Tăng trưởng kinh tế và thách thức bảo vệ môi trường ở Ðồng Nai
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an bắt quả tang Công ty Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) xả nước thải có mùi hôi nồng nặc ra rạch Bà Chéo (thông với sông Đồng Nai). Là một tỉnh phát triển kinh tế năng động, trong đó có công nghiệp, tuy vậy Đồng Nai đang đứng trước những thách thức lớn về bảo vệ môi trường. Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, tỉnh Đồng Nai đã đề ra hàng loạt giải pháp với thông điệp: "các doanh nghiệp (DN) nếu gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý nghiêm minh".Sức ép từ môi trườngVới tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đồng Nai từ hai con số trở lên, nhất là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 114.800 m3 (trong số này đã xử lý khoảng 70%); nước thải sinh hoạt 190 nghìn m3/ngày (chưa...
Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an bắt quả tang Công ty Sonadezi Long Thành (Đồng Nai) xả nước thải có mùi hôi nồng nặc ra rạch Bà Chéo (thông với sông Đồng Nai). |
Sức ép từ môi trường
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Đồng Nai từ hai con số trở lên, nhất là quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh đã gây sức ép không nhỏ đối với môi trường. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) Đồng Nai, trung bình mỗi ngày tổng lượng nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 114.800 m3 (trong số này đã xử lý khoảng 70%); nước thải sinh hoạt 190 nghìn m3/ngày (chưa có hệ thống xử lý, tất cả đều thải ra môi trường). Chất thải rắn thông thường gồm chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp không nguy hại hơn 2.366 tấn/ngày (xử lý 1.991 tấn/ngày, còn 375 tấn chưa xử lý). Đối với khí thải, trong 22 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có khoảng 400 DN có phát sinh khí thải tại nguồn, trong đó 215 DN có hệ thống xử lý, còn lại 185 DN chưa đầu tư hệ thống xử lý khí thải.
Từ các số liệu nói trên cho thấy, môi trường ở Đồng Nai đang bị tác động mạnh bởi quá trình phát triển nhanh về kinh tế và kéo theo nhiều hệ lụy, nhất là ô nhiễm nguồn nước. Theo kết quả quan trắc của Sở TN và MT, sông Đồng Nai đoạn chảy qua địa bàn TP Biên Hòa, do mức độ tác động của nguồn thải từ khu dân cư, các KCN, các cơ sở sản xuất, kinh doanh cho nên chất lượng nguồn nước đang bị ô nhiễm, không đáp ứng được mục đích cấp nước sinh hoạt. Nhất là đoạn từ khu vực xã Tam An (huyện Long Thành) đến hạ lưu sông Đồng Nai (huyện Nhơn Trạch), chất lượng nước suy giảm mạnh, chỉ đạt yêu cầu cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi. Các con suối trên địa bàn TP Biên Hòa như suối Săn Máu, suối Linh, suối Siệp… chất lượng nước không những không được cải thiện mà ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng hơn, các chỉ tiêu về chất hữu cơ, chất rắn lơ lửng, vi sinh… vượt gấp nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Là người sống ở Khu phố 3, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa hơn 10 năm nay, ông Nguyễn Văn Xuân cho rằng: “Trong nhiều năm qua, môi trường ở Đồng Nai đang bị suy giảm nhiều. Các con suối trên địa bàn TP Biên Hòa ngày càng bị suy kiệt nghiêm trọng. Môi trường sống của người dân cũng bị ảnh hưởng lớn bởi rác thải, khí thải, nước thải của các DN trên địa bàn thải ra ngày một nhiều”. Trong năm 2011 có hơn một trăm tấn cá bè ở phường Tân Mai, Thống Nhất (TP Biên Hòa), xã La Ngà (huyện Định Quán) liên tục bị chết, trong đó nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng môi trường, gây thiệt hại lớn cho người dân.
Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm cục bộ cũng phát sinh ngày một nhiều hơn gây bức xúc trong nhân dân, như các trường hợp ở ấp 4, xã La Ngà, huyện Định Quán, nơi Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam đóng trụ sở, ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, nơi có Công ty Kim Phong sản xuất gạch men gây ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm liền, dẫn đến việc người dân tụ tập đông người trước cổng các công ty này nhiều ngày và khiếu kiện kéo dài. Qua kết quả thanh tra mới đây, Sở TN và MT đã phát hiện trên địa bàn tỉnh có 43 bãi rác thải tự phát với diện tích gần 16 ha, chứa hàng nghìn tấn rác, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Hướng đến mục tiêu phát triển bền vững
Theo số liệu thống kê, trong 22 khu công nghiệp chính thức đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, 20 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt tỷ lệ gần 91%, cao hơn tỷ lệ trung bình cả nước 32%. Mục tiêu của Đồng Nai đề ra đến năm 2015 là 100% số khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; xử lý chất thải rắn đạt 100% và 80% lượng chất thải nguy hại được xử lý. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 đã đề ra nhiệm vụ phải tập trung ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường; bảo đảm phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, giai đoạn 2011-2015, tỉnh Đồng Nai đã thông qua nguồn kinh phí hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động như đầu tư các công trình bảo vệ môi trường, khắc phục sự cố môi trường. Trong đó chú trọng việc xây dựng mạng lưới các trạm quan trắc để chủ động thanh tra, kiểm tra môi trường. Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN và MT tỉnh Đồng Nai Trương Ngọc Quang nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, chúng tôi tham mưu cấp trên tiếp tục tăng cường thanh kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị hoạt động sản xuất trên địa bàn trong cũng như ngoài khu công nghiệp. Để công tác thanh kiểm tra hiệu quả hơn, hướng đi của Đồng Nai đang xúc tiến là tăng cường quan trắc tự động để giám sát nguồn nước thải”.
Theo đó, từ nay đến năm 2015, tỉnh Đồng Nai đã và đang thiết lập lắp đặt mạng lưới khoảng 350 trạm quan trắc tự động trên khắp địa bàn tỉnh để chủ động kiểm tra môi trường. Tỉnh Đồng Nai đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu (giai đoạn 2010-2015, định hướng năm 2020 gồm 26 dự án). Đồng thời kêu gọi cộng đồng cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước thực hiện xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; huy động các kênh đầu tư, đặc biệt là các dự án ODA để đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt. Trong đó đang lập dự án nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn TP Biên Hòa giai đoạn một với tổng kinh phí dự kiến 2.556 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm 2011 đến nay, Sở TN và MT đã xử phạt tổng cộng hơn 100 trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, đã tiến hành phân loại, công bố danh sách 20 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, nâng tổng số đến nay có 143 cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
Môi trường đang là thách thức lớn cho mục tiêu phát triển bền vững ở Đồng Nai. Để ngăn ngừa các hành vi xâm hại đến môi trường, cần phải có sự kết hợp cân đối, hài hòa giữa ba lĩnh vực: phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Đây chính là vấn đề mang tính chiến lược mà tỉnh Đồng Nai đã tập trung giải quyết trong thời gian qua cũng như trong tương lai. Lãnh đạo tỉnh nhiều lần đưa ra thông điệp: “Bảo vệ môi trường hiện nay được tỉnh đặt lên hàng đầu. Do đó, các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh nếu gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử lý nghiêm minh!”. Và Đồng Nai đã và đang thực hiện theo phương châm này, cụ thể mới đây nhất vào tháng 11-2011, tỉnh Đồng Nai đã tạm đình chỉ hoạt động Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam và Công ty Kim Phong vì đã vi phạm quy định về bảo vệ môi trường. Nếu hết thời gian quy định mà không khắc phục triệt để, hai công ty này sẽ bị đình chỉ hoạt động và buộc phải di dời đi nơi khác.
Theo Nhandan
Ý kiến ()