Tăng trưởng kinh tế năm 2010
Bất chấp những nhận định có phần kém lạc quan hơn vào những tháng cuối năm, bức tranh kinh tế thế giới năm 2010 vẫn phổ rộng gam mầu sáng, đã khẳng định sự phục hồi, lấy lại được đà tăng trưởng, đạt mức tăng GDP khoảng 4,8% so với mức dự báo 4,6% trước đó. Những nền kinh tế lớn, nơi khởi đầu và cũng là tâm bão khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu như Mỹ, khu vực đồng Euro, Nhật Bản, một mặt, vẫn tiếp tục "truyền thống" vốn có của các nền kinh tế đã phát triển là tăng trưởng với tốc độ không cao, thường dưới mức trung bình của thế giới. Và mặt khác, vẫn đang bị bóng đen thất nghiệp, khủng hoảng nợ công, bấp bênh và bất ổn của thị trường tài chính bao trùm.Tuy nhiên, trong phần còn lại của thế giới, ở những nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển, nơi chủ yếu chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã có sự 'bứt phá ngoạn mục' trong phục hồi kinh tế, lấy lại đà...
Tuy nhiên, trong phần còn lại của thế giới, ở những nền kinh tế mới nổi, các nước đang phát triển, nơi chủ yếu chịu tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, đã có sự 'bứt phá ngoạn mục' trong phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng. Châu Á và nhóm BRIC thật sự giữ vai trò dẫn dắt đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngày 7-12-2010, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2010 của các nước đang phát triển ở châu Á sẽ đạt trung bình khoảng 8,6%; của các nước mới nổi Đông Á đạt trung bình khoảng 8,8%; của các nước ASEAN đạt trung bình khoảng 7,5%; của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa đạt khoảng 7,6%. Trong đó, nổi bật là Trung Quốc đạt 10,1%; Xin-ga-po: 14%; Đài Loan (Trung Quốc): 9,8%; Hồng Công (Trung Quốc): 6,5%; Hàn Quốc 6%; Thái-lan 7,6%; Lào 7,4%; Ma-lai-xi-a: và Phi-li-pin cùng đạt 6,8%; In-đô-nê-xi-a: 5,9%.
Dự báo mới nhất, ngày 5-1-2011 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tiếp tục khẳng định xu thế trên. Theo đó, tăng trưởng GDP năm 2010 của Trung Quốc đạt 10,5%; của Ấn Độ: 9,7%; của In-đô-nê-xi-a: 6%; của châu Á: 8%.
'Sự bứt phá ngoạn mục' của châu Á trong năm 2010 không chỉ thể hiện ở tốc độ tăng GDP mà còn là chất lượng tăng trưởng, thể hiện ở thặng dư cán cân thương mại, cán cân vãng lai, giá trị đồng tiền và chỉ số lạm phát… Theo 'Tạp chí nhà kinh tế' ngày 18-12-2010, từ tháng 11-2009 đến tháng 11-2010, thặng dư thương mại của Trung Quốc đạt 189,9 tỷ USD; của In-đô-nê-xi-a đạt 20,6 tỷ USD; của Ma-lai-xi-a đạt 34,2 tỷ USD; của Xin-ga-po đạt 38,8 tỷ USD; của Hàn Quốc đạt 42,2 tỷ USD; của Đài Loan (Trung Quốc) đạt 41,9 tỷ USD; của Thái-lan đạt 13,4 tỷ USD. Cùng thời gian này, cán cân vãng lai của Trung Quốc thặng dư 316,3 tỷ USD; của In-đô-nê-xi-a thặng dư 8,7 tỷ USD; của Ma-lai-xi-a thặng dư 28,4 tỷ USD; của Xin-ga-po thặng dư 41,7 tỷ USD; của Hàn Quốc thặng dư 42,2 tỷ USD; của Đài Loan (Trung Quốc) thặng dư 41,9 tỷ USD; của Thái-lan thặng dư 14,6 tỷ USD. Chính nhờ vậy và do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) bơm 600 tỷ USD vào thị trường tiền tệ thông qua mua trái phiếu, đồng tiền các nước này đều lên giá so với đồng USD và các nước này vẫn kiềm chế được lạm phát ở mức hợp lý, thấp hơn tốc độ tăng GDP, mặc dù giá cả một số mặt hàng nguyên nhiên phụ liệu có tăng do kinh tế thế giới ấm lên. Cũng theo tạp chí trên, lạm phát ở Trung Quốc là 5,1%; In-đô-nê-xi-a: 6,3%; Ma-lai-xi-a: 2%; Xin-ga-po: 3,5%; Hàn Quốc: 3,3%; Đài Loan (Trung Quốc): 1,5%; Thái-lan: 2,8%.
Với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 6,78%, kinh tế Việt Nam năm 2010, dù quy mô còn nhỏ cũng đã góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, so với mức tăng trung bình của châu Á (8%), của các nước đang phát triển châu Á (8,6%), của các nước mới nổi Đông Á (8,8%), của các nền kinh tế mới công nghiệp hóa (7,6%), đặc biệt là so với hai nền kinh tế lớn của châu Á là Trung Quốc (10,5%), Ấn Độ (9,7%), thì con số 6,78% của chúng ta còn khiêm tốn. Trong năm 2010, nền kinh tế nước ta còn phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô: đồng tiền Việt Nam bị mất giá kép, lạm phát lên tới 11,75%, nhập siêu vẫn còn ở mức cao 12,4 tỷ USD, cán cân thanh toán vãng lai bị thâm hụt…
Nhìn ra thế giới, chúng ta càng trân trọng những thành tựu đã đạt được trong năm 2010; đồng thời cần đánh giá đúng mức thành tựu, nhìn nhận nghiêm túc những hạn chế, yếu kém, nhất là về chất lượng tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô để có những chính sách và biện pháp phù hợp nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Quốc hội đã đề ra cho năm 2011.
Theo Nhandan
Ý kiến ()