Tăng thu từ na rải vụ
LSO-Thay vì bỏ công đầu tư chăm sóc và thu hoạch na trong 1 vụ thì nông dân huyện Chi Lăng đã chủ động học hỏi, mạnh dạn đổi mới phương thức sản xuất kéo dài thời gian na cho quả thêm gần 1 tháng. Nhờ đó, thu nhập của người trồng na tăng gần gấp đôi.
Nông dân huyện Chi Lăng tiến hành kỹ thuật ngắt ngọn kéo dài thời gian |
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, toàn huyện có khoảng 1.500 ha na, sản lượng 15.500 tấn, giá trị kinh tế ước đạt trên 400 tỷ đồng. Khoản thu này giúp 3.500 hộ dân các xã, thị trấn: thị trấn Chi Lăng, Đồng Mỏ, xã Chi Lăng, Quang Lang, Mai Sao, Y Tịch, Hòa Bình, Thượng Cường… có thể “sống được” với cây na. Không bằng lòng với những giá trị mà cây na mang lại, những người nông dân trên địa bàn huyện chủ động sang tỉnh Quảng Ninh học hỏi kinh nghiệm sản xuất. Những kinh nghiệm học được cộng với sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, người trồng na Chi Lăng đã tìm ra phương pháp kéo dài thời gian thu hoạch và tăng năng suất.
Thời gian từ khi na ra hoa đến khi quả chín khoảng 4 tháng. Quả na chín rộ vào tháng 6, 7, 8 hằng năm. Với phương pháp rải vụ, người trồng na có thêm vụ thu hoạch thứ 2 sau vụ thứ nhất khoảng 1 tháng. Theo đó, sau khi thu hoạch vụ trước, nông dân tiến hành đốn cành, tỉa lá để cây tích tụ dưỡng chất cho vụ sau. Khi cây bắt đầu ra hoa, tiến hành thụ phấn; bên cạnh việc để hoa thụ phấn tự nhiên nên ưu tiên phương pháp thụ phấn nhân tạo. Sau khi na đậu quả cần chọn để những quả to, mắt đều, đẹp đảm bảo khi chín đạt trọng lượng 3 quả/kg. Tùy theo tuổi cây mà để số quả từ 5 đến 10 kg quả/cây. Với na rải vụ, trong quá trình cây ra hoa, chủ vườn chọn những nhánh mới nhú, bắt đầu cho nụ thì tiến hành ngắt ngọn (khoảng cách từ đầu nhánh đến chỗ ngắt khoảng 5 cm), cắt bỏ hết hoa và lá. Sau khoảng 15 đến 20 ngày, từ những nhánh cây này sẽ tiếp tục có nhánh mới mọc ra, cho hoa. Lúc này, nông dân tiến hành thụ phấn và chọn để quả. Sản lượng tùy theo tuổi cây, có thể 5, 7 hay 10 kg tùy tuổi cây.
Bên cạnh kéo dài thời gian cho hoa, đậu quả cũng cần chú ý đến công tác chăm sóc, bón phân. Thông thường, mỗi năm, cây na cần bón phân 3 đợt, vào tháng 2, 3 để đón hoa, đón lộc; tháng 6, 7 nuôi cành, quả; tháng 10, 11 bón hồi phục cây, qua đông. Lượng phân tổng hợp cần bón cho cây từ 15 đến 40 kg (tùy theo tuổi cây) thì na rải vụ cần thêm 50% so với na 1 vụ. Ông Vi Văn Tuấn, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Với việc rải vụ sản xuất na, năng suất trung bình đạt 14 tấn/ha, trong đó, na chính vụ là 8 tấn, na rải vụ 6 tấn. Giá bán na trái vụ tương đối ổn định, dao động ở mức 35.000 đồng – 40.000 đồng/kg, cao hơn na chính vụ 5.000 đồng/kg. Thời gian thu hoạch kéo dài, giá thành ổn định nên giúp người trồng na có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/ha.
Ông Mã Văn Lét, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Về chăm sóc na rải vụ có phức tạp hơn na chính vụ song năng suất và thu nhập cao hơn, giá na lại ổn định, nông dân lại giảm được nỗi lo đầu ra. Vì thế, gia đình tôi mạnh dạn rải vụ 300 gốc na và đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Qua 2 năm, thu nhập rất khá, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư.
Trước đây, chỉ có một số hộ áp dụng phương pháp này. Năm 2017, từ các nguồn hỗ trợ của tỉnh và sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, UBND huyện Chi Lăng triển khai mô hình sản xuất na rải vụ với quy mô 20 ha tại thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng. Na rải phù hợp với những khu vực chủ động nước tưới và phân bón, vì vậy, ở những khu vực thích hợp nông dân có thể canh tác theo phương pháp này để tăng thêm thu nhập.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()