Tăng trưởng xanh gắn với định hướng phát triển đô thị Việt Nam
Trong “Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh” do UBND tỉnh Quảng Nam, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UNHABITAT) và Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu phối hợp tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của “tăng trưởng xanh” trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Trong “Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh” do UBND tỉnh Quảng Nam, Chương trình định cư con người Liên hợp quốc (UNHABITAT) và Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh toàn cầu phối hợp tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của “tăng trưởng xanh” trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, Diễn đàn có ý nghĩa thiết thực cho định hướng phát triển của tỉnh Quảng Nam nói riêng và cho Việt Nam nói chung đồng thời là cơ hội để cùng trao đổi, thảo luận để đẩy mạnh “tăng trưởng xanh”, đóng góp thiết thực cho việc thực hiện các chương trình, chiến lược phát triển xanh của cả nước, trong đó có công tác phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
Đề cập tới “Định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh”, Thứ trưởng khẳng định, đô thị hóa là xu thế tất yếu của quá trình phát triển của mỗi quốc gia.
Thành công và tồn tại của quá trình đô thị hóa Việt Nam thời gian qua
Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong việc phát triển đô thị gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hệ thống các đô thị đã có sự phát triển nhanh cả về số lượng, chất lượng và quy mô. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, tạo dựng được những không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc có chất lượng. Tính đến tháng 12/2012, mạng lưới đô thị Việt Nam đã được phát triển với 765 đô thị, tỷ lệ đô thị hoá đạt 32%, và dự báo đạt tỷ lệ cao hơn trong 10 năm tới. Khu vực đô thị hàng năm đóng góp khoảng 70-75% GDP của cả nước. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực cho phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, phát triển đô thị tại Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Số lượng đô thị tăng lên nhưng chất lượng chưa được quan tâm đúng mức. Phát triển đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ theo quy hoạch và kế hoạch. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội không đồng bộ và quá tải. Chất lượng kết cấu hạ tầng tại các đô thị vẫn còn thấp dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng nghiêm trọng; hệ thống cấp nước sạch và thoát nước của nhiều đô thị đã xuống cấp và lạc hậu, tình trạng ngập úng cục bộ diễn ra nhiều nơi; tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng do rác thải, nước thải chưa được xử lý; quá trình xây dựng, phát triển đô thị còn sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, tiêu hao nhiều năng lượng và phát thải lớn, gây mất cân bằng sinh thái, suy thoái môi trường… Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Việt Nam cũng đang phải đối diện với những thách thức mới nảy sinh do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đây là những thách thức lớn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh đô thị, điều kiện, môi trường sống của dân cư và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững, đặt ra nhiều vấn đề mới trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị hiện nay.
Để ứng phó với các thách thức của thực tế phát triển, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia (2003), Định hướng Chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 năm 2004), Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2050, trong đó đặt ra yêu cầu xây dựng, phát triển công trình xanh, đô thị xanh, đô thị sinh thái (eco-city) nhằm hướng đến mục tiêu phát triển đô thị Việt Nam nhanh và bền vững.
Thực tế những năm qua, để thực hiện các Chiến lược, Chương trình mục tiêu Quốc gia có liên quan đến phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, tiết kiệm năng lượng, Bộ Xây dựng đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực xây dựng và phát triển đô thị, như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch đô thị, cùng hệ thống văn bản dưới luật và hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công trình, phân loại đô thị, để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. Hiện tại, Bộ đang tổ chức xây dựng “Chiến lược phát triển công trình xanh ở Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050”, và đang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến tiết kiệm năng lượng và tài nguyên của ngành xây dựng. Bộ cũng đang hoàn thiện tiêu chí đánh giá công trình xanh; hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn và các hướng dẫn kỹ thuật về công trình xây dựng sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Bên cạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý khuyến khích việc phát triển đô thị theo hướng xanh và bền vững, Bộ Xây dựng đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các Định hướng, Chương trình do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Định hướng Phát triển hệ thống đô thị Quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển đô thị quốc giai đoạn 2012-2020, Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020. Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu. Tuy các chủ trương, chính sách về tăng trưởng xanh đã được thực hiện tại Việt Nam trong hơn 10 năm trở lại đây, nhưng thực tế nhìn nhận, phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh tại Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu, kết quả thực tế vẫn còn chưa như mong muốn, đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn của các cấp, các ngành, của xã hội và đặc biệt là vai trò của Bộ Xây dựng.
