Tăng tốc giải ngân vốn FDI
Sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn của điện thoại di động tại Công ty TNHH Micro Shie Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc). Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong mười tháng qua (kể cả vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm) đạt 10,48 tỷ USD, giảm gần 25% so với cùng kỳ năm 2011.Trong bối cảnh thu hút FDI chưa thể tăng nhanh thì việc tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.Điểm sáng trong bức tranh FDITính đến ngày 20-10-2012, cả nước có 881 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,68 tỷ USD, chỉ bằng 63,3% so với cùng kỳ năm 2011. Dù lượng vốn FDI đăng ký mới sụt giảm nhưng lượng vốn đăng ký bổ sung của những dự án FDI đã thực hiện tăng...
Sản xuất linh kiện điện tử, bán dẫn của điện thoại di động tại Công ty TNHH Micro Shie Vina (100% vốn đầu tư của Hàn Quốc). |
Trong bối cảnh thu hút FDI chưa thể tăng nhanh thì việc tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất kinh doanh được coi là giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất.
Điểm sáng trong bức tranh FDI
Tính đến ngày 20-10-2012, cả nước có 881 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 6,68 tỷ USD, chỉ bằng 63,3% so với cùng kỳ năm 2011. Dù lượng vốn FDI đăng ký mới sụt giảm nhưng lượng vốn đăng ký bổ sung của những dự án FDI đã thực hiện tăng 12,3%. Theo nhận định của Cục Đầu tư nước ngoài, đây là mức tăng khá, chứng tỏ nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động vẫn tin tưởng vào triển vọng đầu tư lâu dài tại Việt Nam, quyết định tiếp tục tăng thêm lượng vốn khá lớn để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là một trong những điểm sáng về FDI trong năm nay và chính sự tăng lên của lượng vốn FDI đăng ký bổ sung này đã góp phần khiến tốc độ tăng của tổng lượng vốn FDI đăng ký vào nước ta trong mười tháng qua bớt sụt giảm (chỉ còn giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước).
Bên cạnh đó, cho dù gặp nhiều khó khăn nhưng hoạt động của khu vực DN FDI nhìn chung vẫn khá hiệu quả. Mười tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của khu vực này (kể cả dầu khí) đạt 58,5 tỷ USD, chiếm hơn 62% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng hơn 32% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn gấp rưỡi tốc độ tăng chung. Bên cạnh đó, nhập khẩu của khu vực này trong mười tháng qua đạt 49,18 tỷ USD, chiếm gần 52,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ mức tăng trưởng xuất khẩu cao nên khu vực FDI xuất siêu hơn bảy tỷ USD.
Một điểm sáng quan trọng khác trong bức tranh FDI từ đầu năm đến nay còn là việc duy trì ổn định mức giải ngân vốn FDI khoảng gần một tỷ USD mỗi tháng. Trong mười tháng qua, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được chín tỷ USD, bằng 98,9% so với cùng kỳ năm 2011. Mức vốn FDI thực hiện này đạt tương đương so với cùng kỳ năm trước. Việc duy trì đều đặn mức vốn FDI thực hiện là tín hiệu khả quan để cả năm nay có thể hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn FDI xấp xỉ 11 tỷ USD, tương đương với bốn năm trước. Kết quả tích cực này cũng góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, làm tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá…
Hỗ trợ nhà đầu tư hiện có
FDI được coi là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn như hiện nay thì lượng vốn FDI thực hiện có đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, thu hút FDI vào nước ta trong thời gian tới cũng không hề dễ dàng khi cạnh tranh quốc tế và khu vực trong thu hút FDI ngày càng gay gắt, nhất là ngay tại khu vực Đông – Nam Á xuất hiện thêm nhiều “đối thủ” cạnh tranh mới.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, so với đầu những năm 2000, thách thức trong thu hút FDI đối với Việt Nam sẽ nhiều hơn cơ hội. Một số nút thắt của nền kinh tế, kể cả những bất ổn vĩ mô đòi hỏi phải có thời gian Việt Nam mới vượt qua được, đây là điều mà các nhà đầu tư quan sát và ngần ngại. Đi đôi với những khó khăn trước mắt, Việt Nam phải thực hiện tái cấu trúc kinh tế, điều này cũng sẽ đặt ra không ít vấn đề khiến nhà đầu tư phải theo dõi và tính toán cẩn trọng. Chính vì thế, lượng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam khó có thể tăng nhanh nên trước mắt, cần tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư đi vào hoạt động, tăng vốn giải ngân và mở rộng sản xuất kinh doanh.
TS Phan Hữu Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đầu tư nước ngoài (Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, hỗ trợ tối đa các dự án FDI đang hoạt động là giải pháp căn bản để tăng tốc giải ngân vốn FDI những tháng cuối năm. Các địa phương cần theo dõi sát tình hình thực hiện các dự án FDI trên địa bàn, lắng nghe và xem xét, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cụ thể của từng nhà đầu tư. Giải phóng mặt bằng là một trong những vướng mắc cản trở tiến độ triển khai nhiều dự án FDI. Vấn đề này tồn tại đã lâu nhưng vẫn chậm được khắc phục. Có nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam những dự án FDI quy mô lớn lên đến hàng tỷ USD ngay trong giai đoạn khó khăn này chỉ với điều kiện là có được mặt bằng sạch. Vì vậy, trước mắt cần nhanh chóng hoàn thành quy hoạch về đất, công bố rộng rãi quy hoạch; thống kê quỹ đất trống trên địa bàn với thông số cụ thể về hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chỉ tiêu về quy hoạch, hình thức đầu tư với đơn giá đất cụ thể… nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án. Ngoài ra, cũng cần xem xét có chính sách ưu đãi đối với phần dự án FDI mở rộng quy mô. Đây là hình thức khuyến khích các nhà đầu tư tăng thêm vốn đầu tư vào Việt Nam và chính những nhà đầu tư này sẽ góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh về môi trường đầu tư Việt Nam. Cũng theo TS Phan Hữu Thắng, những cơ chế, chính sách như hướng dẫn đăng ký lại DN FDI, sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư… cần nhanh chóng được ban hành nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm làm ăn cũng như quyết định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Việc thúc đẩy giải ngân vốn FDI cần thực hiện theo hướng phân loại rõ các dự án đang đầu tư tại Việt Nam để có những hình thức hỗ trợ phù hợp. Ưu tiên tập trung vào những dự án FDI phù hợp mục tiêu CNH – HĐH và định hướng mới. UBND các tỉnh, thành phố, ban quản lý cần chủ động tiếp cận nhà đầu tư để xử lý hoặc phối hợp các bộ, ngành giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc. Đối với những dự án FDI đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng không phù hợp với định hướng về ngành, lĩnh vực, địa bàn… và nhà đầu tư chưa triển khai hoặc triển khai không đúng tiến độ cam kết thì xem xét chấm dứt hoạt động và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc điều chỉnh quy mô, mục tiêu dự án. Việc chấm dứt hoạt động hoặc điều chỉnh các dự án này cần phải tiến hành thận trọng, đúng quy định của pháp luật để tránh khiếu kiện có thể xảy ra và bảo đảm sự ổn định của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()