Tăng trưởng GDP dự báo có thể đạt trên 6%
9 tháng năm 2016, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với cùng kỳ 2015 và thấp hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm. Trong khi đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mong muốn của Chính phủ là phấn đấu GDP đạt 6,3 - 6,5% trong năm nay.
Do đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 3/10, để thực hiện được nhiệm vụ tăng trưởng, Thủ tướng yêu cầu cả bộ máy phải chuyển động, tạo mọi điều kiện, tháo gỡ mọi rào cản cho sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Hạ mức dự báo tăng trưởng có đáng lo?
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong báo cáo định kỳ mới nhất của mình về kinh tế khu vực châu Á đã dự báo rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay chỉ còn 6% thay vì cao hơn như ADB và các tổ chức kinh tế khác từng đưa ra từ đầu năm. Như vậy, do sự giảm sút của ngành nông nghiệp và khai khoáng trong nửa đầu năm 2016, Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2016 công bố dự báo có sự điều chỉnh giảm trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mặc dù tổng thể nền kinh tế tiếp tục vận hành tốt.
Cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của kinh tế Việt Nam 2016, nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á – Thái Bình Dương vẫn tin rằng, viễn cảnh cơ sở đối với Việt Nam năm 2016 là tích cực nhưng rủi ro tiêu cực vẫn chiếm ưu thế. Theo đó, tăng trưởng của Việt Nam dự báo sẽ giảm còn 6,2% do tiêu dùng cá nhân và tăng trưởng đầu tư chậm lại. Lạm phát cũng chậm lại do tình hình toàn cầu không mấy sáng sủa và giá năng lượng, thực phẩm toàn cầu giảm. Dự kiến thâm hụt tài khoá sẽ bắt đầu giảm nhằm giảm nguy cơ tăng nợ công. Thâm hụt thương mại sẽ tăng làm cho cán cân vãng lai bị thâm hụt đôi chút. Dự báo lần này của WB thấp hơn con số tăng trưởng GDP được tổ chức này đưa ra hồi cuối năm 2015. Khi đó, WB dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2016. Dù vậy, WB vẫn cho rằng trong số các nền kinh tế đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á, Philippines và Việt Nam có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất và đều có khả năng tăng trưởng trên 6% năm 2016.
WB cũng cảnh báo nhiều rủi ro tiêu cực vẫn tồn tại đối với Việt Nam. Tốc độ tái cơ cấu chậm chạp gây rủi ro cho tăng trưởng trung hạn. Rủi ro tài khoá cũng là vấn đề cần quan tâm giải quyết. Hiện nay tín dụng đang tăng nhanh dần cũng làm tăng thêm rủi ro trong ngành ngân hàng. Cầu bên ngoài yếu đi và bất ổn tài chính toàn cầu đòi hỏi phải liên tục chú ý quản lý kinh tế vĩ mô tốt để tránh bị ảnh hưởng của các cú sốc có thể xảy ra.
Kinh tế 3 tháng cuối 2016 vẫn còn dư địa phát triển
Tại họp báo công bố tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng 2016 của Tổng cục Thống kê, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến phân tích, so với tăng trưởng đạt là 6,68% năm 2015, tăng trưởng 2016 đặt ra 6,7% không cao hơn mấy. Năng lực sản xuất của nền kinh tế còn nhiều dư địa để có tăng trưởng cao. Một số ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất phân phối điện, ngân hàng… tuy có mức tăng trưởng cao nhưng dư địa vẫn còn nhiều. Ví dụ, công nghiệp chế biến, chế tạo 2011 tăng hơn 14% nhưng năm nay mới tăng hơn 10%, chứng tỏ vẫn còn có thể phát triển hơn. Cũng theo ông Tuyến, tái cơ cấu kinh tế và đổi mới các thể chế chính sách thời gian qua có đạt được thành tựu nhất định nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Thẳng thắn chỉ ra còn nhiều thách thức từ nay cho đến hết 2016, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm vẫn khẳng định về cơ bản nền kinh tế vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, lạm phát vẫn còn trong mức cho phép. Phân tích về triển vọng của 3 tháng cuối 2016, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, vẫn còn 3 nhóm tạo động lực phát triển.
Cụ thể, động lực thứ nhất đến từ khối doanh nghiệp (DN). Ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh cho các DN phát triển. Minh chứng rõ nét cho động lực này là thống kê 9 tháng năm 2016 chỉ rõ, có trên 100.000 DN mới thành lập, trong đó có trên 81.000 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, trong số đó, có tới 78.000 DN thực tế đã đi vào hoạt động, chiếm tỷ trọng rất lớn.
Động lực thứ hai cho tăng trưởng thời gian tới là tái cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong báo cáo thống kê, Tổng cục Thống kê đã nhấn mạnh tái cơ cấu lĩnh vực này, nhất là bối cảnh thiên tai, ô nhiễm môi trường và xâm nhập mặn thời gian qua rất nghiêm trọng. Đây không phải là hiện tượng nhất thời trong năm 2016 mà sẽ diễn ra dai dẳng trong nhiều năm tới cho nên tái cơ cấu khu vực nông lâm thủy sản rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.
Và cuối cùng, động lực thứ ba là nhu cầu tiêu thụ trong nước. Theo ông Lâm, trước đây, nước ta tập trung nhiều về xuất khẩu với quan điểm xuất khẩu là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế, nhưng trong 3 năm trở lại đây cho thấy, tập trung vào thị trường trong nước mới đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Và “Việt Nam với dân số đông, nếu đáp ứng đủ nhu cầu thị trường này thì sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng”, ông Lâm nhấn mạnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()