Tăng trưởng ngành xây dựng ước đạt 7,8%-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao
Năm 2024, ngành xây dựng đã đạt được một số thành tựu nhất định, tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đô thị hóa vượt kế hoạch đề ra, thể chế chính sách ngày càng hoàn thiện, thị trường bất động sản phục hồi qua giai đoạn khó khăn nhất… Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chung của nền kinh tế và các tồn tại, hạn chế đã tích tụ lâu dài, khó giải quyết trong ngắn hạn.
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 của ngành xây dựng.
Tăng trưởng ấn tượng
Quán triệt quan điểm chỉ đạo, phương châm hành động của Chính phủ với chủ đề điều hành năm 2024 “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”; đồng thời xác định rõ năm 2024 là năm quan trọng để thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025; ngay từ đầu năm, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao, trọng tâm, trọng điểm của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Xây dựng, các đơn vị hành chính, sự nghiệp trực thuộc Bộ và các doanh nghiệp trong ngành đã tập trung, nỗ lực cố gắng thực hiện các chương trình, kế hoạch của Bộ đã ban hành để triển khai các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Ngô Lâm thông tin, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ngành Xây dựng: 6,4-7,3% (Vượt kế hoạch); Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 44,3% (Vượt kế hoạch); Tỷ lệ dân số khu vực đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 94% (chưa đạt); Tỷ lệ thu gom xử lý nước thải : 18% (đạt kế hoạch); Diện tích nhà ở bình quân cả nước: 26,5m2 sàn/người (đạt kế hoạch); Số lượng căn nhà ở xã hội hoàn thành: 21.000 căn (chưa đạt)
Tăng trưởng ngành xây dựng khả quan, ước thực hiện năm 2024 đạt khoảng 7,8%-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là 6,4%-7,3%; đây là kết quả cao nhất từ năm 2020 đến nay, là động lực dẫn dắt cho tăng trưởng GDP chung của nền kinh tế; tỷ lệ đô thị hóa đạt 44,3%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 43,7%; hầu hết các chỉ tiêu phát triển còn lại đều đạt so với kế hoạch đề ra.
Công tác hoàn thiện thể chế được quan tâm đặc biệt, là điểm sáng, thể hiện sự quyết tâm, đúng đắn trong chỉ đạo, điều hành của Bộ Xây dựng, trong đó nổi bật là đã được Quốc hội thông qua Luật sửa một số luật để các Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8/2024; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn bảo đảm có hiệu lực đồng thời; thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đối với 2 dự án Luật.
Với trách nhiệm Thành viên Chính phủ, Bộ trưởng Xây dựng đã cùng Chính phủ thực hiện giải trình chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề trọng tâm, được xã hội quan tâm và các vấn đề “nóng” trong các lĩnh vực của ngành xây dựng. Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023, đồng chí Bộ trưởng Xây dựng, thành viên Chính phủ đã chủ trì Đoàn công tác làm việc với 3 tỉnh: Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng, hạ tầng, nhà ở và xuất nhập khẩu trên địa bàn và có báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trả lời khoảng 110 lượt kiến nghị của các địa phương gửi đến các đoàn công tác theo Quyết định số 435/QĐ-TTg.
Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp, nhờ đó thị trường bất động sản đã có những chuyển biến tích cực, vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đến nay, thị trường bất động sản cơ bản đã tăng trưởng về mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư; lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng.
Đề xuất nhiều giải pháp để đẩy mạnh thực hiện Đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó đã tham mưu lãnh đạo Chính phủ tổ chức nhiều hội nghị, cuộc họp để chỉ đạo, đôn đốc triển khai, giải quyết khó khăn vướng mắc. Kết quả đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên cả nước trong năm 2024 đã có nhiều chuyển biến tích cực so với năm 2023. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 622 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 565.177 căn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành xây dựng còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; việc thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ còn bị chậm tiến độ, một số nhiệm vụ xin lùi, rút khỏi Chương trình; hệ thống định mức, đơn giá, tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm hoàn thiện, chưa theo kịp sự phát triển của khoa học công nghệ và yêu cầu thực tiễn.
Ngoài ra, công tác thẩm định dự án, hồ sơ thiết kế, dự toán còn nhiều hồ sơ chưa bảo đảm thời gian quy định; hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế; việc kiểm soát quy trình điều chỉnh quy hoạch xây dựng cục bộ tại một số địa phương chưa chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công tác quản lý đô thị có nơi còn chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực; thị trường bất động sản tuy đã có nhiều tín hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; chưa hoàn thành chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2024; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn ra phổ biến; hoạt động của các doanh nghiệp ngành Xây dựng vẫn gặp nhiều khó khăn…
Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế
Hướng đến năm 2025, ngành xây dựng phấn đấu đạt tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tối thiểu 45%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 95%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch tại các đô thị khoảng 15%. Tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đạt 18,5%. Diện tích nhà ở bình quân 27m2 sàn/người. Số lượng căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành ước hơn 100.000 căn.
Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, Bộ Xây dựng sẽ ưu tiên nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật, trong đó tập trung chủ trì soạn thảo các dự án luật trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2025, các văn bản quy định chi tiết luật được giao chủ trì soạn thảo có thời hạn trình trong năm 2025.