5 định hướng để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đặc biệt nhấn mạnh, để phát triển thành công hệ thống đô thị Việt Nam theo huớng tăng trưởng xanh cần xây dựng một mô hình đô thị kiểu mẫu phù hợp với điều kiện Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu theo hướng tăng trưởng xanh. Theo đó, “Diễn đàn đầu tư Quảng Nam hướng tới tăng trưởng xanh” là cơ hội để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình phát triển đô thị Quảng Nam theo hướng tăng trưởng xanh, góp phần hiện thực hóa các chương trình, chiến lược phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh của Việt Nam.
Chia sẻ về việc phát triển hệ thống đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, Thứ trưởng chỉ ra, cần thực hiện một số định hướng:
Một là , phát triển đô thị trước hết phải từ các quy hoạch, kế hoạch. Các quy hoạch đô thị phải đảm bảo chất lượng, tầm nhìn và có cách tiếp cận theo hướng đô thị bền vững như đô thị xanh, đô thị sinh thái… Các quy hoạch không gian đô thị phải đảm bảo hài hòa hiệu quả kinh tế – sinh thái, thân thiện môi trường, thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng. Các quy hoạch đô thị cần đi trước một bước theo nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ sinh thái trong đô thị, tạo thêm nhiều không gian cây xanh mặt nước và đảm bảo các khu vực chức năng phải thỏa mãn các tiêu chí về chất lượng môi trường.
Hai là , cần đưa quan điểm phát triển xanh và tiêu chí xanh vào công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị như: cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, cung cấp năng lượng, viễn thông, phát triển mạng lưới giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và không gian xanh đô thị.
Ba là , ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị xanh với hệ thống giao thông xanh, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; sử dụng năng lượng tái tạo, đổi mới và sử dụng công nghệ, kỹ thuật, vật liệu sạch.
Bốn là , tiếp cận, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học – công nghệ trong phát triển công trình xanh, đô thị xanh .
Năm là , tuyên truyền, vận động khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia phát triển đô thị xanh, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo vệ môi trường; có chính sách thu hút các nhà tài trợ, các tổ chức phát triển, các nhà đầu tư tham gia xây dựng và phát triển công trình xanh, đô thị xanh; có chính sách để phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh là một hướng ưu tiên trong phát triển đô thị Việt Nam.
Phát huy sự chủ động của cơ quan chủ quản trong lĩnh vực phát triển đô thị
Trên cơ sở định hướng đó, Bộ Xây dựng với nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực phát triển đô thị sẽ cùng các cấp, các ngành tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ cơ bản:
Một là , tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để định hướng và đáp ứng một cách đầy đủ yêu cầu phát triển đô thị Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh; nghiên cứu ban hành hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá về quy hoạch, kiến trúc đô thị sử dụng vật liệu, giải pháp xây dựng xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, giải pháp công nghệ thích hợp xử lý chất thải đô thị; xây dựng và triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đô thị Quốc gia với các định hướng tăng trưởng xanh.
Hai là , ban hành những quy định bắt buộc chủ đầu tư ứng dụng những công nghệ xanh phổ biến khi xây dựng các công trình thương mại mới và cải tạo các công trình hiện có ở các khu đô thị.
Ba là , xây dựng các công cụ kinh tế, kỹ thuật khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư, các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng và sử dụng các công trình xây dựng xanh; khuyến khích đầu tư các khoảng không gian xanh; có chính sách khuyến khích thu hút, huy động nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp và hộ gia đình xanh hóa cảnh quan đô thị; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên môn và quản lý đáp ứng công tác phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững
Bốn là , rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch tổng thể các đô thị và các quy hoạch khác theo hướng tiếp cận đô thị bền vững có lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch .
Năm là , tranh thủ các nguồn lực trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế trong PTĐT theo hướng tăng trưởng xanh; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật theo hướng khuyến khích phát triển, ứng dụng các công trình xanh, các bon thấp, năng lượng tái tạo trong xây dựng và phát triển đô thị; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức để các cấp, các ngành và cả xã hội tích cực tham gia vào công tác phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()