Tăng trách nhiệm, giảm oan, sai
Tuần qua, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao và Đoàn công tác đã làm việc với các ban, ngành có liên quan của tỉnh Bình Thuận để kiểm tra quá trình giải quyết đơn yêu cầu bồi thường oan sai của ông Huỳnh Văn Nén. Đây là vụ án xảy ra nhiều năm trước, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ quan tư pháp, được dư luận rất quan tâm theo dõi.
Quan điểm chính thức và rõ ràng từ vụ việc, đó là khi các cơ quan chức năng đã kết luận là oan sai, thì các cơ quan tư pháp phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị oan và thẳng thắn nhìn nhận sai lầm của mình. TAND tỉnh Bình Thuận phải thương lượng bồi thường cho ông Huỳnh Văn Nén đúng quy định của pháp luật. Việc thỏa thuận bồi thường phải tiến hành khẩn trương, chính xác, triệt để.
Dư luận tuần qua cũng đánh giá rất cao chỉ đạo của Chính phủ về hai vụ việc khác. Đó là, yêu cầu các cơ quan liên quan công khai xin lỗi, bồi thường thiệt hại (nếu có) cho ông Nguyễn Văn Tấn (trú tại TP Hồ Chí Minh), chủ quán cà-phê Xin chào, theo quy định. Trước đó, ngay sau khi nhận được thông tin báo chí phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Tấn bị khởi tố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến đề nghị Viện trưởng Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao kiểm tra, và trực tiếp chỉ đạo Chủ tịch UBND thành phố khẩn trương làm rõ.
Trong một nội dung khác, Văn phòng Chính phủ đã gửi văn bản tới Bộ trưởng Công an, Viện trưởng KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, đề nghị liên ngành tư pháp xem xét lại vụ án Trần Văn Vót (tỉnh Hà Nam) kêu oan nhiều năm nay. Sắp tới, qua kết quả kiểm tra, xác minh, nếu thật sự oan sai thì phải giám đốc thẩm vụ án để giải oan cho người vô tội…
Từ thông tin trên báo chí, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã rút toàn bộ hồ sơ vụ án để kiểm tra, đánh giá các tài liệu, chứng cứ liên quan vụ án ông Nguyễn Văn Bỉ cất chòi vịt bị Công an huyện Bình Chánh khởi tố về tội vi phạm các quy định về quản lý nhà ở. Qua kiểm tra, xác định hành vi của ông Bỉ không cấu thành tội phạm. Việc khởi tố, đề nghị truy tố ông là không có căn cứ. Vừa qua ông đã được đình chỉ điều tra bị can.
Mới đây nhất, Viện KSND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với năm nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ Long Thành, dù không có sự chỉ đạo của cấp trên cũng như quyết định cưỡng chế của chính quyền địa phương, nhưng họ đã xông vào chòi canh tôm của bà Ngọc đập phá, ném khoảng 40 bao xi-măng của gia đình bà Ngọc xuống đầm tôm gây hư hỏng. Trước đó, bà Ngọc bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt giam để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, vụ việc bắt giam bà Ngọc đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu Công an tỉnh Đồng Nai điều tra làm rõ. Năm ngày sau khi bị bắt, bà Ngọc được thả và các cơ quan tố tụng huyện Nhơn Trạch đã tổ chức xin lỗi công khai bà Ngọc…
Từ thực tế và dẫn một số vụ nói trên cho thấy, một số sai phạm thời gian qua ở cấp chính quyền cơ sở và trong các cơ quan tiến hành tố tụng đã phản ánh tình trạng lạm quyền một số nơi, trong đó có vấn đề về phẩm chất cán bộ và đạo đức công vụ. Theo ý kiến của nhiều đại biểu QH tại các diễn đàn nghị trường, nguyên nhân xuất phát từ thói quen lạm quyền, thực thi trái luật để sớm có lời thú tội và kết thúc vụ án, vô hiệu hóa nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Không ít cán bộ ở địa phương bàng quan, vô cảm, rất thiếu trách nhiệm trước số phận, lợi ích người dân, thậm chí xúc phạm người dân…
Từ những bài học điển hình kể trên, việc chấn chỉnh những thiếu sót bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể, qua đó củng cố, kiện toàn, nâng chất lượng đội ngũ cán bộ trong các cơ quan thực thi pháp luật, lựa chọn những cán bộ tham gia trực tiếp công tác điều tra “vừa hồng vừa chuyên” đáp ứng đòi hỏi của tiến trình cải cách tư pháp trong tình hình mới cần được coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
Năm nay là năm đầu triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng; tổ chức bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 trong bối cảnh nước ta tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng. Đòi hỏi mang tính mệnh lệnh trong bước đột phá cải cách tư pháp càng thêm thúc bách, khẩn trương. Đội ngũ cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật cần nhận thức sâu sắc tinh thần đó, làm việc gần dân, tôn trọng dân, phục vụ dân, rèn luyện hơn nữa đạo đức, lối sống, nâng cao tính tiền phong, gương mẫu, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()