Tăng sức hút du lịch Tây Yên Tử
Du khách đến với Tây Yên Tử. Ảnh: Đại La |
Tiềm năng lớn
Tây Yên Tử là vùng đất linh thiêng, cảnh quan đẹp và nằm trên cánh cung Đông Triều ôm gọn vùng Đông Bắc Việt Nam, sườn Đông thuộc tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương, sườn Tây thuộc các huyện Sơn Động, Lục Nam, Lục Ngạn, Yên Dũng của Bắc Giang.
Đây được xác định là một trong những trung tâm du lịch của miền Bắc Việt Nam với nhiều loại hình du lịch như văn hóa, tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng… Những thắng cảnh thiên nhiên tiêu biểu như: Thác Giót, thác Ba Tia, suối Nước Trong, suối Nước Vàng, Đồng Thông, Vũng Tròn, Đồng Cao… Bên cạnh đó, rừng Tây Yên Tử có nhiều di tích cổ tự linh thiêng, mang đậm màu sắc Phật giáo Trúc Lâm là: Chùa Am Vãi, khu di tích Hòn Tháp- đỉnh Yên Mã…
Sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Yên Tử là hành hương qua các di tích, danh lam đền, chùa nằm trải dài các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, đồng thời khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, sự đa dạng của sinh học và phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc như khôi phục, duy trì, phát triển nghề làm giấy gió, thêu thùa, đan xung, dệt vải, nấu đường, làm kẹo, các loại bánh: Chưng, dày, vắt vai… để phục vụ du lịch, tăng thu nhập cho đồng bào. |
Mặc dù có những lợi thế như vậy nhưng do chưa được đầu tư đúng mức nên nhiều điểm du lịch chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Ông Dương Văn Hà, Giám đốc Công ty Du lịch Tân Á Đông (Bắc Giang) kể: Cách đây không lâu, Công ty nhận được đơn hàng của khách tại TP Bắc Giang đến Đồng Cao – Khe Rỗ (Sơn Động) số lượng 100 khách với yêu cầu nghỉ một đêm tại đây nhưng khi khảo sát, dịch vụ ăn nghỉ, vệ sinh chưa tốt nên khách đành phải chuyển hướng đến một điểm du lịch thuộc tỉnh khác.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch Hoàng Long (Chi nhánh Bắc Giang), du lịch Bắc Giang còn khá non trẻ, các công ty chưa mở tour thường xuyên đến các điểm của tỉnh, nếu có thì sản phẩm chưa hoàn thiện, chất lượng dịch vụ chưa cao. Tại các điểm đến hầu hết không có hướng dẫn viên đạt yêu cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh có nhiều sản vật, ẩm thực phong phú nhưng chưa biết tận dụng lợi thế đó cho du lịch, đơn cử như mật ong rừng Sơn Động có chất lượng tốt hơn nhiều so với một số tỉnh, TP khác nhưng ít người biết đến và du khách đến đây cũng không dễ để có ngay sản phẩm này.
Cần có sản phẩm đặc trưng
Theo các chuyên gia du lịch, trung bình phải mất từ 5 đến 10 năm để xây dựng một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Bắc Giang có nhiều tiềm năng song hiện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc thù. Năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch “Xây dựng vùng bảo tồn tổng thể hệ thống di tích, danh thắng Tây Yên Tử”. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu xây dựng thành công từ 1 đến 2 sản phẩm du lịch để chào bán với du khách, trong đó có sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh – sinh thái vùng Tây Yên Tử.
Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII xác định nhiệm vụ trong giai đoạn tới là quan tâm đào tạo nguồn nhân lực phát triển du lịch. Phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng và tâm linh… Hiện nay, Bắc Giang đang cùng Quảng Ninh xây dựng hồ sơ đề cử quần thể di tích, danh thắng Yên Tử là di sản văn hóa thế giới. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh, sinh thái. Tuy nhiên, để khai thác, phát triển bền vững cần hạn chế tối đa tác động của du lịch tới cảnh quan, môi trường sinh thái.
Theo đại diện Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam), có thể xác định sản phẩm du lịch đặc thù của Tây Yên Tử là hành hương qua các di tích, danh lam đền, chùa nằm trải dài các huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, đồng thời khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, sự đa dạng của sinh học và phong tục, tập quán, văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc như khôi phục, duy trì, phát triển nghề làm giấy gió, thêu thùa, đan xung, dệt vải, nấu đường, làm kẹo… để phục vụ du lịch, tăng thu nhập cho đồng bào.
