:
Trong điều 60 Luật Doanh nghiệp 2005 không quy định hoàn toàn như phần bạn trích dẫn trên. Việc tăng , giảm vốn điều lệ phải gắn liền với một trong 3 hình thức sau:
a) Tăng vốn góp của thành viên;
b) Điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty;
c) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
Như vậy câu hỏi của bạn có thể rơi vào trường hợp thứ 3: Tăng, giảm vốn điều lệ thông qua việc tiếp nhận thành viên mới. Trong trường hợp này Luật quy định rõ ràng là “Trường hợp tăng vốn điều lệ bằng việc tiếp nhận thêm thành viên phải được sự nhất trí của các thành viên, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác” (khoản 2, Điều 60, Luật Doanh nghiệp).
Vậy trường hợp nếu Điều lệ công ty không quy định khác thì phải có sự nhất chí của các thành viên ở đây là sự nhất trí của tất cả các thành viên, chứ không phải sự nhất trí của hội đồng thành viên thông qua biểu quyết. Trong trường hợp này Hội đồng thành viên chỉ ra Quyết định đồng ý về mặt nguyên tắc đối với việc tiếp nhận thêm thành viên mới. Còn thực tế để kết nạp được thành viên mới trong công ty TNHH hai thành viên trở lên phải có sự thống nhất của từng thành viên cũ.
Việc hiểu và giải thích quy định như trên hoàn toàn không mâu thuẫn với việc “Thành viên phản đối quyết định tăng vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn”. Bởi việc thành viên nào đó phản đối quyết định tăng vốn ở đây là cho hình thức tăng vốn góp (thình thức thứ nhất ở trên).
Hai hình thức được Luật quy định riêng rẽ và không mâu thuẫn với nhau. Chỉ có hình thức tăng vốn thông qua tăng vốn góp của các thành viên thì mới quy định việc có thành viên nào đó phản đối theo khoản 2, Điều 60, Luật Doanh nghiệp: “Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trong trường hợp này, số vốn góp thêm đó được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thoảthuận khác”.
Ý kiến ()