Tăng thu từ cửa khẩu phụ
LSO-Theo báo cáo của Cục Hải quan Lạng Sơn, tính đến giữa tháng 5/2014, tại các cửa khẩu phụ, lối mở (Na Hình, Nà Nưa, Co Sâu, Co Sa…), lực lượng hải quan đã làm thủ tục cho 1.551 bộ tờ khai xuất khẩu, tổng kim ngạch đạt 95,9 triệu USD. Số thu thuế xuất nhập khẩu (XNK) tại các cửa khẩu phụ, lối mở cũng đạt khoảng 10% trong tổng số 903,688 tỷ đồng tiền thuế XNK toàn cục đã thu.
Bãi kiểm hóa tại cửa khẩu phụ Nà Nưa được nâng cấp |
Chánh Văn phòng Cục Hải quan Lạng Sơn cho biết: năm nay, ngành hải quan Lạng Sơn được giao chỉ tiêu thu hơn 2.500 tỷ đồng tiền thuế XNK. Các cửa khẩu chính có nguồn thu lớn như Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma… phần lớn đã định hình số thu, nếu có phát sinh tăng thì số thuế tăng thêm cũng không quá lớn, trong khi đó, nhiệm vụ thu thuế XNK mỗi năm lại được trên giao nhiều hơn. Trong tình hình kinh tế toàn cầu như hiện nay, để vượt con số này thì ngoài những giải pháp như đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, kiểm soát chặt chẽ sau thông quan… thì ngành hải quan Lạng Sơn đang thực hiện một số giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác thu tại các cửa khẩu phụ như Na Hình, Nà Nưa, Co Sâu…
Đây chính là hướng đi của tỉnh Lạng Sơn từ năm 2012 đến nay. Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trong những chuyến kiểm tra tình hình tại các cửa khẩu phụ đã từng khẳng định rằng: việc phát triển các cửa khẩu phụ như Na Hình, Nà Nưa, Co Sâu, Co Sa… là nằm trong chủ trương của tỉnh trong việc tăng cường mở thêm điểm thông quan. Hướng đi này không chỉ tạo thêm nguồn thu thuế XNK, mà ý nghĩa lớn hơn của nó chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang thị trường phía Trung Quốc.
Thực tế, trong nhiều năm qua, đối với hàng hóa xuất khẩu, trong đó có doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa nông sản không phải lúc nào cũng thuận lợi vì phía doanh nghiệp đối tác thường xuyên chuyển đổi cửa khẩu nhập hàng. Việc mở thêm cửa khẩu phụ, lối mở sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có thể xuất hàng mà không cần phải di chuyển xa. Điều này cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí do giảm được quãng đường phải di chuyển.
Là tỉnh có đường biên giới dài, những năm trước đây, để tạo điều kiện cho bà con cư dân biên giới giữa hai nước trao đổi hàng hóa, chúng ta đã thành lập một số cặp chợ biên giới như cặp chợ Na Hình, Nà Nưa… Từ những cặp chợ này, sau một thời gian hoạt động, nhận thấy lợi ích thông qua trao đổi hàng hóa, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, khảo sát, đánh giá tiềm năng của từng cặp chợ biên giới để đầu tư, nâng cấp thành lối mở, cửa khẩu phụ. Hiện tại, sau khi nâng cấp, tại những khu vực này đã bố trí đầy đủ các lực lượng như hải quan, bộ đội biên phòng, thuế, kiểm dịch… để hoạt động XNK được thực hiện thuận lợi, đúng quy định.
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa qua địa bàn xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc Ảnh: B.T |
Thực tế diễn ra từ năm 2012 đến nay cho thấy quyết sách này của tỉnh đã và đang đúng hướng. Sau tỉnh Lạng Sơn, một số tỉnh khác như Cao Bằng, Lào Cai cũng đã đi theo hướng này. Tuy nhiên, do hệ thống đường, cơ sở hạ tầng ban đầu hầu như không có gì, mặc dù trong mấy năm qua tỉnh đã chủ động đầu tư xây dựng mới hệ thống hạ tầng như nhà kiểm soát liên hợp, nâng cấp đường giao thông, bãi kiểm hóa…, nhưng hoạt động vận chuyển XNK qua các cửa khẩu phụ vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định. Để đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài về kinh tế – xã hội tại các cửa khẩu phụ, lối mở, thì ngoài nguồn lực của địa phương, các cấp, ngành chức năng cũng cần tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là kêu gọi xã hội hóa trong công tác đầu tư vào các cửa khẩu phụ. Qua đó sẽ thu hút thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động XNK qua của khẩu phụ.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()