Du khách nước ngoài đến với Tây Yên Tử. Ảnh: Hà Mi |
Cùng đó, Bắc Giang cũng cần tiến tới xây dựng thương hiệu riêng để đánh thức sự nhận biết của du khách về những bản sắc riêng cho du lịch của tỉnh. Trước mắt, thị trường nội địa vẫn là tiềm năng, khả thi và hiệu quả nhất đối với sản phẩm du lịch tâm linh – sinh thái Tây Yên Tử. Còn thị trường quốc tế, cần từng bước xúc tiến nhằm giới thiệu, cung cấp thông tin, thu hút khách có nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tham quan ngắm cảnh, du lịch nông thôn, mạo hiểm, ẩm thực…
Cũng tại hội thảo, vấn đề được các đại biểu thảo luận là làm sao để Bắc Giang xây dựng thành công sản phẩm du lịch đặc trưng, tránh trùng lặp tỉnh khác, nhất là với Đông Yên Tử của Quảng Ninh. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng: Dựa vào những tài nguyên và chính sách thích hợp, Bắc Giang hoàn toàn có khả năng tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù.
Bên cạnh những vấn đề trên, trên cơ sở kinh nghiệm của các tỉnh, TP đã có du lịch văn hóa tâm linh – sinh thái phát triển, ông Hà Văn Siêu đề xuất tỉnh cần nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc, trong đó chú ý xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng mới và có tính khác biệt để nâng cao năng lực cạnh tranh, tính hấp dẫn.
Đặc biệt, cần hình thành những điểm đến thân thiện, văn minh, hiếu khách, tăng cường tổ chức sự kiện quy mô lớn tạo điểm nhấn thu hút sự quan tâm của truyền thông và du khách. Công tác xúc tiến, quảng bá phải làm nổi bật hình ảnh của điểm đến Tây Yên Tử.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch):
Có thông điệp định vị rõ ràng
Bắc Giang cần nghiên cứu, xem xét định vị Tây Yên Tử là điểm đến tâm linh – sinh thái, du lịch cuối tuần của người dân thủ đô và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Từ đó phát triển các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, tạo trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Xây dựng thương hiệu với thông điệp định vị rõ ràng hay hình ảnh tích cực sẽ giúp Bắc Giang chiếm vị trí trong tâm trí khách du lịch khi quyết định tham quan, mua sản phẩm hay đầu tư vào đây. Vùng Tây Yên Tử chưa được khai thác là cơ hội tốt để tỉnh phát triển du lịch nhưng cách làm phải thận trọng, tránh “vết xe đổ” của địa phương khác.
Ông Hồ Trí Đức, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Ninh:
Thành lập một ban quản lý chung
Chúng ta có tiềm năng để cùng phát triển du lịch Yên Tử, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch khu vực Đông – Tây Yên Tử. Tôi đề nghị tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương quan tâm chỉ đạo, tiến hành các thủ tục để di tích, danh thắng Yên Tử sớm trở thành di sản thế giới; nghiên cứu xây dựng mô hình thành lập chung một ban quản lý quần thể di tích, danh thắng Yên Tử, đồng thời xúc tiến nghiên cứu chính sách và cơ chế chung nhằm thu hút đầu tư phát triển giao thông, tạo hệ thống giao thông thông suốt giữa các điểm du lịch trong quần thể di tích, danh thắng Yên Tử.
Ông Phạm Minh Đạo, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Lạng Sơn:
Xây dựng hai tour đặc trưng vùng
Bắc Giang nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công có thể kết hợp với những điểm du lịch tại Lạng Sơn (khu du lịch Mẫu Sơn, di tích Nhị – Tam Thanh – thành Nhà Mạc, đền Mẫu Đồng Đăng) và Quảng Ninh (chùa Cái Bầu, Yên Tử, đền Cửa Ông), tạo thành tour: Làng nghề- sinh thái – tâm linh. Hệ thống đền chùa, các di tích lịch sử ở ba tỉnh khá nhiều, phản ánh đậm nét sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng, lịch sử.
Ngoài ra có thể gắn kết thành tour: Tâm linh – tín ngưỡng – lịch sử. Tôi đề xuất ba tỉnh phối hợp xây dựng hai tour này dựa vào thế mạnh từng địa phương, mang đặc trưng văn hóa vùng và truyền thống địa phương.
Ý kiến ()