Tăng trung học cơ sở, giảm trung học phổ thông: Chưa thuyết phục
Ngày 28-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội (VHGDTNTN&NĐ) đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về “Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
GS.VS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ cho biết, hội nghị tham vấn lần này nhằm cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng chính sách, pháp luật của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn về nhiều chủ đề như: xác định số năm học giáo dục cơ bản, đa dạng hóa sách giáo khoa và tài liệu dạy học, quan điểm và phương án dạy học phân hóa và tích hợp…
Nhiều đóng góp tâm huyết và kinh nghiệm của những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực giáo dục đã được đưa ra trong hội nghị. Trong ảnh từ trái qua: GS.TS Nguyễn Đình Hương; GS.VS Phạm Minh Hạc; PGS.TS Trần Thị Tâm Đan.
Trong quá trình chuẩn bị cho hội nghị này, các đại biểu được đề nghị cho ý kiến về cơ cấu giáo dục phổ thông, theo hai phương án được Bộ GD-ĐT soạn thảo.
Phương án 1: gồm 5 năm tiểu học 5 năm THCS 2 năm THPT (10 năm giáo dục cơ bản 2 năm giáo dục định hướng nghề nghiệp)
Phương án 2: giữ nguyên như hiện nay, gồm 5 năm tiểu học 4 năm THCS 3 năm THPT (9 năm giáo dục cơ bản 3 năm giáo dục định hướng nghề nghiệp)
Trước cuộc họp tham vấn hai ngày, Ủy ban Quốc gia đổi mới giáo dục và Đào tạo đã quyết định sẽ duy trì phương án 2, tức là “giữ nguyên hiện trạng”. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT mở đầu cuộc họp cho biết Bộ GD-ĐT xin “rút” phương án 1. Tuy nhiên, trên tinh thần xây dựng, các chuyên gia vẫn “mổ xẻ” cả hai phương án.
Giải trình của Bộ GD-ĐT cho biết, sở dĩ Bộ đệ trình phương án 1 là bởi việc tăng thời gian giáo dục cơ bản thêm một năm sẽ giúp đáp ứng tốt hơn mục tiêu trang bị kiến thức phổ thông nền tảng. Tốt nghiệp THCS ở độ tuổi 16, học sinh sẽ trưởng thành hơn về tâm lý, tạo điều kiện thuận lợi cho phân luồng sau giáo dục cơ bản. Thời gian học THPT chỉ còn hai năm là đủ cho mục tiêu phân hóa và thiết thực hơn đối với mục tiêu định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, cách giải thích vì sao và tác động của việc chuyển từ hệ 9 3 sang 10 2 chưa được làm rõ, mang nặng tính tự biện và thiếu tính thuyết phục. “Những lập luận trên không dựa vào một bằng chứng khoa học nào”, ông nói. TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, các tác động sau phải được đánh giá thật kỹ như việc chuyển đổi trường lớp, biến động cơ cấu đội ngũ giáo viên. “Tác động của quá nhiều cải cách trong giáo dục phổ thông cùng một lúc sẽ dẫn tới hiện tượng gọi là chết nghẹn vì cải cách”, ông nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cũng cho rằng, lý do của việc thay đổi cơ cấu hệ thống giáo dục phổ thông là chưa thuyết phục. Ông Thuyết cho biết, theo đánh giá của dự thảo Đề án thì một trong những hạn chế cơ bản của chương trình hiện hành là “chỉ chú trọng truyền thụ kiến thức, chưa chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh. Nhưng ông băn khoăn liệu đề nghị kéo thêm một năm THCS để trang bị cho đủ kiến thức và kỹ năng có phù hợp với định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới là “chuyển căn bản từ tập trung vào trang bị kiến thức, kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học hay không?”
Cựu đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Thuyết cho biết, cả trong chương trình hiện hành lẫn trong chương trình mới, THPT đều là bước chuẩn bị quan trọng cho học sinh vào đại học, cao đẳng. Hiện, THPT có ba năm mà phần lớn các trường từ đầu cấp đã dạy bớt chương trình, những môn, nội dung không thi tốt nghiệp. Trong tương lai nếu THPT chỉ còn hai năm, không biết chuyện bớt xén sẽ phát triển thế nào?
GS Thuyết tiếp tục nêu câu hỏi: Đề án giải thích việc thêm một năm THCS là phù hợp với xu hướng của một số nước phát triển, nhưng không nói đó là xu hướng của những nước nào? “Thêm hay bớt một năm THCS không phải vấn đề cốt lõi, không giải quyết được chuyện gì mà chỉ tạo thêm rắc rối, xáo trộn”, ông kết luận.
TS Nguyễn Tùng Lâm (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) cho rằng, không đơn giản chỉ thay đổi lắp ghép đơn thuần cắt đi một lớp 10 đưa xuống THCS, chúng ta phải chỉ ra các loại hình trường có thể phát triển cho phù hợp định hướng nghề nghiệp của trường THPT mới với vùng miền.
PSG. TS Nguyễn Thám – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Huế cũng nhất trí đề nghị giữ nguyên hệ thống giáo dục quốc dân như hiện nay. Ông nêu rõ phương án mới (10 2) chỉ thay đổi một năm học nhưng lại thay đổi cả hệ thống đào tạo giáo viên, trường lớp, quy mô, cách thức quản lý…, gây đảo lộn hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất thiết bị dạy học. “Chi phí cho việc thay đổi hệ thống giáo dục là rất lớn”, ông khẳng định.
Ý kiến ()