Tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2016 tiếp tục đà phục hồi và phát triển
Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ việc triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế 10 tháng năm 2016 tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, nên nhiều lĩnh vực kinh tế đạt kết quả khả quan.
Tình hình đăng ký doanh nghiệp 10 tháng năm nay cho thấy những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế khi số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng cao. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể giảm; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể chỉ tăng nhẹ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 10 tháng, cả nước có 91.765 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 710,6 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% về số doanh nghiệp và tăng 46,2% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015. Trong 10 tháng năm nay còn có 22.486 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 38,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng năm 2016 lên 114,3 nghìn doanh nghiệp. Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới.
Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước đạt khá. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo và thực hiện đẩy nhanh tiến độ giải ngân các công trình, dự án theo tinh thần Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016. Tính chung 10 tháng, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước tính đạt 204,9 nghìn tỷ đồng, bằng 78,6% kế hoạch năm và tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Số dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng. Từ đầu năm đến thời điểm 20/10/2016 đã thu hút được 2.061 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt trên 12,26 tỷ USD, tăng 24,4% về số dự án. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 10 tháng qua ước tính đạt 12,7 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2015. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất, với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt trên 8,38 tỷ USD, chiếm 68,4% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Xuất khẩu hàng hóa đạt khá. Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 144,1 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Về nhập khẩu, tính chung 10 tháng năm 2016, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu đạt 140,6 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 9 xuất siêu 864 triệu USD. Tháng 10 ước tính nhập siêu 200 triệu USD. Như vậy, tính chung 10 tháng năm 2016, xuất siêu 3,52 tỷ USD.
Điểm đáng chú ý trong hoạt động xuất khẩu, sự cố lỗi pin sản phẩm Galaxy Note 7 trong tháng 9/2016 của Samsung dẫn đến quyết định của Công ty là thu hồi, ngừng xuất khẩu sản phẩm này nên kim ngạch xuất khẩu hàng điện thoại và linh kiện (trong đó xuất khẩu của Công ty Samsung chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nhóm hàng này) được cho là sẽ sụt giảm. Thực tế cho thấy, sự cố Galaxy Note 7 có ảnh hưởng đến hoạt động của Samsung Việt Nam, làm giảm lợi nhuận nhưng hiện tác động chưa đáng kể đến kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này. Trong 15 ngày đầu tháng 10/2016, kim ngạch xuất khẩu của riêng nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 1,35 tỷ USD, tăng 2,1% so với 15 ngày đầu tháng 10/2015. Ước tính kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện tháng 10/2016 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo sự cố Galaxy Note 7 sẽ tác động trực tiếp đến việc giảm kim ngạch xuất khẩu nói chung, nhưng mức độ sẽ không lớn. Mức độ tác động giảm kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng còn lại của năm 2016 sẽ không nhiều (có thể làm tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2016 giảm khoảng 0,3 điểm phần trăm).
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 10 tháng tuy có thấp hơn so với mức tăng 9,8% của cùng kỳ năm 2015, nhưng vẫn đạt khá, ở mức 7,2%. Nguyên nhân chủ yếu là do ngành khai khoáng tiếp tục giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Trong các ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,7%, đóng góp 7,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,8%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,5%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm mức tăng chung.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, hoạt động nuôi trồng thuỷ hải sản cơ bản ổn định. Nuôi tôm nước lợ tương đối thuận lợi do những tháng gần đây có mưa nhiều làm độ mặn giảm, nhiệt độ giữa ngày và đêm ít thay đổi giúp tôm phát triển tốt. Nuôi cá tra trong tháng đã bớt khó khăn, giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại do nhu cầu nhập khẩu cá tra từ thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc tăng. Mặc dù đang trong kỳ mưa bão nhưng hoạt động đánh bắt hải sản tại các ngư trường trên biển vẫn khá thuận lợi. 10 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt gần 5 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro, trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, gần đây là mưa lớn gây ngập úng ở nhiều thành phố, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống nhân dân. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các giải pháp, chính sách đã bước đầu đi vào cuộc sống. Tình hình kinh tế đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển.
Trong 2 tháng cuối năm, cần kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra từ đầu năm trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và các Nghị quyết khác của Chính phủ để bảo đảm đạt cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Theo đó, cần thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, giảm chi phí trung gian trong sản xuất của các thành phần kinh tế. Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đã đề ra tại Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 35 của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thành phần kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng các chính sách tài chính giúp cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ.
Thúc đẩy xuất nhập khẩu, đa dạng hóa các hình thức, phương thức xúc tiến thương mại, tăng cường hợp tác với các nước trong tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại theo chuỗi giá trị vào sâu trong hệ thống phân phối nội địa của các nước. Tập trung đẩy mạnh xuất khẩu những nhóm hàng, mặt hàng có khả năng cạnh tranh, thị trường ổn định. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu. Cần nắm rõ các quy định về khung pháp lý của thị trường, nhất là vệ sinh, an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật để chủ động xây dựng các biện pháp khắc phục kịp thời. Chủ động triển khai thực hiện hiệu quả các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN, và các hiệp định thương mại tự do đã ký kết.
Đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tăng cầu nội địa. Cần tập trung thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam bền vững, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam và hàng Việt Nam. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại nội địa, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung – cầu hàng hoá giữa các địa phương, vùng miền trong cả nước để tăng lưu chuyển, tiêu dùng hàng hoá trong nước. Tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng tại các địa bàn trọng điểm, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Tăng cường các biện pháp thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Với tình trạng xây dựng đập, hồ chứa trên thượng nguồn sông Mê Kông đang diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, dự báo tình trạng xâm nhập mặn sẽ tiếp diễn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tình trạng này đòi hỏi phải có những giải pháp căn cơ về tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với sự biến đổi khí hậu, tránh sự bị động trong sản xuất nông nghiệp ở vùng này. Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, gắn với các lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng các ngành công nghiệp, như than, phân bón hoá chất, thép, dệt may…/.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()