Tăng trưởng kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường
Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu về tăng trưởng kinh tế, tốc độ giảm nghèo nhanh. Tuy nhiên, vấn đề phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường đang đặt ra hết sức cấp thiết.
Nguồn ảnh: moitruong.com.vn
Sau gần ba thập kỷ kể từ khi bắt đầu đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu đầy ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo được công bằng và ổn định. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) chỉ đạt 4,4%, thì đến giai đoạn 1991-1995 đạt tới 8,2%/năm. Trong các năm tiếp theo, tuy phải chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khủng hoảng nợ công năm 2010, mặc dù tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2015 của Việt Nam đã chậm lại, nhưng vẫn đạt 5,9%/năm, là mức cao của khu vực và thế giới. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt gần 2.300 USD. Tăng trưởng cao cũng nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách mở cửa mạnh mẽ. Thương mại quốc tế là một trong những động lực tăng trưởng chính, phần lớn dựa vào đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng trị giá lên tới 250 tỉ USD đến từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tỷ lệ nghèo giảm nhanh, từ mức 50% đầu thập kỷ 1990 xuống còn khoảng 3% hiện nay.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, sức ép môi trường đang đe dọa tăng trưởng bền vững trong dài hạn của Việt Nam. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải công nghiệp và đô thị ngoài việc dẫn đến những nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe, đặc biệt là đối với trẻ em và người cao tuổi, thì còn tác động rất lớn đến môi trường sinh thái cũng như ô nhiễm nguồn nước. Chẳng hạn, ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm trẻ em dưới 5 tuổi mắc các bệnh đường hô hấp với tỉ lệ cao. Tại nhiều khu công nghiệp, ô nhiễm môi trường do chất thải công nghiệp đã làm nhiễm độc các nguồn nước, tác động xấu đến hoạt động kinh tế,…
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó, dân cư và hoạt động kinh tế tập trung tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực miền Trung phải chịu rủi ro cao nhất. Ngoài ra, phần lớn rừng phòng hộ ngập mặn đã bị phá hủy, khai thác thủy hải sản quá mức đã làm cạn kiệt nguồn thủy sản ven bờ, đe dọa sinh kế của những người liên quan. Tình trạng phá rừng tự nhiên ở đầu nguồn góp phần gây ra lũ lụt thường xuyên và có sức tàn phá lớn hơn đối với đất canh tác và khu dân cư phía hạ nguồn. Theo một ước tính của Ngân hàng Thế giới, ước tính thiệt hại hàng năm khoảng 34 triệu USD do rừng phòng hộ ngập mặn bị phá hủy.
Cần làm gì để phát triển kinh tế mà vẫn đảm bảo được môi trường bền vững?
Thiết nghĩ, chúng ta cần xây dựng thể chế nhằm giám sát và thực thi các kế hoạch, chính sách, pháp luật đối với quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên bền vững. Khuyến khích đầu tư bền vững mang lại lợi ích cho môi trường cũng như phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các thể chế công để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng cũng như thực thi nghiêm các luật lệ và tiêu chuẩn.
Cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực tài nguyên, năng lượng và công nghiệp nặng. Tăng trưởng theo hướng đó cũng đòi hỏi cần xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, ví dụ: An toàn sinh học trong nuôi trồng thủy sản hoặc nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng…
Cần tăng cường dữ liệu và thông tin sử dụng cho quản lý tài nguyên thiên nhiên, làm cho thông tin dễ hiểu và dễ tiếp cận với đại bộ phận dân chúng. Việt Nam có thể đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ trong nâng cấp hệ thống thông tin có liên quan đến vấn đề môi trường. Nhưng trước tiên, hệ thống này cần phải cập nhật, mở rộng quy mô và hài hoà hơn nữa các nền tảng thông tin hiện có.
Đảm bảo bền vững môi trường có thể dựa trên ba yếu tố chính là bảo vệ chất lượng không khí, đất và nước. Lồng ghép khả năng chống chịu trước tác động khí hậu vào kế hoạch kinh tế, chính sách ngành và đầu tư hạ tầng. Quá trình tăng trưởng bền vững đòi hỏi phải có thể chế và chính sách mạnh để phối hợp giữa hành động và đầu tư.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()