Tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp xu thế
Cần có quy định phù hợp về độ tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại.
Thời điểm “chín muồi”
Giải trình ý kiến của đại biểu QH thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, đây là xu thế tất yếu và cũng là nhu cầu thật sự cần thiết của Việt Nam hiện nay. Ở thời điểm này, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đề ra.
Trên thực tế, hầu như các nước đều gặp khó khăn khi điều chỉnh tuổi hưu. Với lộ trình như dự thảo đặt ra, đích đạt đến tuổi nghỉ hưu nữ đủ 60 tuổi theo lộ trình là vào năm 2035, và nam đủ 62 tuổi là năm 2029.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, có bốn vấn đề lớn đặt ra và cũng là kinh nghiệm của các nước khi điều chỉnh tuổi nghỉ hưu mà chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu. Đó là: Các nước đều quyết định tăng tuổi nghỉ hưu khi còn thặng dư lao động; tiến hành lộ trình tăng chậm; quyết định tăng tuổi hưu của các nước thường không nhận được sự đồng tình của người dân cũng như người lao động (NLĐ) trong quá trình điều chỉnh tuổi hưu phải phân loại đối tượng theo các nhóm… Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cũng sẽ phân làm ba nhóm: Nhóm nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường; nhóm thuộc ngành nghề lĩnh vực độc hại, nặng nhọc, suy giảm, vùng sâu vùng xa có phụ cấp… thì có quy định cụ thể bằng văn bản dưới luật. Nhóm thứ ba là nhóm nghỉ hưu muộn, cũng sẽ có danh sách cụ thể và hiện nay nhóm này áp dụng chủ yếu ba đối tượng là thẩm phán tòa án nhân dân tối cao; nữ thứ trưởng và nhà khoa học quản lý…
Đồng tình với quy định tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu QH Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, các phương án Chính phủ trình vừa bảo đảm quyền, đồng thời thể hiện trách nhiệm của NLĐ cũng như có tính đến các yếu tố, điều kiện khác. Đặc biệt, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải vấn đề mới, mà đã được bàn thảo nhiều lần khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, Luật BHXH năm 2014 và Luật Cán bộ – Công chức… Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, tuổi nghỉ hưu hiện hành được quy định cách đây gần 60 năm. Đến nay, các điều kiện về kinh tế – xã hội, lao động, sức khỏe, tuổi thọ và yêu cầu về phát triển đất nước đều thay đổi rất nhiều…, đây là thời điểm “chín muồi” đối với việc tăng tuổi nghỉ hưu, nhất là trong tương lai không xa, nước ta phải đối mặt với nguy cơ thiếu lao động. Mặt khác, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với việc tăng số năm đóng BHXH, nên chắc chắn lương hưu của NLĐ, nhất là NLĐ nữ sẽ tăng, đồng thời còn tăng cơ hội đào tạo, quy hoạch bồi dưỡng cán bộ nữ.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) cho rằng, Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ tác động sâu sắc đến nhiều tầng lớp nhân dân, cho nên QH cần lấy ý kiến rộng rãi nhân dân trong việc tham gia vào quá trình sửa đổi luật. Theo đại biểu Vũ Thị Nguyệt, mặc dù độ tuổi bắt đầu tham gia vào thị trường lao động của nam và nữ ngang nhau, nhưng trong quá trình làm việc, nữ giới phải dành nhiều thời gian để thực hiện thiên chức làm mẹ cũng như chăm sóc gia đình, do đó thời gian làm việc thực tế của nữ thấp hơn nam giới, thậm chí trên thực tế còn thấp hơn so với luật định, dẫn đến lương hưu của nữ thấp hơn nam. Trong khi đó, tuổi thọ của nữ cao hơn nam, thời gian nữ hưởng lương hưu dài hơn nam, với mức lương hưu thấp đã làm chất lượng cuộc sống của nữ thấp hơn nam. Do vậy, cần rút ngắn khoảng cách thời gian nghỉ hưu của nữ và nam.
