Tăng tín dụng hỗ trợ giảm nghèo bền vững
Giảm nghèo là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước, trong đó, chính sách tín dụng được coi là trụ cột. Mặc dù ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn, nhưng nguồn vốn dành cho giảm nghèo vẫn luôn được ưu tiên bố trí đủ. Tuy nhiên, làm sao để hộ nghèo tiếp nhận, sử dụng hiệu quả đồng vốn chính sách, ngoài sự vào cuộc, hỗ trợ của hệ thống chính trị, còn cần ý chí chủ động vượt khó, vươn lên của người dân.
Mở hướng thoát nghèo
Nhiều năm qua, các nhóm chính sách tín dụng được ban hành đã có tác dụng tích cực, thu hút nhiều hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia vào việc vay vốn, giúp họ phát huy tính chủ động, tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã xóa bỏ tâm lý ỷ lại, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bà con đối với hiệu quả sử dụng đồng vốn, giúp họ hình thành thói quen tiết kiệm, tính toán và biết quản lý tài chính gia đình. Ở hầu hết các địa phương đều xuất hiện mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Cách đây hơn mười năm, chị Phàn Thị Thủy, thôn Sủng Khể, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang) thuộc danh sách hộ nghèo, cuộc sống gia đình bấp bênh bữa no, bữa đói. Không cam chịu cái nghèo đeo đẳng, được chính quyền địa phương và cán bộ tín dụng NHCSXH tư vấn, hướng dẫn cách làm ăn, người phụ nữ dân tộc Dao này đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi để đầu tư nuôi ngựa giống và trồng cỏ giống. Sau mấy năm tần tảo, gia đình chị đã thoát nghèo bền vững, trở thành tấm gương làm kinh tế giỏi để bà con trong vùng học theo. Là người đầu tiên trong thôn trồng cỏ giống và đầu tư vào mô hình nuôi ngựa bạch hiệu quả, giờ đây gia đình chị đã có nhiều giống cây trồng, vật nuôi, với hơn chục con trâu, bò, ngựa bạch,… Năm 2008, chị Thủy được bầu làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Với kinh nghiệm thoát nghèo và trách nhiệm của một tổ trưởng, chị Thủy luôn tận tình truyền dạy, hướng dẫn và giúp đỡ các chị em trong vùng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư làm ăn hiệu quả. Đến nay, Tổ Tiết kiệm và Vay vốn do chị Thủy quản lý có 38 tổ viên với dư nợ hơn một tỷ đồng, số dư tiết kiệm đạt gần 20 triệu đồng. “Vốn vay được chị em sử dụng chủ yếu đầu tư phát triển chăn nuôi bò, ngựa và trồng cỏ cho gia súc. Cuộc sống của các tổ viên từ đó cũng được nâng cao lên rất nhiều” – chị Thủy phấn khởi cho biết.
Theo Phó Tổng Giám đốc NHCSXH Bùi Quang Vinh, đến hết quý I năm 2017, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH đạt 173,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2016; trong đó tiền gửi tiết kiệm tại NHCSXH thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn đạt 5.738 tỷ đồng; tiền gửi tiết kiệm của cộng đồng dân cư tại điểm giao dịch xã sau sáu tháng triển khai hơn 768 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương là 7.366 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 163 nghìn tỷ đồng với hơn 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách đang vay vốn. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78% tổng dư nợ.
Nguồn tín dụng chính sách đã góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo mới từ 14,2% năm 2010 xuống còn 4,25% năm 2015, bình quân giảm 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 58,33% cuối năm 2010 xuống còn 28% năm 2015, bình quân giảm hơn 6%/năm. Kể từ năm 2016, Việt Nam chuyển sang áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020; theo đó, hộ nghèo có mức thu nhập thấp nhất ở nông thôn là 700 nghìn đồng/người/tháng; ở thành thị là 900 nghìn đồng/người/tháng. Với chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước lại tăng lên 10%. Điều này cho thấy, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và chính sách tín dụng hỗ trợ giảm nghèo cần có những điều chỉnh cho phù hợp.
