Tăng trưởng công nghiệp dựa vào gia công - Khi nào “đoạn tuyệt”?
Xét trình độ phát triển ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn có hai đặc trưng, đó là ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên và công nghiệp chế biến “dựa vào gia công” - cả hai đều thuộc các ngành công nghiệp thế hệ thứ nhất. Thời gian qua mặc dù chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, nhưng ngành công nghiệp chế biến Việt Nam vẫn mang tính chất dựa vào gia công là chính.
– Xét trình độ phát triển ngành công nghiệp ở Việt Nam hiện nay vẫn có hai đặc trưng, đó là ngành công nghiệp dựa vào tài nguyên và công nghiệp chế biến “dựa vào gia công” – cả hai đều thuộc các ngành công nghiệp thế hệ thứ nhất. Thời gian qua mặc dù chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, nhưng ngành công nghiệp chế biến Việt Nam vẫn mang tính chất dựa vào gia công là chính.
Nhìn từ Bắc Ninh…
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh, tính đến tháng 7-2013 có 407 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 6.000 triệu USD; trong đó có 284 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 82,8%) với tổng vốn đầu tư 4.215 triệu USD (chiếm 86%). Kết quả đánh giá giữa nhiệm kỳ của tỉnh cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2013 ước đạt 167 nghìn tỷ đồng gấp 4,6 lần 2010 chiếm tỷ trọng 77,8 % GDP, quy mô công nghiệp đứng thứ năm của cả nước và thứ hai miền bắc.
Từ những kết quả kể trên cho thấy các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên địa bàn tỉnh có vị trí rất quan trọng, ngoài việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, thúc đẩy và thu hút các DN lắp ráp có quy mô sản xuất lớn phát triển như: Sam sung Electronis, Nokia, Canon… đã giải quyết công công ăn việc làm cho nhiều lao động và góp phần quan trọng trong việc tạo nguồn thu, đóng góp cho ngân sách.
Tuy nhiên báo cáo cũng chỉ ra những hạn chế của các DN thuộc ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai, kém phát triển, công nghệ lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu của các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp; trong khi các DN trong nước còn hạn chế về số lượng và quy mô nhỏ.
Ngành CNHT Bắc Ninh đúng là mới chỉ ở giai đoạn phát triển sơ khai và còn rất nhiều yếu kém, chủ yếu là gia công, lắp ráp; nguyên vật liệu, linh kiện chủ yếu được nhập khẩu từ nước ngoài nên tỷ lệ nội địa hóa và tỷ lệ giá trị tăng thêm thấp; tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp luôn cao hơn rất nhiều so với giá trị tăng thêm; sản phẩm hàng hóa tạo ra vẫn chủ yếu là do hao phí sức lao động mà chưa được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nên sức cạnh tranh kém…
Trong đề án “Thu hút vốn đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013-2020” của tỉnh Bắc Ninh cũng đã nhìn nhận: Vốn đầu tư vào các ngành công nghiệp chủ đạo của tỉnh như công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ chiếm tỷ trọng rất thấp, nhất là trong tổng vốn đầu tư của tỉnh, chủ yếu các ngành này phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài. Theo đó cả khu vực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài ở tỉnh Bắc Ninh đều là các dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông và chưa tạo ra giá trị gia tăng cao. Tỷ lệ nội địa hóa giá trị sản phẩm của một số DN đầu tư nước ngoài sản xuất còn thấp.
Thực tế phát triển ngành CNHT của Bắc Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung còn chậm và chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà sản xuất. Chính vì vậy việc phát triển CNHT có vai trò rất quan trọng và cấp thiết nhằm tạo ra các sản phẩm công nghiệp đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm công nghiệp toàn cầu đã có tại Bắc Ninh. Để tránh ngành công nghiệp vẫn ở trong tình trạng “dậm chân tại chỗ” và cũng để tạo ra bước đột phá, Đề án chỉ ra, trước tiên ngành này phải được quy hoạch với kế hoạch dài hạn. Trong đó từng ngành, từng lĩnh vực phải rà soát và đề ra mục tiêu phát triển các sản phẩm hỗ trợ của từng ngành theo phương châm “làm đến đâu chắc đến đó” và với Bắc Ninh tập trung vào phát triển CNHT các ngành điện tử, tin học, cơ khí chế tạo.
