Tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng giảm tốc
Đến nay, một số ngân hàng thương mại đã công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm 2023. Nhìn chung, bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng không quá sáng sủa khi phần lớn các ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chậm lại, thậm chí giảm mạnh và nợ xấu có xu hướng tăng.
Nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. |
Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) mới đây đưa ra dự báo lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng năm 2023 sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Tốc độ tăng trưởng này giảm đáng kể so với mức tăng trưởng bình quân gần 35% trong năm 2022.
Lợi nhuận sụt giảm
Ngày 14/7, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank – mã chứng khoán: LPB) công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và sáu tháng đầu năm 2023. Theo đó, khép lại quý II, lợi nhuận trước thuế của LPBank đạt 880 tỷ đồng. Lũy kế đến ngày 30/6, lợi nhuận trước thuế LPBank ở mức 2.446 tỷ đồng, giảm 31,8% so với cùng kỳ, đạt 41% kế hoạch năm.
Đến ngày 19/7, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank-mã chứng khoán: TPB) cũng công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II và sáu tháng qua. Kết quả kinh doanh không đạt như kỳ vọng khi ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 3.400 tỷ đồng, thấp hơn mức 3.788 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2022, hoàn thành gần 50% kế hoạch năm.
Trong khi đó, thông tin từ ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK, mã chứng khoán ABB) cũng cho thấy, trong sáu tháng đầu năm, ABBANK đã trích 815 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Việc tăng nợ xấu dẫn tới phải thoái lãi cho vay và tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của ABBANK, khiến lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 638 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ, bằng 23% kế hoạch năm.
Theo nhận định của bà Lê Thị Bích Phượng – Quyền Tổng Giám đốc ABBANK: ABBANK và nhiều ngân hàng khác hiện đang trong giai đoạn chịu tác động từ khó khăn chung của thị trường, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và tình hình thực hiện kế hoạch năm 2023. Mặc dù vậy, ABBANK vẫn kiên định với con đường và chiến lược đã chọn, tập trung thúc đẩy kinh doanh trên cơ sở đánh giá thực tế và quản trị rủi ro hiệu quả, tiếp tục tối ưu hóa chi phí hoạt động của ngân hàng, kiên trì xây dựng nền tảng số hóa và phát triển các giải pháp tài chính đáp ứng được nhu cầu không ngừng thay đổi của khách hàng từ đó từng bước tạo được nền tảng phát triển bền vững.
Liên tiếp những ngày gần đây, nhiều ngân hàng cũng lần lượt công bố kết quả kinh doanh sáu tháng đầu năm, trong đó cho thấy phần lớn các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ. Như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) ghi nhận lợi nhuận trước thuế lũy kế sáu tháng đầu năm đạt gần 11.300 tỷ đồng, giảm 20%; Ngân hàng TMCP Bảo Việt (Bao Viet Bank) với lợi nhuận trước thuế lũy kế đạt 24,7 tỷ đồng, giảm 6,9% so với cùng kỳ…
“Dè chừng” áp lực nợ xấu
Theo phân tích từ các chuyên gia VCBS, yếu tố ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh toàn ngành ngân hàng là sự sụt giảm thu nhập ngoài lãi ở hầu hết các hoạt động chính so với cùng kỳ. Các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán, thu hồi nợ xấu ngoại bảng đều gặp khó khăn. Trong đó, thu nhập từ bán chéo bảo hiểm (bancassurance) vốn chiếm khoảng 30% thu nhập dịch vụ, bị ảnh hưởng do việc các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh kiểm tra và thu nhập của người dân giảm sút.
“Sau bốn tháng đầu năm, doanh thu khai thác mới qua kênh bancassurance toàn thị trường ghi nhận giảm 38% so với cùng kỳ, lãi từ phí bảo hiểm cả năm theo đó dự báo giảm từ 10-15%”, chuyên gia VCBS nhận định. Một trong những nguyên nhân chính của sự giảm tốc lợi nhuận đến từ hoạt động xử lý nợ xấu để thu hồi vốn của các ngân hàng đang tiếp tục gặp khó khăn do thị trường bất động sản đóng băng. Trong khi đó, bất động sản lại là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay.
Thực tế, nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng có xu hướng tăng nhanh từ năm 2022 và có thể tiếp tục tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2023. Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 3,42%, tăng nhanh so với mức 2,03% cuối năm 2022 và mức 1,49% vào cuối năm 2021.
Nợ xấu tăng đang là một nguy cơ mà nhiều ngân hàng thương mại phải đối mặt. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, vấn đề kiểm soát nợ xấu đang là thách thức không nhỏ. Việc bán tài sản bảo đảm, nhất là các khoản nợ lớn, cần tổ chức bán nợ theo giá thị trường cho nên khó thực hiện trong điều kiện thị trường bất động sản thanh khoản thấp.
Việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ trên thực tế cũng gặp nhiều vướng mắc khi hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và gặp khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các quy định pháp luật khác. “Thời gian qua, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm “bùng nợ” tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ, nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng”, tiến sĩ Hùng cho hay.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Phạm Đức Ấn, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, quy mô sản xuất bị thu hẹp, tồn kho tăng cao, cạn kiệt nguồn thu, khó khăn trong trả nợ ngân hàng, dẫn đến nợ xấu gia tăng mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có cơ chế cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ. “Thực tế, tỷ lệ nợ xấu của Agribank thời điểm ngày 30/6 đã tăng lên đúng bằng thời điểm kết thúc cơ cấu lại giai đoạn 2016-2020 và áp lực gia tăng trong thời gian tới là rất lớn”, ông Ấn cho biết thêm.
Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với bài toán chất lượng tài sản trong thời gian tới, trong đó áp lực nợ xấu tăng và tăng trích lập dự phòng là tương đối lớn. Tuy nhiên, áp lực này trong năm 2023 được kỳ vọng sẽ giảm bớt sau khi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ được ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Dù vậy, một số ý kiến lo ngại con số nợ xấu sẽ tăng hơn trong năm 2024 khi một lượng lớn nợ xấu đã được “ẩn” nhờ Thông tư này. Do đó, để giảm gánh nặng nợ xấu trong tương lai, Thông tư 02 cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải đánh giá, phân loại cũng như trích lập dự phòng theo nhóm nợ thực tế của khách hàng.
Theo quy định tại Thông tư, các tổ chức phải trích lập dự phòng tối thiểu 50% trong năm 2023 và 100% trong năm 2024. Điều này cũng lý giải vì sao từ đầu năm đến nay các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu; giúp giảm gánh nặng nợ xấu trong tương lai.
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá, Thông tư 02 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm nợ vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để bảo đảm trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế, không cao như thời gian trước, nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu.
Ý kiến ()