Bảo đảm nguồn vốn
Năm 2017, để bổ sung nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững, NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng 8% so với năm 2016, tương ứng tăng khoảng 11.300 tỷ đồng. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi, công cuộc giảm nghèo của nước ta ngày càng khó khăn, bởi chất lượng cuộc sống đòi hỏi nâng cao hơn. Để thực hiện Nghị quyết giảm nghèo của Quốc hội, Chính phủ đã bổ sung một số chính sách tín dụng mới theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức và nâng thời hạn cho vay, giảm lãi suất cho vay của một số chương trình. Việc tăng nguồn vốn tín dụng để tiếp tục thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững rất cần thiết, cũng là nhu cầu khách quan do số hộ nghèo tăng lên khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.
Bên cạnh sự hỗ trợ tín dụng từ Nhà nước, để giảm nghèo bền vững, Phó Chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cần tăng cường hơn hiệu quả phối hợp giữa các hoạt động hỗ trợ chuyển giao công nghệ với hoạt động tín dụng chính sách của NHCSXH, tạo điều kiện để người dân tiếp cận được nguồn vốn, phát triển sản xuất. Trước đây, có tình trạng người dân vay tiền rồi trả lại ngân hàng, vì họ không biết vay để làm gì. Do đó, vấn đề đặt ra là, cho vay nhưng phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ và theo dõi cách làm ăn của người vay vốn thì mới bền vững. Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Ban Kế hoạch nguồn vốn NHCSXH Đinh Xuân Hùng cho rằng: Tại một số nơi, việc phối hợp hỗ trợ kỹ thuật về khuyến nông, khuyến lâm, xây dựng mô hình điểm của các cấp, các ngành với tổ chức chính trị – xã hội nhận ủy thác chưa tốt. Đáng chú ý, việc kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay, công tác thông tin, tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, mới chỉ tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi. Do đó, một số hộ vay sử dụng vốn chưa đúng mục đích, hiệu quả thấp. Từ những hạn chế này, NHCSXH đã đưa ra một số giải pháp, như tích cực huy động nguồn lực để đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng, tập trung nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo; tuyên truyền tốt về chính sách tín dụng, để các cấp, ngành và nhân dân biết, thực hiện và giám sát việc triển khai trên địa bàn,…
Theo Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo NHCSXH Nguyễn Mạnh Thiện, người nghèo và các đối tượng chính sách khác còn hạn chế về trình độ quản lý tài chính, sản xuất, kinh doanh, dễ tổn thương do tác động của thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,… dẫn đến một số gia đình thoát nghèo không bền vững. Trong hoạch định, thiết kế chính sách của Chính phủ đã tính tới vấn đề này. Thực tế hoạt động của NHCSXH cũng luôn cố gắng hoàn thiện hơn về mặt cơ chế chính sách, giúp đồng bào giảm đến mức thấp nhất nguy cơ tái nghèo.
Để chính sách tín dụng giảm nghèo phát huy hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài các chính sách bổ sung của Chính phủ, cần bảo đảm nguồn vốn tín dụng đến được tất cả hộ nghèo có nhu cầu. Đồng thời, ưu tiên vốn cho những địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, địa bàn thường xuyên bị thiên tai hạn hán, đặc biệt là các vùng “lõi nghèo” của toàn quốc. Bên cạnh đó, lãi suất cũng nên có các mức khác nhau đối với các địa bàn khác nhau, tùy theo mức độ khó khăn của mỗi vùng. Và đặc biệt, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững, vấn đề căn bản là phải tuyên truyền làm thay đổi nếp nghĩ trông chờ, ỷ lại của chính bản thân người nghèo, khơi dậy ý chí tự vươn lên, thoát nghèo của họ, từ đó các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước sẽ được tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả.
Theo Nhandan
Ý kiến ()