Tăng tuổi nghỉ hưu,lao động trẻ có bị "chiếm chỗ"?
Thực hành nghề cơ khí tại Trường cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Nam – Hàn Quốc (TP Vinh, Nghệ An).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số người thất nghiệp tại Việt Nam chiếm khoảng 2,2% lực lượng lao động, tương ứng khoảng một triệu người thất nghiệp trong tổng số 55 triệu lao động, vậy con số 2,2% này là nhiều hay ít? So sánh về tỷ lệ thất nghiệp của 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trong giai đoạn 2016-2018, cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất thuộc về Xy-ri là 50% vì đang chiến tranh, thấp nhất thuộc về Cam-pu-chia với 0,5%; khoảng 20 nước có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn 20%; 25 nước nằm trong khoảng 10 – 20%, 60 nước nằm trong khoảng 5 – 10%. Hiện, Việt Nam đứng thứ tám trong số các nước có tỷ lệ thất nghiệp 2,2%, tức là lọt vào tốp các nước và vùng lãnh thổ có tỷ lệ thấp nhất.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp phân tích, ngay tại nhiều nước có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn Việt Nam, họ vẫn thiếu hụt lao động, dù nâng tuổi nghỉ hưu và vẫn phải hợp tác, tuyển dụng lao động nước ngoài. Thí dụ, tỷ lệ thất nghiệp của Hàn Quốc là 4,9%; Nhật Bản là 2,4%; Ðài Loan (Trung Quốc) là 3,7%; Ðức là 3,3%; Ru-ma-ni 4%; Nga là 6%; Xlô-va-ki-a 6,6%,… đều cao hơn Việt Nam, có tuổi nghỉ hưu cao hơn Việt Nam và vẫn đang nhận rất nhiều lao động các nước, trong đó có lao động Việt Nam. Tổ chức Lao động quốc tế cũng đã có khuyến cáo, các quốc gia để ứng phó với già hóa dân số thì phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, điều chỉnh ngay từ khi dân số vàng chứ đừng đợi khi dân số đã già, vì đây là công việc lâu dài, cần một lộ trình dài hạn; và sẽ phải trả giá đắt nếu điều chỉnh quá chậm.
Tại Việt Nam, 15 năm trước, mỗi năm lực lượng lao động Việt Nam tăng thêm 1,2 triệu người, tức là số vào tuổi lao động nhiều hơn số ra khỏi tuổi lao động 1,2 triệu người. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm lực lượng lao động chỉ tăng thêm 400 nghìn người, tức là chỉ bằng 1/3. Theo tính toán, sau 15 năm nữa, khi Việt Nam chưa kết thúc lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu theo dự kiến, thì mỗi năm tăng 200 nghìn người, thậm chí ít hơn. Như vậy, khan hiếm và thiếu hụt lao động là nguy cơ rõ ràng nếu không kịp thời mở rộng độ tuổi lao động.
Khi mà số người rời khỏi độ tuổi lao động ngày càng đông hơn, số người mới gia nhập thị trường lao động ngày càng ít thì tác động mà ta gọi là người già “chiếm chỗ” người trẻ sẽ càng giảm nhẹ. Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, chúng ta thực hiện lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu này trong vòng 15 năm, cho nên tác động này là không đáng ngại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi khẳng định “tăng tuổi nghỉ hưu không ảnh hưởng cơ hội việc làm của giới trẻ”. Bởi vì, theo dự thảo Bộ luật Lao động, việc nâng tuổi nghỉ hưu không phải ở tất cả các nhóm lao động. Với những lao động làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, giảm sức lao động từ 61% trở lên…, người lao động vẫn có quyền nghỉ hưu trước 5 năm. Như vậy, vẫn tồn tại nhóm đối tượng nghỉ hưu trước tuổi; còn đối với nhóm lao động có trình độ kỹ thuật chuyên môn, thì không lo bị giảm năng suất lao động. Thực tế trong điều kiện làm việc tốt, năng suất còn có thể cao hơn vì lúc đó họ có kỹ năng, chuyên môn cao hơn. Trên thực tế, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là một xu thế phổ biến được thực hiện ở nhiều nước từ những năm 2010 đến nay nhằm ứng phó quá trình già hóa dân số. Ðồng chí Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn (50 năm hoặc dài hơn), bảo đảm sự ổn định của quốc gia, nhưng phải được thực hiện sớm theo lộ trình, không tạo sốc cho thị trường lao động. Qua kinh nghiệm điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của các quốc gia cho thấy, thời điểm tốt nhất thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là khi đang còn thặng dư lao động (số người trong độ tuổi lao động chiếm phần đông trong tổng dân số); kinh tế đang trên đà phát triển, có tốc độ tăng trưởng tốt; cơ cấu dân số càng trẻ thì lộ trình điều chỉnh càng dài. Vào thời điểm này của Việt Nam, khi chúng ta đang bước dần từ giai đoạn dân số vàng sang dân số già, việc xem xét điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã là hơi chậm và cần có những quyết định sớm.
Ðồng chí Bùi Sỹ Lợi cũng cho rằng, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một vấn đề vĩ mô của nền kinh tế, cần được tính toán và thực hiện trên cơ sở điều tiết các chính sách chung về lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, nguồn nhân lực, đào tạo, đào tạo nghề,… và nhiều chính sách an sinh xã hội khác, do vậy cần được nghiên cứu kỹ lưỡng và thận trọng. Ðể điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, phải thực hiện đồng bộ các chính sách khác về thị trường lao động và an sinh xã hội một cách tổng thể, bao gồm cả việc sử dụng một phần quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ một phần tiền lương hoặc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội để giảm áp lực chi phí tài chính cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục sử dụng, tránh sa thải lao động sau 35-40 tuổi; sử dụng một phần quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp để chủ động phòng ngừa, cải thiện điều kiện làm việc giúp kéo dài tuổi nghề của người lao động.
Theo Nhandan
Ý kiến ()