Về vấn đề này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho biết: Chế độ hưu trí chính thức bắt nguồn từ Nghị định 218/CP ngày 27-12-1961, đã thực hiện gần 60 năm và không có điều chỉnh nào về việc tăng tuổi nghỉ hưu. Trong khi đó, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng từ 59,04 tuổi (từ năm 1960) lên 76,05 tuổi hiện nay. “Tuổi thọ cao đã gây áp lực lên hệ thống quỹ hưu trí Việt Nam. Trước đây, quỹ hưu trí là quỹ được Nhà nước bao cấp, bây giờ Nhà nước không bao cấp quỹ hưu trí, nhưng quỹ BHXH vẫn bao cấp”. Theo tính toán, nếu một người 55 tuổi về hưu khi có 20 năm đóng BHXH, trung bình mỗi năm đóng bốn tháng BHXH thì có 80 tháng tiền lương, nhưng khi về hưu tính bình quân sống 21 năm hưởng lương hưu nữa, thì tính ra đóng 80 tháng lương lại được hưởng tới 189 tháng – như vậy quỹ BHXH phải bù 89 tháng. Còn nếu về hưu sau khi có 25 năm đóng BHXH thì bù 89 tháng, 30 năm đóng thì bù 69 tháng, 35 năm đóng thì bù 59 tháng; còn nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 thì quỹ bù cao nhất 45 tháng. Số tiền đó Nhà nước không bù, mà lấy của người đang đóng BHXH bù cho người đang hưởng, nên hiện áp lực rất cao lên quỹ BHXH…
Điều chỉnh phù hợp từng nhóm đối tượng
Đại biểu Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, việc xem xét tăng tuổi nghỉ hưu phải song hành với tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm và không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; cũng như phải bảo đảm chất lượng, cơ cấu dân số và bình đẳng giới. Đồng thời, kiến nghị cần cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề sản xuất đặc thù, để tránh gây sốc về tình trạng thất nghiệp cũng như không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động. Bởi, NLĐ hiện nay đang làm việc trong điều kiện còn khó khăn so với các nước trong khu vực, mức sinh hoạt bảo đảm cho cuộc sống còn hạn chế. Do vậy, trong trường hợp tăng tuổi nghỉ hưu, nên chia theo nhóm như: Nhóm lao động làm việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và nhóm lao động làm việc trong doanh nghiệp, để có sự tính toán hợp lý…
Nhận định việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ liên quan, ảnh hưởng đến hàng chục triệu NLĐ, nên đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cũng đề nghị Chính phủ phải cân nhắc tính toán, đồng thời đánh giá rõ tác động của quy định này đối với năm vấn đề, là: lực lượng lao động – cơ cấu lao động, chế độ hưu trí, quy hoạch bổ nhiệm cán bộ, thể lực, ý chí nguyện vọng của NLĐ… để có phương án tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp.
Phát biểu ý kiến kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực QH Tòng Thị Phóng cho biết, về cơ bản, QH đồng thuận với phương án 1 và thống nhất với Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa yêu cầu Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng yêu cầu Ban soạn thảo cần xem xét đến ý kiến của NLĐ, nhất là nhóm lao động trực tiếp (như: công nhân trong ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử, sản xuất đồ gỗ, lấy mủ cao-su, giáo viên mầm non…) họ chưa đồng thuận với đề xuất lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Cần xem xét đến nguyện vọng của một bộ phận NLĐ lớn tuổi, không còn muốn tiếp tục làm việc; hay như nhiều doanh nghiệp có thâm dụng lao động lớn, doanh nghiệp sử dụng nguồn lao động trực tiếp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi cho những công việc trực tiếp sản xuất, bởi e ngại sức khỏe, độ nhanh nhạy, kỹ năng làm việc giảm, trong khi phải trả lương cao do thâm niên làm việc. Tuy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng cao nhưng sức khỏe chưa thật sự tốt (mắc nhiều bệnh tật ở người cao tuổi), trong khi tính chất công việc, môi trường làm việc, điều kiện an toàn vệ sinh lao động chậm được cải thiện… Do vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu cần xem xét đến các yếu tố, đối tượng, lĩnh vực ngành nghề; cần được thiết kế linh hoạt hơn và cân nhắc đến từng nhóm đối tượng cụ thể. Chính phủ cần xem xét để tăng hoặc có lộ trình tăng; có các chính sách hỗ trợ linh hoạt đối với NLĐ bị suy giảm sức khỏe, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ sớm hơn so với quy định của luật. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp thu đầy đủ ý kiến đại biểu QH, đồng thời phối hợp tiếp tục cập nhật, tiếp thu ý kiến nhân dân, làm rõ các nội dung đề xuất sửa đổi, tiếp tục nghiên cứu đánh giá tác động và chuẩn bị kỹ lưỡng, chi tiết các văn bản hướng dẫn thi hành luật; đồng thời, lưu ý trong quá trình xây dựng luật cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền tạo ra sự thống nhất, đồng thuận cao.
Theo Nhandan
Ý kiến ()