Tăng về “lượng”, liệu “chất” có đổi?
Thiết bị thực hành của Trung tâm dạy nghề Tràng Định |
Thực trạng của các trung tâm
Ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) có 9 trung tâm GDTX cấp huyện và 2 trung tâm GDTX cấp tỉnh. Trong những năm qua, nhất là từ năm 2010 đến nay, các trung tâm đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng bổ túc văn hóa, xây dựng và củng cố hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng cũng như việc đào tạo nghề cho thanh niên; xứng đáng là “trụ cột” của các địa phương trong việc xây dựng xã hội học tập. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, các Trung tâm GDTX cấp huyện đã đẩy mạnh liên kết với với các trường đại học, cao đẳng, nhất là trường cao đẳng nghề trên địa bàn trong mô hình “văn hóa-nghề”, thực hiện có hiệu quả phân luồng học sinh sau cấp THCS.
Được đầu tư lớn, đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến trang thiết bị dạy nghề, trong 3 năm qua, 10 trung tâm dạy nghề cấp huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyển sinh, khai thác CSVC, tổ chức các lớp dạy nghề sơ cấp, ngắn hạn (dưới 3 tháng) và bồi dưỡng nghề cho lao động nông thôn. Song thực trạng chung là tất cả 10 trung tâm dạy nghề cấp huyện đều hoạt động èo ọt. Do chưa có sự đầu tư điều tra nhu cầu lao động, chưa có cách thức huy động mở lớp và duy trì lớp, đội ngũ giáo viên cơ hữu rất thiếu, giáo viên thỉnh giảng chủ yếu theo hợp đồng từ những cơ quan chuyên môn cấp huyện, thiếu cả kiến thức nghề lẫn năng lực sư phạm nên chưa thu hút người học, gây lãng phí lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động.
Những vấn đề đặt ra khi sáp nhập
Thông tư Liên tịch số 39/2015/TTLT-BLĐTBXH- BGD&ĐT-BNV, ngày 19/10/2015 của liên Bộ Lao động TBXH- Bộ GD&ĐT-Bộ Nội Vụ hướng dẫn việc sáp nhập trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX cấp huyện thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình hiện nay trên địa bàn tỉnh.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi sáp nhập sẽ không có địa phương nào “vướng” về quy hoạch mạng lưới giáo dục, hướng nghiệp và đào tạo nghề. Tuy nhiên, năng lực đào tạo nghề nghiệp, GDTX và hướng nghiệp có được nâng lên hay không còn phụ thuộc rất lớn vào sự đồng bộ trong chỉ đạo và thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ chức năng. Bởi vì, Thông tư số 39 quy định Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- GDTX do UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, Sở Lao động TBXH quản lý nhà nước về đào tạo nghề nghiệp và Sở GD&ĐT quản lý nhà nước về GDTX và hướng nghiệp. Một số trung tâm GDTX có ý kiến cho rằng sẽ rất lúng túng khi hoạt động trong điều kiện có tới 3 cơ quan quản lý, nếu Trung tâm không xây dựng được một quy chế tổ chức và hoạt động một cách hợp lý, khoa học và chặt chẽ thì sẽ có nhiều vướng mắc.
Hiện nay, một số trung tâm dạy nghề và trung tâm GDTX có vị trí gần nhau như: Lộc Bình, Đình Lập, Chi Lăng… sẽ khá thuận lợi cho việc khai thác cơ sở vật chất sau sáp nhập. Tuy nhiên, một số trung tâm cấp huyện ở khá xa nhau như Tràng Định, nếu tận dụng cơ sở vật chất của cả 2 trung tâm sẽ rất bất tiện, nhưng chỉ sử dụng cơ sở vật chất của 1 trung tâm thì sẽ thiếu; khi ấy, việc đầu tư thêm cơ sở hạ tầng sẽ tốn kém. Hiện nay, bằng sự liên kết đào tạo văn hóa – nghề, nhiều trung tâm như: Lộc Bình, Chi Lăng, Văn Quan… đã được các trường cao đẳng nghề đầu tư các xưởng thực hành; nay sáp nhập thì “số phận” của các xưởng này sẽ ra sao? Về nhân lực, theo kế hoạch, trung tâm mới sẽ “thu nạp” 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên của 2 trung tâm cũ, có sự sắp sếp lại một số vị trí chuyên môn. Trong nhiều năm qua, các trung tâm GDTX xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên có phẩm chất tốt, chuyên môn vững vàng, nhưng cũng chỉ là giáo viên văn hóa và công nghệ thông tin. Cũng như vậy, các trung tâm dạy nghề hiện nay chỉ có một vài giáo viên làm công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng chứ chưa có giáo viên cơ hữu dạy nghề. Như vậy, tình trạng “thừa mà vẫn thiếu” sẽ vẫn xảy ra.
Làm việc với chúng tôi, đồng chí Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động-TBXH Lạng Sơn cho rằng: sáp nhập không chỉ là sự gia tăng về “lượng” (cơ sở vật chất, nhân lực…), mà làm thế nào để chất lượng GDTX phải được giữ vững và nâng lên; chất lượng dạy nghề phải được cải thiện. Sau sáp nhập sẽ còn rất nhiều việc phải làm để Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- GDTX hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ý kiến ()