Và không thể “dậm chân tại chỗ”
Thực tiễn phát triển ngành công nghiệp “dựa vào gia công” phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, khi năng lực cạnh tranh của chúng ta trong chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp. Việc đó đã giúp chúng ta giải quyết được bài toán việc làm, thu nhập và phù hợp với trình độ công nghệ và trình độ chuyên môn của người lao động thấp. Tuy nhiên, bản thân mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công tiềm ẩn và ngày càng thể hiện rõ những điều đáng lo ngại.
Ngoài ra, tính chất thiếu bền vững trong mô hình tăng trưởng nhờ vào gia công còn chứa đựng tiềm ẩn của nguy cơ mất cân đối vĩ mô ngày càng trầm trọng hơn! Cụ thể là càng tăng trưởng thì nhập khẩu lại càng gia tăng nhanh chóng. Khi tăng lên một đơn vị sản phẩm cuối cùng của khu vực công nghiệp thì tổng ảnh hưởng về nhập khẩu cao hơn mức bình quân chung.
Đánh giá chung những nguyên nhân dẫn đến công nghiệp chưa phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng do hiện ngành này phát triển bề rộng nhưng chưa có chiều sâu, chưa tạo mũi nhọn phát triển công nghiệp. Cùng với đó, các chiến lược đầu tư còn manh mún, tự phát, chưa có kế hoạch cụ thể rõ ràng, trong khi quá trình phân công lao động chưa tạo sự chuyên môn hóa, hiện đại hóa. Các nhà máy mới chỉ dừng lại ở bộ phận gia công lắp ráp, các linh kiện hầu như là nhập khẩu.
Cần nhìn nhận trong thế giới hiện đại khi mạng lưới sản xuất và phân phối mang tính khu vực và toàn cầu thì mỗi quốc gia cần dựa vào lợi thế so sánh của mình để tập trung đầu tư phát triển một số CNHT đạt được giá trị sản xuất và tỷ trọng xuất khẩu chiếm thị phần chi phối ở khu vực và toàn cầu. Theo GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia; cũng không-nên-máy-móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô-tô, xe máy, mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu.
GS.TS Ngô Thắng Lợi, thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội đánh giá, ngành công nghiệp của Việt Nam hiện nay đang mang đặc trưng của công nghiệp thế hệ thứ nhất, bao gồm các sản phẩm công nghiệp sử dụng nhiều lao động và các sản phẩm “công nghiệp gia công”. Tăng trưởng công nghiệp dựa vào gia công kéo dài trong nhiều năm qua đã bộc lộ rõ sự kém hiệu quả và thiếu bền vững, đã đến lúc cần phải tái cấu trúc để phát triển theo một hướng tích cực hơn.
“Phát triển ngành CNHT chính là một trong những hướng quan trọng nhằm tái cấu trúc nâng cao hiệu quả và tính bền vững trong phát triển công nghiệp” – ông Lợi khẳng định.
Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của CNHT, thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã ban hành một số cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc phát triển CNHT, tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, CNHT của Việt Nam hiện nay đang rất thiếu và yếu, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu các ngành công nghiệp chế tạo, lắp ráp.
Hiện tại, Việt Nam có nhiều ngành hàng xuất khẩu, nhưng hầu hết đều phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất. Các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển chưa đủ sức hấp dẫn, thu hút được nhà đầu tư trong và ngoài nước, chưa tạo ra động lực cho phát triển. Nhiều mục tiêu mang tính dàn trải, chưa tập trung vào những lĩnh vực mũi nhọn, giàu tiềm năng. Mặt khác, tuy nguồn lực có hạn nhưng các mục tiêu đề ra quá cao, chưa tính toán hết tác động của thị trường, hoặc không được tổ chức thực hiện.
Muốn đặt ra mục tiêu phát triển một ngành công nghiệp mạnh và hoạt động có hiệu quả trong tương lai thì vấn đề căn bản nhất đặt ra là phải là một ngành công nghiệp có thiết bị, công nghệ tiến tiến, hiện đại. Muốn vậy, đầu tiên cần chú trọng là không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời đồng bộ hóa các chính sách và hướng đến các mục tiêu bền vững, dài hạn. Ngoài ra, tăng cường sự liên kết giữa các DN trong quá trình phát triển CNHT. Bên cạnh việc đẩy mạnh sự liên kết giữa các DN trong nước cũng như giữa các DN trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ…
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()