Tăng thu nhập từ nghề truyền thống
(LSO) – Với sự cần cù, khéo léo, nhiều năm qua, người dân thôn Túng Mẩn, xã Vân An, huyện Chi Lăng đã “thổi hồn” vào cây trúc, cây tre để tạo ra những chiếc lồng chim. Nghề làm lồng chim thủ công đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Những ngày đầu tháng 7/2020, chúng tôi có dịp tới thăm gia đình anh Lăng Văn Bế, thôn Túng Mẩn, mặc dù đang ngày mùa nhưng anh vẫn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm lồng chim. Anh Bế chia sẻ: “Tôi làm nghề đan lồng chim đã được 10 năm, ban đầu học hỏi cách làm từ những người đi trước, dần dần khi biết làm tôi lại càng thấy đam mê với nghề. Tôi thường làm những chiếc lồng đẹp, đòi hỏi kỹ thuật cao nên trung bình mỗi tháng chỉ làm được 2 đến 3 chiếc, giá bán giao động từ 3 đến 4 triệu đồng/chiếc, có những lồng khách đặt hàng làm khó hơn có thể được từ 5 đến 6 triệu đồng/chiếc, nhờ đó đem lại cho tôi thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/tháng”.
Người dân xã Vân An hoàn thiện sản phẩm
Thôn Túng Mẩn là thôn duy nhất của xã còn duy trì nghề đan lồng chim cho đến ngày nay. Ông Lương Văn Dũng, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Túng Mẩn cho biết: Hiện nay, trong thôn có hơn 20 hộ làm nghề đan lồng chim thủ công. Các hộ chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của khách hoặc mang ra chợ bán nên làm quanh năm. Với chất lượng được khẳng định qua từng sản phẩm nên nhiều khách hàng đã tìm đến tận nơi mua, từ nghề làm lồng chim, nhiều hộ đã có thêm thu nhập trung bình từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng.
Tìm hiểu được biết, nghề đan lồng chim đã có ở xã từ năm 1989. Tuy nhiên, trước đây, người dân làm lồng chim chỉ để thoả mãn thú vui tao nhã chứ chưa cung cấp ra thị trường. Khoảng 10 năm trở lại đây, các hộ mới bắt đầu làm nhiều để bán. Ông Lăng Văn Đào, thôn Túng Mẩn, người đã có kinh nghiệm làm lồng chim hơn 20 năm cho biết: Vì chỉ tranh thủ làm những lúc nông nhàn nên trung bình mỗi tháng, tôi đan được 5 chiếc, với giá bán hơn 1 triệu đồng/chiếc. Từ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập.
Theo những người làm lồng chim ở xã, nguyên liệu để làm lồng chim chủ yếu là cây trúc. Để có được những chiếc lồng đẹp, bền, người dân phải lên tỉnh Cao Bằng để trực tiếp chọn những cây trúc già và thẳng. Làm một chiếc lồng chim phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Theo đó, người dân mua cây về chẻ ra, uốn tròn và luộc khoảng 30 phút, sau đó phơi khô. Công đoạn tiếp theo là vót nan, làm các chi tiết như: vanh, đáy, cửa, cầu. Khi đan, phải thật khéo léo để những chiếc nan được uốn đều, đẹp, cân đối.
Để làm được một chiếc lồng chim phải mất rất nhiều thời gian, nếu làm liên tục thì một người phải mất khoảng 5 ngày. Vì chỉ tranh thủ làm những lúc rảnh rỗi nên mỗi tháng người dân làm được khoảng 5 cái. Với nhiều mức giá khác nhau, từ khoảng 600 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/chiếc; những chiếc lồng đẹp được làm công phu, tỉ mẩn có giá từ 3 đến 4 triệu đồng/chiếc. Hiện nay, người dân đã dùng máy khoan, máy bào, máy tuốt nan hỗ trợ nên thời gian để làm chiếc lồng chim đã rút ngắn hơn nhiều.
Bà Đàng Thị Luyên, Phó Chủ tịch UBND xã Vân An cho biết: Nghề làm lồng chim đã được nhân dân thôn Túng Mẩn phát triển từ lâu, góp phần đem lại thu nhập tương đối ổn định cho bà con. Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định. Do vậy thời gian tới, UBND xã có một số định hướng để giữ vững nghề nhằm nâng cao thu nhập, ổn định kinh tế cho bà con. Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã liên hệ với các cơ quan chuyên môn để từng bước tạo dựng thương hiệu; quảng bá sản phẩm cho bà con để nhiều người, nhiều nơi biết đến, tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Qua đó, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của nghề truyền thống, giúp người dân có thu nhập cao hơn nữa.
Ý kiến ()