Tăng thị phần xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Năm 2023, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 23% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2024, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiềm năng và còn nhiều cơ hội rộng mở cho nông sản Việt tăng thị phần và giá trị xuất khẩu.
Vải thiều là một trong những trái cây được xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Quốc. (Ảnh Hà An) |
Đến nay, Việt Nam có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Nỗ lực đáp ứng yêu cầu chất lượng
Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết: Sau hai năm triển khai Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam đã quan tâm đến việc đăng ký xuất khẩu nông sản thực phẩm sang Trung Quốc.
Đến nay, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt 3.013 mã sản phẩm nông sản thực phẩm cho khoảng gần 3.000 doanh nghiệp của Việt Nam được phép nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc. Nhóm ngành hàng được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là sản phẩm thủy sản và sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã sử dụng tốt phần mềm đăng ký online của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và tận dụng được các ưu điểm về khai báo thông tin mặt hàng của hệ thống quản lý doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình thực thi Lệnh 248, 249 của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, Văn phòng SPS Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là kịp thời tháo gỡ vấn đề hàng đã tới cảng của Trung Quốc nhưng còn vướng mắc về thủ tục liên quan đến các quy định nêu trên.
Mới đây, để kịp thời xử lý phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến khách hàng, Trung Quốc yêu cầu phải có “Giấy chứng nhận đăng ký của Tổng cục Hải quan Trung Quốc-Certificate of GACC Registration” và nộp lệ phí đăng ký mã số, Văn phòng SPS Việt Nam đã chủ động trao đổi với phía Trung Quốc và thông báo kịp thời đến các cơ quan thẩm quyền, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông về việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc không cấp giấy chứng nhận mã số doanh nghiệp và không thu phí doanh nghiệp liên quan đến đăng ký mã số như phản ánh. Điều này giúp cho doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt thông tin và tránh những thiệt hại có thể xảy ra.
Những nỗ lực này đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, nhất là trái cây, trong đó trái sầu riêng đạt kim ngạch tới hơn 2 tỷ USD trong năm 2023. Tính chung về rau quả, Trung Quốc hiện chiếm gần 54% tổng giá trị xuất khẩu rau quả Việt Nam.
Cùng đó, từ cuối năm 2023, lô sản phẩm tổ yến đầu tiên của Việt Nam đã được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo Nghị định thư ký giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Đây là một trong những cột mốc đặc biệt của ngành yến Việt Nam khi sản phẩm tổ yến có mặt tại Trung Quốc và sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng hơn 300 tấn/năm của thị trường tỷ dân này.
Đẩy mạnh công tác mở cửa thị trường
Hiện tại các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với sáu sản phẩm là trái cây có múi (bưởi, cam, quýt…), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu và thủy sản đánh bắt tự nhiên, đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chắc chắn sẽ đem về cho nông nghiệp Việt Nam giá trị kim ngạch cao hơn nữa.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, sản phẩm sầu riêng đông lạnh đang được đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây là sản phẩm chế biến, áp dụng công nghệ cao, có thể tận dụng nguồn nguyên liệu còn lại sau khi xuất khẩu sầu riêng tươi để đưa vào chế biến, gia tăng giá trị. Khi sản phẩm này được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc thì sẽ là “bước nhảy” quan trọng cho toàn ngành hàng vì một container sầu riêng đông lạnh có giá trị hơn rất nhiều lần so với sầu riêng tươi. Mặt khác, sầu riêng đông lạnh cũng bảo quản được lâu hơn và tránh nhiều rủi ro liên quan đến vấn đề kiểm dịch thực vật.
Không chỉ rau quả, thủy sản, nhiều ngành hàng nông sản cũng đang đứng trước cơ hội tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc, cụ thể như ngành cà-phê. Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho thấy, xu hướng tiêu thụ đồ uống tại Trung Quốc có sự chuyển dịch từ trà sang cà-phê trong những năm gần đây. Mặc dù mức tiêu thụ bình quân đầu người vẫn còn thấp, nhưng doanh số bán cà-phê trên thị trường Trung Quốc đã tăng. Thời gian tới, cà-phê có khả năng trở thành một trong những loại đồ uống được yêu thích của Trung Quốc.
Do đó, Trung Quốc được coi là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu cà-phê, còn nhiều dư địa để khai thác trong các năm tới. Theo ông Nguyễn Nam Hải- Chủ tịch Hiệp hội Cà-phê-Ca-cao Việt Nam, hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cà-phê lớn thứ 10 của Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu cà-phê chế biến sâu, như: cà-phê hòa tan, cà-phê rang xay, cà-phê 3 trong 1, do đó các doanh nghiệp trong nước nên đầu tư phát triển các dòng hàng này để chiếm lĩnh thị trường.
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()