Tăng trưởng việc làm bền vững: Vai trò của sản xuất công nghiệp và thay đổi cơ cấu
Ngày 4/4, tại Hà Nội, Tổ chức Liên hợp quốc về Phát triển công nghiệp (UNIDO) phối hợp với Bộ Công thương Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Phát triển Công nghiệp 2013 (IDR 2013) với chủ đề “Tăng trưởng việc làm bền vững: Vai trò của sản xuất công nghiệp và thay đổi cơ cấu".
IDR 2013 là một trong những ấn phẩm chủ lực của UNIDO được nêu ra vào ngày 5/12/2013 tại Lima nhân phiên họp thứ 15 của Hội nghị toàn thể với tên gọi “”Tăng trưởng việc làm bền vững: Vai trò của sản xuất công nghiệp và thay đổi cơ cấu”. IDR 2013 cho thấy sau gần 40 năm kể từ Tuyên bố Lima lần thứ nhất vào 1975, những nguyên tắc cơ bản của Tuyên bố này vẫn trường tồn với thời gian: Công nghiệp hóa là con đường tất yếu để phát triển. Công nghiệp giúp tăng tăng suất và tạo thu nhập, giảm nghèo và tạo cơ hội cho hòa nhập xã hội. Khi các nước tiếp tục phát triển nền công nghiệp của mình, động cơ phải nâng cao giá trị gia tăng sẽ khiến họ tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật và đổi mới, khuyến khích tăng cường đầu tư vào xây dựng kỹ năng và giáo dục, và cung cấp nguồn lực để đạt được những thành quả phát triển có quy mô rộng lớn hơn.
Ông Ludovico Alcorta, Trưởng Bộ phận Chính sách Phát triển, Thống kê và Nghiên cứu Chiến lược, Trụ sở UNIDO trình bày khái quát Báo cáo (Ảnh: HNV) |
Buổi công bố là cơ hội để các đại biểu thảo luận tương tác nhằm khởi động việc trao đổi giữa các đại biểu tham dự bao gồm các đại sứ, nhà lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp, ngành công nghiệp và xã hội dân sự, các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, viện nghiên cứu đại diện các cơ quan phát triển quốc tế và Liên hợp quốc…
Tại sự kiện này, ông Ludovico Alcorta, Trưởng Bộ phận Chính sách Phát triển, Thống kê và Nghiên cứu Chiến lược, Trụ sở UNIDO, Vienna đã giới thiệu khái quát chung về Báo cáo. Theo ông Ludovico, Báo cáo này đã phân tích vai trò của việc làm, thay đổi cơ cấu và ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản đối với thay đổi cơ cấu trong các quá trình sản xuất công nghiệp. Trong khi việc làm trong ngành sản xuất công nghiệp đang tăng lên ở các nước đang phát triển, thì tại các nước phát triển, sự sụt giảm số lượng việc làm trong ngành này được bù đắp nhờ sự gia tăng số lượng việc làm trong các ngành dịch vụ có liên quan đến sản xuất công nghiệp. Ngành thực phẩm và nước giải khát, và ngành dệt may có tiềm năng công nghiệp hóa rất lớn tại các nước kém phát triển nhất, trong khi các ngành công nghệ cao tạo rất nhiều cơ hội cho các nước phát triển đầu tư, đổi mới, từ đó duy trì bền vững việc làm.
Báo cáo cũng cung cấp nền tảng vững chắc cho những tranh luận về việc làm trên thế giới hiện nay. Ngoài ra, Báo cáo còn mô tả chi tiết với nhiều thông tin mới những thay đổi cơ cấu đã diễn ra trong 40 năm qua.
Ông Ludovico Alcorta nhấn mạnh rằng, tác động của các tác nhân chi phối chủ yếu việc thay đổi cơ cấu và công nghiệp hóa như chi phí, công nghệ, nhu cầu, và hiệu quả sử dụng tài nguyên đối với việc duy trì bền vững việc làm hoàn toàn phụ thuộc vào những chính sách công nghiệp được thông qua. Vì vậy, những chính sách công nghiệp này phải được định hướng nhằm thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế và sẽ chỉ có hiệu quả nếu quá trình hoạt định chính sách cũng đóng vai trò quan trọng giống như nội dung chính sách.
Từ trái sang: ông Lê Hữu Phúc, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Công Thương; ô ng Ludovico Alcorta, Trưởng Bộ phận Chính sách Phát triển, Thống kê và Nghiên cứu Chiến lược, Trụ sở UNIDO; Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt – May Việt Nam và TS. Hà Xuân Quang, Hiệu phó, Đại học Công nghiệp Hà Nội đồng chủ trì phiên thảo luận (Ảnh: HNV) |
Cũng tại buổi công bố, ông Lê Hữu Phúc, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương) đã đánh giá cao các phát hiện chính và tác động chính sách nêu ra trong IDR 2013. Những phân tích trong Báo cáo rất đáng được lưu tâm khi Việt Nam đang dành nhiều công sức, nguồn lực để tìm ra những chính sách đúng đắn giải quyết những vấn đề trước mắt, đồng thời cũng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ trung và dài hạn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, và tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Ông Patrick Gilabert, Đại diện UNIDO tại Việt Nam khẳng định: IDR 2013 của UNIDO góp phần tạo cơ sở vững chắc cho cuộc tranh luận về việc làm trên thế giới hiện nay vì báo cáo cho biết ngành sản xuất công nghiệp đã tạo ra 470 triệu việc làm, giải quyết được khoảng 16% lực lượng lao động của thế giới gồm 2,9 tỷ người trong năm 2009. Các ngành sản xuất công nghiệp mở ra cơ hội việc làm và tăng trưởng kinh tế cho tất cả các quốc gia ở những giai đoạn phát triển khác nhau, và giúp phát triển toàn diện. Việt Nam xem việc tham gia vào những ngành sản xuất có tính toàn diện, bền vững, là cơ hội rất lớn cho phát triển, như ghi trong Chiến lược Phát triển Kinh tế – Xã hội Việt Nam đến năm 2020.
Qua thảo luận tại chương trình, các đại biểu đều nhất trí cao việc nhấn mạnh vai trò của sản xuất công nghiệp và việc chuyển đổi ngành này nhằm tạo việc làm, đồng thời rút ra ảnh hưởng chính sách đối với việc phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện tại Việt Nam. Trong đó, như kiến nghị của bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam rằng phát triển nền công nghiệp trong nước hiện nay cần đầu tư tập trung phát triển tạo việc làm bền vững, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật công nghệ tiên tiến hiện đại, có kỹ năng tốt… Và như chia sẻ của ông Lê Hữu Phúc, Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Công Thương), đầu tư cho ngành công nghiệp đã đến lúc tập trung, không được phép dàn trải và tăng cường công khai, minh bạch hóa…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()