Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,86%
LSO-Sáng nay (27/6), Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy
phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đồng chí Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND và Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn; lãnh đạo các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố.
Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỉnh Lạng Sơn đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế phát triển ổn định và có mức tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2004 – 2018 đạt 7,86%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng của các nhóm ngành thương mại – dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản.
Qua đó, tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật như: tổng sản phẩm bình quân đầu người năm 2018 đạt 34,59 triệu đồng, gấp 4,9 lần so với năm 2003, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân hằng năm tăng 15,64%, tổng thu ngân sách tăng 15,74%.
Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 48 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 192/694 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%; có 96% thôn, bản, khối phố có nhà văn hóa; 114/226 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 3%. Chính trị – xã hội của tỉnh được giữ ổn định, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững.
Qua nghe báo cáo kết quả sau 15 thực hiện nghị quyết, các đại biểu đã thảo luận làm rõ một số nội dung, tập trung vào một số vấn đề như: đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết của các cấp, ngành, địa phương trên những mặt của kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng và trật tự xã hội; phân tích các vấn đề được coi là “nút thắt”, điểm nghẽn cản trở sự phát triển của tỉnh; phân tích làm sâu sắc hơn một số vấn đề trong đường lối, chính sách của Đảng đối với những lĩnh vực như: phát triển kinh tế – xã hội gắn với giữ vững quốc phòng an ninh; hợp tác quốc tế, đối ngoại; công tác dân tộc… Các đại biểu đánh giá về kết quả phát triển kinh tế – xã hội tại các huyện, thành phố từ khi thực hiện Nghị quyết số 37 đến nay.
Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
phát biểu tại hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương phát biểu đánh giá cao kết quả đạt được của Lạng Sơn trên các lĩnh vực theo nghị quyết đề ra. Đồng chí cũng chỉ ra một số mặt hạn chế mà Lạng Sơn cần xem xét, khắc phục trong thời gian tới như: kết quả tăng trưởng trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ; mức tăng thu nhập bình quân đầu người; chất lượng nguồn nhân lực; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong thời gian tới; tập trung hoàn thành công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch tỉnh Lạng Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của tỉnh và quy hoạch vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; tiếp tục phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ và du lịch, xác định đây là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, là khâu đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Cùng đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển; đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân; tạo sự đột phá trong liên kết và hợp tác trong vùng để phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, thế mạnh vùng; tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Đồng thời, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ý kiến ()