Bộ sẽ phấn đấu triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng và thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án của Bộ Xây dựng năm 2025. Đồng thời, Bộ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công tác phổ biến Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và hướng dẫn các địa phương thực hiện; Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030”; Tập trung triển khai, theo dõi việc thi hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023…
Liên quan đến công tác sáp nhập, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Hoàng Hải Vân cho biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng đến nay chỉ còn 15 đơn vị hành chính; đã giảm số lượng phòng trong các đơn vị hành chính từ 54 phòng xuống còn 46 phòng (tương đương 28%); giảm 74/532 đầu mối tương đương 14% tổng số đầu mối tại các đơn vị sự nghiệp. Số lượng chỉ tiêu biên chế được giao của Bộ Xây dựng giảm 7,5%, đến nay chỉ còn 357 biên chế; giảm 565 người, tương đương 14% tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp tại các đơn vị sự nghiệp công lập của Bộ Xây dựng. Đến năm 2024, Bộ chỉ còn khoảng 3.500 người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước, 380 người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Trong điều kiện bộ máy tổ chức và số lượng biên chế đã hết sức tinh gọn qua nhiều nhiệm kỳ, Ban Cán sự đảng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo việc xây dựng Đề án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải. Dự kiến, tên của hai Bộ sau hợp nhất được quyết định là "Bộ Xây dựng và Giao thông". Số đầu mối thuộc cơ cấu của 2 Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị; trong đó Bộ Xây dựng có 19 đơn vị, Bộ Giao thông vận tải có 23 đơn vị. Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất còn 25-27 đơn vị, giảm tương đương 35-40% tổng số đầu mối. Trong đó, khối tham mưu tổng hợp gồm 6 đơn vị; khối chuyên ngành có khoảng 14-16 đơn vị; khối sự nghiệp công lập 5 đơn vị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật ngành xây dựng cũng như những chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch.
Chấp hành nghiêm chủ trương của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện chủ trương này, Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thiện nội dung Đề án Hợp nhất 2 Bộ gửi báo cáo Chính phủ. Trong thời gian sắp tới đây, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải bàn, phải gấp rút triển khai thực hiện để đảm bảo tiến độ, chất lượng của Đề án hợp nhất này.
Để quyết tâm hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, toàn ngành xây dựng cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ như sau:
Một là, tập trung cao nhất công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động. Phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm đặc biệt quan trọng, xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương này. Cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong cấp ủy Đảng, người đứng đầu và mỗi lãnh đạo, cán bộ, đảng viên, lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị nhất là người đứng đầu phải gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và yêu cầu thực tiễn.
Việc sắp xếp, tổ chức lại bộ máy có gắn với phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương; tăng cường công tác phối hợp kiểm tra khác, đẩy mạnh chuyển đổi số, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí; khẩn trương hoàn thành, ổn định việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, đảm bảo sau sắp xếp sẽ vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả...
Hai là, tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm nội dung, chất lượng của các dự án, đề án, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sắp tới năm 2025, chúng ta xây dựng 2 luật để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua, đó là Luật Cấp, thoát nước, phải hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 01/2025 và Luật Quản lý phát triển đô thị, dự kiến trình Chính phủ trong tháng 02/2025, cùng với đó bảo đảm tiến độ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, tiếp tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương và tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06 (Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 của Chính phủ).
Bốn là, thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030, cả nước hiện đang triển khai 644 dự án, mới hoàn thành 96 dự án, khoảng 58 nghìn căn, riêng 2024 hoàn thành 21%, khởi công xây dựng 133 dự án, chấp thuận chủ trương đầu tư 415 dự án… Do đó, mong các địa phương quan tâm về cơ chế chính sách, các quy định, tháo gỡ vướng mắc, chủ động theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ đẩy nhanh phát triển nhà ở xã hội tại địa phương mình đúng theo nhu cầu, kế hoạch của địa phương, chỉ tiêu được giao.
Bộ trưởng đề nghị Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Vụ Pháp chế tăng cường chủ động tuyên truyền, phổ biến các quy định mới của Luật Nhà ở năm 2023 và các quy định có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội nắm và hiểu được pháp luật, từ đó triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở xã hội. Đồng thời, các bên liên quan cần tập trung cho công tác xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ; quan tâm triển khai Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát...
Năm là, Bộ cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, theo hướng phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện, bổ sung các định mức xây dựng để phục vụ các dự án trọng điểm của ngành giao thông; suất vốn đầu tư và giá xây dựng tổng hợp để phục vụ công tác quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đặc biệt là suất vốn đầu tư đối với các dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao…
Sáu là, tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và xây dựng Chính phủ điện tử; thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; rà soát, kiện toàn cơ cấu tổ chức bên trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp công lập sau khi thực hiện Đề án hợp nhất với Bộ Giao thông vận tải...
Bảy là, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc Bộ quản lý, tăng cường quản lý trong đầu tư sản xuất kinh doanh; rà soát kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư phù hợp tình hình thực tiễn, tối ưu hóa lợi ích của Nhà nước; thực hiện nghiêm túc kế hoạch tái cơ cấu các doanh nghiệp đã được phê duyệt theo đúng quy định; phòng chống tiêu cực lãng phí, quản lý chặt chẽ đầu tư công, đảm bảo đúng mục tiêu hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí...
Thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, quy trình, quy chế làm việc; tăng cường đoàn kết nội bộ, xử lý dứt điểm không để khiếu nại, khiếu kiện phức tạp tại các đơn vị; tăng cường công tác phòng chống tiêu cực, lãng phí trong các đơn vị; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh xử lý kịp thời các sai phạm; tăng cường chủ động công tác truyền thông, kịp thời cung cấp thông tin để tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật để tạo đồng thuận trong xã hội...
Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng đã trao tặng Huân chương Độc lập hạng Ba cho đồng chí Lê Quang Hùng, nguyên Thứ trưởng Xây dựng; Huân chương Lao động hạng Nhì cho đồng chí Phạm Văn Bắc, nguyên Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng và đồng chí Nguyễn Mạnh Khởi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Phạm Tiến Văn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng.
Trao tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho đồng chí Nguyễn Anh Tú, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nhà ở và thị trường bất động sản, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Xây dựng cho 1 tập thể và 11 cá nhân thuộc Bộ trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật ngành xây dựng.
Ý kiến ()