Tăng quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Ðiện tử (Trường đại học Công nghiệp Hà Nội).
Tự chủ trong giáo dục đại học (GDÐH) là xu thế tất yếu nhằm phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, ở nước ta hiện nay, các cơ sở GDÐH còn loay hoay thực hiện tự chủ do vướng mắc từ nhiều phía. Vì vậy, cần có những tháo gỡ từ cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và tăng trách nhiệm giải trình xã hội của các trường trong tự chủ đại học.
Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), tính đến hết năm học 2017 – 2018, cả nước có 236 trường đại học, học viện. Trên cơ sở các quy định, Bộ GD và ÐT đã triển khai giảm bớt các thủ tục hành chính, giúp các cơ sở GDÐH chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, từng bước chủ động đổi mới công tác quản trị, quản lý nhà trường để hoạt động ngày càng hiệu quả. Các trường đã chủ động trong việc quyết định hướng nghiên cứu và tham gia các nhiệm vụ khoa học công nghệ; thay đổi nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy tiên tiến, tiếp cận với chuẩn đào tạo và chương trình đào tạo quốc tế. Ðáng chú ý, hoạt động tự chủ đã tạo cơ hội để các trường sử dụng nguồn thu hiệu quả hơn trong cung cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, thư viện ngày càng hiện đại; giáo trình, tài liệu học tập được cập nhật theo chuẩn quốc tế. Ðồng thời, với cơ chế tự chủ, các trường có cơ hội kêu gọi tài trợ học bổng từ các tập đoàn kinh tế để hợp tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Theo GS, TS Trần Thọ Ðạt, Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân, một trong những cơ sở GDÐH thí điểm tự chủ: Từ năm 2008, Trường đại học Kinh tế quốc dân thực hiện tự chủ kinh phí chi thường xuyên. Qua mười năm triển khai cho thấy mô hình tự chủ khá thành công, đem lại giai đoạn phát triển mới khi trường đã tinh gọn bộ máy; chủ động trong mở ngành phù hợp; chủ động trong công tác tuyển sinh…
Tuy nhiên, thực tế trong tự chủ, vấn đề trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo chưa cao. Việc giao quyền tự chủ đối với cơ sở GDÐH mới chỉ thực hiện thí điểm, tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính. Một số cơ sở GDÐH chưa đủ năng lực và thiếu sự sẵn sàng cho nên lúng túng trong thực hiện; một số cơ sở còn dựa vào lợi thế ngành để chú trọng tăng học phí và tăng chỉ tiêu tuyển sinh, chưa chú trọng đúng mức đến nâng cao chất lượng đào tạo. Ðáng chú ý, trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ cao theo Nghị quyết 77/NQ-CP, vẫn còn 4 trong số 23 cơ sở GDÐH chưa thành lập hội đồng trường theo quy định. Trong khi đó, về tài chính, mặc dù được quyền quyết định đầu tư các dự án bằng nguồn thu hợp pháp nhưng các trường vẫn phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước như các trường bình thường; việc phê duyệt chủ trương và các thủ tục đầu tư vẫn phải trình đơn vị chủ quản dẫn đến việc tự chủ chưa thật sự theo đúng ý nghĩa. Trong thí điểm tự chủ, tinh thần chủ đạo là tăng cường vai trò của hội đồng trường và giảm mạnh sự can thiệp của bộ chủ quản nhưng thực tế ở một số cơ sở đào tạo, cơ quan chủ quản vẫn can thiệp sâu vào hoạt động của nhà trường.
GS, TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng GD và ÐT cho rằng tự chủ đại học là một chủ trương quan trọng để tăng cường động lực và nguồn lực cho GDÐH. Vì vậy, ngay trong các quy định của pháp luật, cần nêu rõ việc tự chủ đại học là giúp cơ sở GDÐH phát huy được vai trò tự quyết của mình, nhưng đồng thời phải chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội, người học và các bên liên quan. GS, TS Nguyễn Duy Hoan (Khoa Quốc tế, Ðại học Thái Nguyên) nhìn nhận, vấn đề tự chủ đại học đã được nêu ra cách đây hàng chục năm, cũng đã tốn không biết bao nhiêu thời gian, tiền bạc cho các cuộc hội thảo, hội nghị nhưng kết quả vẫn phải tiếp tục chờ đợi. Vì vậy, để tự chủ trong GDÐH cần thay đổi cách quản lý điều hành của Nhà nước, giảm dần các chính sách áp đặt của bộ chủ quản và các bộ liên quan đối với các cơ sở GDÐH. Cần mạnh dạn bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các trường đại học. Trong khi bản thân các trường cần thay đổi tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước; bảo đảm có sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh đối với các trường đại học công lập, dân lập, tư thục, đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng, để tăng cường tự chủ trong GDÐH, thời gian tới cần kết hợp tăng cường tự chủ với đổi mới quản trị đại học và nâng cao trách nhiệm giải trình, để các trường phát huy được tính chủ động, sáng tạo trong hoạt động, hội nhập quốc tế. Xây dựng cơ chế chính sách, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở GDÐH theo tiêu chuẩn chất lượng, ban hành các quy chuẩn chất lượng để các trường thực hiện. Bộ GD và ÐT cho biết, để tăng cường tự chủ trong các cơ sở GDÐH, thời gian tới, bộ sẽ quy định cơ chế công khai điều kiện bảo đảm chất lượng và trách nhiệm giải trình của trường tự chủ. Phân loại và công khai nhóm trường theo mức độ kết quả kiểm định đạt được; tăng cường minh bạch thông tin về điều kiện bảo đảm chất lượng và chất lượng GDÐH để xã hội và người học giám sát, tạo áp lực để các trường nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Việc cấp kinh phí nhà nước thực hiện theo cơ chế thông qua đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học; tất cả các trường trong hệ thống GDÐH bình đẳng về điều kiện và cơ hội tiếp cận các nguồn lực. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở GDÐH được giao quyền tự chủ trong việc thực hiện các nội dung tự chủ, quy chế dân chủ và công khai, minh bạch thông tin. Thí điểm thực hiện cơ chế không có cơ quan chủ quản đối với một số cơ sở GDÐH nhằm tăng tính tự chủ, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
đất nước.
Ý kiến ()