Tăng trưởng tín dụng ngân hàng: Tùy thuộc diễn biến dịch Covid-19
Tăng trưởng tín dụng quý I-2021 của Việt Nam được dự báo có thể tăng 1,5-2% so với cuối tháng 12-2020, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2020, nhờ nền kinh tế tiếp tục phục hồi, các ngân hàng đưa ra chính sách ưu đãi lãi suất… Tuy nhiên, để đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm 2021 khoảng 12% không chỉ dựa trên cố gắng của từng ngân hàng, mà còn tùy thuộc vào diễn biến của dịch Covid-19.
Kết quả lạc quan
Trong 3 năm liên tiếp, tăng trưởng tín dụng ở nước ta thường đạt mức thấp trong quý I. Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng tín dụng quý I là 2,23%. Năm 2019, tăng trưởng tín dụng trong quý I đạt 1,9%. Năm 2020, trước tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng tín dụng thấp kỷ lục, chỉ đạt 0,68%. Còn trong quý I-2021, theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Tuấn Anh, tăng trưởng tín dụng ngân hàng có thể ở mức 1,5-2%. Đáng chú ý, dòng vốn được tập trung cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ… Điều này phản ánh mức độ hồi phục rõ rệt của nền kinh tế từ nửa cuối năm 2020 đến nay.
Ở góc độ các ngân hàng thương mại, báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Vndirect cũng cho thấy tăng trưởng tín dụng khá tích cực. Chẳng hạn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu (ACB) dự báo tăng trưởng tín dụng quý I-2021 là 3,5%, cao hơn mức tăng 2,3% của cùng kỳ năm 2020.
Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) dự báo tăng trưởng tín dụng 3,9% trong quý I-2021 (cùng kỳ năm 2020 là 1,3%). Đối với khối ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) dự kiến tăng trưởng tín dụng quý I-2021 lần lượt là 2,7% và 2,6%; trong khi cùng kỳ năm 2020 tăng trưởng tín dụng của hai ngân hàng này đều âm…
Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng cho biết, tăng trưởng tín dụng tích cực phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như ngân hàng thúc đẩy vốn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, phân hóa khách hàng theo từng phân khúc để thiết kế sản phẩm, dịch vụ; đồng thời có sự nới lỏng các tiêu chuẩn tín dụng ở mức phù hợp. Dự kiến trong quý I-2021, OCB có thể đạt tăng trưởng tín dụng 3-4%.
Theo chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh (Viện Ngân hàng – Tài chính, Trường Đại học Kinh tế quốc dân), hoạt động ngân hàng liên quan mật thiết với mọi biến động của nền kinh tế. Với những tín hiệu khả quan trong phòng, chống dịch Covid-19, nền kinh tế tiếp tục có sự phục hồi tốt, mảng tín dụng tiêu dùng cũng đang tăng trở lại… là những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng tín dụng quý I-2021.
Xây dựng kịch bản tăng trưởng tín dụng
Mặc dù kết quả tăng trưởng của quý I được dự báo khả quan, nhưng để có thể đạt được kế hoạch tăng trưởng tín dụng của cả năm 2021 không phải là việc dễ dàng. Trước diễn biến của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng tín dụng cho năm 2021. Kịch bản 1, nếu dịch Covid-19 tại Việt Nam dừng ngay trong quý I-2021 và tiêm chủng vắc xin đại trà, tăng trưởng tín dụng dự báo đạt 12-13%, tối đa có thể lên 14%. Kịch bản 2, dịch Covid-19 kéo dài đến tháng 6-2021 mới kết thúc, tín dụng có thể tăng khoảng 10-12%. Kịch bản 3, dịch Covid-19 kéo dài đến hết năm 2021, tín dụng tăng 7-8%. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian chờ tính toán mục tiêu cả năm 2021, Ngân hàng Nhà nước tạm giao hạn mức tín dụng để các ngân hàng cho vay.
Đại diện các ngân hàng thương mại đều khẳng định, trong năm 2021, các ngân hàng đều “nới lỏng” tiêu chuẩn tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như lĩnh vực ưu tiên… Đồng thời, các ngân hàng tiếp tục thực hiện giải pháp hỗ trợ như cơ cấu lại khoản nợ cũ để giúp doanh nghiệp được vay vốn tiếp. Với việc lãi suất huy động giảm 2-2,5% trong năm 2020, các ngân hàng sẽ có chi phí vốn thấp để duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp. Chủ tịch VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ, năm 2021, mục tiêu tăng trưởng tín dụng của VietinBank là 8-11%. Con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế của thị trường, cũng như chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, cho vay bán lẻ sẽ về mức tương đương trước dịch Covid-19. Tương tự là các khoản cho vay tiêu dùng. Cùng với đó, việc thắt chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ đưa các doanh nghiệp quay trở lại với nhu cầu tín dụng. Nhờ vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ khả quan trong năm 2021.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế nhận định, vấn đề mấu chốt hiện nay là đẩy mạnh kích cầu, bởi sức cầu tín dụng trên thị trường còn yếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, các ngân hàng có thể tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay bởi đây vẫn là giải pháp quan trọng kích thích nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tận dụng cơ hội khi nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi.
Cùng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hoài Linh nhận định, tăng trưởng tín dụng chỉ có thể đạt được khi nền kinh tế có nhu cầu và có khả năng hấp thụ dòng vốn. Trong khi đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngành Ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%. Tuy nhiên, đây không phải là con số cố định, mà được điều chỉnh theo định hướng điều hành.
Ý kiến ()