Tăng phối hợp đa ngành để kiểm soát buôn lậu động vật hoang dã xuyên biên giới
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan thực thi pháp luật giữa các địa phương và các quốc gia để kiểm soát tình trạng tuồn lậu động vật hoang dã vào Việt Nam.
Các con đường vận chuyển động vật hoang dã trái phép từ bên kia biên giới Lào vào Việt Nam. (Ảnh: PV/VIetnam )
Liên quan đến loạt bài phóng sự điều tra “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh” vừa được Báo Điện tử VietnamPlus đăng tải, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan loạt bài phản ánh, cần khẩn trương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật liên quan (như công an, kiểm lâm, quản lý thị trường, bộ đội biên phòng, hải quan) phối hợp điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thông tin tới phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, ông Trần Trọng Anh Tuấn – Trưởng phòng Bảo tồn loài, quản lý nguồn gen và an toàn sinh học (Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học) cho hay việc buôn bán động vật hoang dã từ Lào về Việt Nam như phản ánh của Báo Điện tử VietnamPlus là rất phức tạp và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác bảo tồn đa dạng sinh học của 2 nước.
Theo pháp luật của Việt Nam và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) mà Việt Nam là thành viên, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã nguy cấp là hành vi vi phạm.
“Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan thực thi pháp luật giữa các quốc gia để kiểm soát tình trạng này,” ông Tuấn nói.
Đề cập đến giải pháp cụ thể, ông Tuấn cho hay theo Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, trước mắt, ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị cần khẩn trương chỉ đạo cơ quan thực thi pháp luật liên quan tăng cường hợp tác cùng lực lượng chức năng của Lào để triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn và truy quét, triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động 2 vật hoang dã liên biên giới.
Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật liên quan tại các địa phương nêu trên cần đẩy mạnh việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các cơ sở kinh doanh, tụ điểm buôn bán các loài động vật hoang dã và các sản phẩm liên quan.
“Ngoài ra, ủy ban nhân dân các tỉnh cần tăng cường chỉ đạo công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về các quy định pháp luật, công khai thông tin các vụ vi phạm nhằm tăng tính răn đe, phòng ngừa tội phạm và khuyến khích người dân thông báo các hành vi có dấu hiệu vi phạm tới các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Loạt bài “Tuồn lậu thú rừng vào Việt Nam: Tận diệt thiên nhiên, tăng mầm dịch bệnh.” (Nguồn: Vietnam )
Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng lưu ý trong thời gian qua, cơ quan này đã tham mưu ban hành các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành các chỉ thị như Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã; Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.
“Có thể nói, hệ thống pháp luật hiện nay đã đầy đủ để xử lý những trường hợp như Báo Điện tử VietnamPlus phản ánh. Tuy nhiên vấn đề chính là phải tuân thủ các quy định pháp luật,” ông Tuấn nêu quan điểm.
Bài 5: Lực lượng chức năng, người dùng “song kiếm hợp bích” vì Tương lai Xanh. (Nguồn ảnh: Vietnam )
Trước thực tế trên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan tăng cường triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg và Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; kịp thời điều tra, xác minh thông tin và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ động vật hoang dã.
Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật liên quan tại các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức để thấy được vai trò, trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo vệ các loài động vật hoang dã.
“Thông qua phản ánh trên, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phối với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thực thi pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã,” ông Tuấn nhấn mạnh.
Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/tang-phoi-hop-da-nganh-de-kiem-soat-buon-lau-dong-vat-hoang-da-xuyen-bien-gioi-post908693.vnp
Ý kiến ()