Tăng tốc giải phóng mặt bằng
LSO-Dự án đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tái khởi động từ ngày 1/6/2017, theo cam kết của chủ đầu tư với Bộ Giao thông Vận tải, đến cuối năm 2019 dự án phải hoàn thành đưa vào khai thác. Trong khi đó, khối lượng công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn dự án đến tháng 6/2017 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn mới thực hiện được 1,4 km/43,6 km. Nhằm đáp ứng yêu cầu về mặt bằng thi công cho các gói thầu, hiện toàn bộ các đơn vị liên quan đang nỗ lực phấn đấu đến cuối năm 2017 cơ bản thực hiện xong công tác GPMB.
Tổ công tác số 1 Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chi Lăng đo đạc kiểm đếm tại một hộ gia đình bị ảnh hưởng dự án thuộc thôn Đông Mồ, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng |
Quyết liệt từ chính quyền địa phương
Cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn thuộc tỉnh Lạng Sơn chạy qua địa bàn 10 xã của 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, với tổng diện tích thu hồi đất là gần 350 ha chiều dài tuyến hơn 43 km. Công tác bồi thường GPMB được các huyện thực hiện từ tháng 9/2015, tuy nhiên, do việc huy động nguồn vốn cho dự án gặp nhiều khó khăn nên công tác GPMB bị gián đoạn gần 1 năm. Đến đầu tháng 6/2017, việc tái triển khai GPMB dự án mới được khởi động trở lại. Không những vậy, một số đoạn tuyến của dự án cũng có sự điều chỉnh các huyện phải cập nhật, rà soát lại toàn bộ khối lượng đã đo đạc kiểm đếm trước đó.
Cùng đó, UBND tỉnh đã thành lập ban chỉ đạo và yêu cầu các huyện kiện toàn hội đồng bồi thường GPMB cấp huyện, khẩn trương rà soát lại toàn bộ dự án đã kiểm đếm, bổ sung khối lượng phát sinh. Sau gần 2 tháng tái khởi động, 2 huyện Chi Lăng và Hữu Lũng đã hoàn thành việc kiểm kê lại được 27 km/43 km toàn tuyến. Ngoài ra, huyện Chi Lăng đã phê duyệt được 4 quyết định phương án bồi thường với diện tích hơn 20 ha của 141 hộ với chiều dài 5 km; huyện Hữu Lũng đã phê duyệt được 2 quyết định phương án bồi thường với diện tích thu hồi gần 24 ha của 144 hộ gia đình.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Chi Lăng cho biết: Sau khi tái khởi động dự án, trung tâm phát triển quỹ đất đã thành lập 4 tổ công tác khẩn trương rà soát lại toàn bộ các đoạn tuyến đã kiểm đếm và tập trung tính toán lên phương án bồi thường, tinh thần làm việc hết sức khẩn trương, không có ngày nghỉ. Đến nay, huyện đã bàn giao thêm cho chủ đầu tư được 1,7 km, lũy kế đã bàn giao được 3,2 km/20,8 km qua địa bàn huyện. Song song với việc đo đạc kiểm đếm lập phương án bồi thường cho người dân, huyện còn tập trung lập phương án di dời hệ thống các công trình viễn thông, điện bị ảnh hưởng bởi dự án.
Tại huyện Hữu Lũng, công tác GPMB được huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Hiện huyện đang dồn toàn lực thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm tại dự án này gồm: chỉ đạo 5 xã bị ảnh hưởng tuyên truyền vận động các hộ dân ủng hộ dự án; chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện cập nhật lại toàn bộ số liệu đã thu thập được; quán triệt các phòng chức năng khi có phương án bồi thường phải thẩm định ngay để trình lãnh đạo huyện phê duyệt và phối hợp với chủ đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh.
Chung tay vào cuộc của chủ đầu tư
Bên cạnh trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác GPMB, thực tế, chủ đầu tư đã vào cuộc quyết liệt để tạo mặt bằng thi công. Lần đầu tiên thực hiện dự án BOT về giao thông, chủ đầu tư đã đề xuất với tỉnh ban hành quyết định về cơ chế khen thưởng cho các hộ bàn giao mặt bằng sớm cho dự án.
Ông Trần Phúc Tự, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết: Các hộ bàn giao mặt bằng sẽ được công ty khen thưởng mức thấp nhất là 1 triệu đồng và mức cao nhất là 8 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, chủ đầu tư yêu cầu các nhà thầu phối hợp với chính quyền địa phương làm công tác dân vận để có mặt bằng thi công trước và áp dụng cơ chế tạm ứng cho các hộ bàn giao mặt bằng trước 60% giá trị tài sản trên đất, đất được bồi thường.
Đến nay, đã có 2 nhà thầu vận động được người dân nhận 60% giá trị bồi thường, bàn giao mặt bằng trước để thi công với chiều dài tuyến 610 m thuộc địa bàn xã Quang Lang, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Trong đó, Công ty Mỹ Đà vận động được 11 hộ dân bàn giao mặt bằng với chiều dài tuyến 300 m để dựng lán trại và thi công đào đắp nền đường; Công ty Licogi 116 vận động được 310 m của 20 hộ dân tại thị trấn Chi Lăng để thi công công trình. Việc vận động người dân đang tiếp tục được các nhà thầu khác phối hợp với chính quyền địa phương triển khai trên toàn tuyến, không chỉ tạo mặt bằng thi công tuyến cao tốc mà còn tạo mặt bằng để thi công các tuyến đường công vụ phục vụ dự án.
CÔNG QUÂN
Ý kiến ()