Tăng tốc để du lịch Việt xứng tầm điểm đến “sang chảnh” của thế giới
Việt Nam đang trở thành điểm đến được các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ, tour du lịch hạng sang thế giới ưu tiên lựa chọn dành cho giới siêu giàu. Tour được thiết kế riêng cho khách trải nghiệm.
Hậu COVID-19 ở Việt Nam, số doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ tăng nhanh. Đáng nói, sau thời gian im ắng, thị trường khách quốc tế đến đã cho thấy những tín hiệu lạc quan với con số phục hồi khá nhanh; Việt Nam tiếp tục nằm trong top những điểm đến có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và trở thành điểm đến của giới siêu giàu; nhu cầu du lịch nội địa không ngừng gia tăng…
Điểm đến “sang chảnh”
Thông tin từ Tổng Cục Du lịch cho thấy bảy tháng năm 2022, Việt Nam đón 954.000 lượt khách quốc tế (tăng gần 9 lần so cùng kỳ năm 2021), tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 62%/tháng trong 7 tháng qua.
Trong top 10 thị trường gửi khách hàng đầu tới Việt Nam, 9 thị trường từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (tiêu biểu như Campuchia, Singapore, Thái Lan và Malaysia…), còn lại là Mỹ.
Hàn Quốc là thị trường gửi khách tới Việt Nam lớn nhất với 196,2 nghìn lượt (tăng 903,7% so với cùng kỳ); Mỹ đứng thứ 2 với 102,9 nghìn lượt. Mặc dù các thị trường từ châu Âu có số lượng khách đến chưa đông nhưng tốc độ tăng trưởng lại rất cao, đứng đầu là Anh, tiếp đó là Pháp và Đức.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm các điểm đến tăng trưởng cao nhất thế giới, từ 50%-75%. Lượng tìm kiếm từ các thị trường quốc tế về du lịch Việt Nam trong tháng 7/2022 tăng trên 1.200% so với cùng kỳ năm 2021 (chủ yếu là các quốc gia: Mỹ, Australia, Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Malaysia, Đức và Thái Lan).
Đáng nói, Việt Nam đang trở thành điểm đến được các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ, tour du lịch hạng sang thế giới ưu tiên lựa chọn, như TCS World Travel. Hai trong chín hành trình mới khởi hành trong năm 2023 mà công ty này vừa ra mắt có điểm dừng chân tại Việt Nam và đều là một trong những tour thuộc top đắt giá nhất.
Với tour hạng sang du lịch bằng máy bay riêng (khởi hành từ Mỹ), chơi golf vòng quanh thế giới và hưởng các dịch vụ sang trọng, du khách phải chi 147.000 USD/người (khoảng 3,5 tỷ đồng). Theo đó, du khách tham gia sẽ tới các sân golf tốt nhất thế giới tại Mỹ, Australia, Malaysia, Việt Nam (ghé thăm Hội An-Đà Nẵng), Oman, Rwanda và Morocco, cũng như tham gia các hoạt động trải nghiệm địa phương, tham quan các địa điểm nổi tiếng.
Trong 9 tour do TCS World Travel tổ chức, giá thấp nhất 49.950 USD/người, cao nhất là 149.000 USD/người, thì Việt Nam được nằm trong số các điểm đến của tour “sang chảnh” bậc nhất. Điều đó cho thấy không chỉ sức hấp dẫn mà còn là chất lượng dịch vụ của điểm đến Việt Nam.
Kế hoạch tăng tốc cuối năm
Thực tế đã cho thấy kinh doanh du lịch đang “ấm lên” theo đà phục hồi của ngành kinh tế xanh. Cùng với lượng khách không ngừng tăng, trong 6 tháng 2022, Tổng cục Du lịch đã thẩm định, cấp mới 312 giấy phép cho doanh nghiệp lữ hành quốc tế (tăng 286 giấy so với 2021, cả nước có 2.415 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế), cấp đổi 65 giấy phép; 1.060 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa đã được các địa phương cấp phép…
Với số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới gia tăng ấn tượng, hoạt động du lịch mở cửa trở lại đã tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, giúp “hồi sinh” những vùng đất đang khô cằn, héo úa vì dịch bệnh hơn hai năm qua.
Về mục tiêu đón khoảng 65 triệu lượt khách trong năm 2022 (trong đó có 60 triệu lượt khách nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế) của ngành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cho hay tính đến tháng 7/2022, Việt Nam đã đón khoảng 71,8 triệu lượt khách nội địa, vượt chỉ tiêu đề ra. Khách quốc tế đến thời điểm này cũng đạt được gần 1 triệu lượt.
Ông Thủy cũng nhấn mạnh, thông thường mùa khách quốc tế đến Việt Nam cao điểm phải từ tháng Chín năm nay đến khoảng tháng Tư năm sau. Song, để có thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế đến như mục tiêu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là tình hình dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều thị trường trọng điểm với Việt Nam vẫn chưa mở cửa, điển hình là Trung Quốc.
Do đó, để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế, thời gian tới, ngành du lịch sẽ phối hợp với các đối tác, cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở nước ngoài nhằm quảng bá, xúc tiến, thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam.
Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục cùng Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch phối hợp các doanh nghiệp, hãng hàng không và các điểm đến lên kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch Việt trong khuôn khổ các Hội chợ Du lịch quốc tế tại Nhật Bản, Anh quốc… Các hoạt động nhằm hỗ trợ đà phục hồi thị trường khách quốc tế đến Việt Nam, tập trung vào các thị trường gần khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á và châu Âu.
Ngoài ra, nhiều lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), châu Âu, Bắc Mỹ, Australia…; đón các đoàn FAM/Press từ các thị trường trọng điểm đến Việt Nam sẽ được tổ chức.
Hy vọng với những nỗ lực này, ngành kinh tế xanh nước nhà sẽ sớm cán đích với thị trường quốc tế, tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn mới./.
Ý kiến ()