Tăng ở tuyến tỉnh và tuyến huyện
LSO-Năm 2016 đánh dấu sự chuyển động mạnh mẽ của ngành y tế trong lĩnh vực điều trị, biểu hiện rõ nhất là số bệnh nhân đến khám và điều trị tăng ở tuyến tỉnh và tuyến huyện, trong khi đó tuyến xã tăng số lượt khám, nhưng giảm ở số bệnh nhân điều trị nội trú.
Siêu âm màu 4 chiều, thiết bị hiện đại được sử dụng tại Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn |
Tác động thông tuyến
Tổng số lần khám bệnh năm 2016 của toàn tỉnh là 1.366.793 ca, bình quân mỗi người dân Lạng Sơn đến khám 1,8 lần trong năm; tăng 81.857 ca so với năm 2015 (tỷ lệ tăng 6%). Trong đó, tuyến tỉnh tăng 5,43%, tuyến huyện tăng 10,6% và tuyến xã tăng 2,8%. Số bệnh nhân điều trị nội trú tăng 8,4% so với năm 2015; trong đó tuyến tỉnh tăng 4,9%, tuyến huyện tăng 11,1%, trong khi đó tuyến xã giảm gần 7% so với năm trước.
Nguyên nhân tăng số lượt người đến khám là do đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã nâng cao nhận thức và tin tưởng vào y tế cơ sở. Về công tác điều trị nội trú, do năng lực của tuyến y tế cơ sở đã được nâng lên nên số bệnh nhân điều trị tại tuyến huyện tăng cao. Điển hình như huyện Hữu Lũng, số bệnh nhân điều trị tại tuyến xã chỉ đạt 49% kế hoạch và giảm 10% so với năm 2015, trong khi tuyến huyện đã vượt 16% kế hoạch và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Bác sĩ Lăng Văn Định, Giám đốc Trung tâm Y tế Hữu Lũng cho biết: Khi đưa khoa Methadone và 2 khoa điều trị mới vào hoạt động, sức “cạnh tranh” của trung tâm đã mạnh hơn. Mặt khác, tác động của thông tuyến đã khiến người dân “bỏ qua” tuyến xã và đến thẳng trung tâm để được khám và điều trị. Không chỉ ở Hữu Lũng mà số bệnh nhân điều trị nội trú tại xã của các huyện giảm sâu như: Lộc Bình giảm 17,4%, Tràng Định giảm 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy vậy, vẫn có huyện duy trì được số lượng bệnh nhân điều trị nội trú tại tuyến xã. Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Năm 2016, số bệnh nhân điều trị nội trú tại trạm y tế xã tăng 2,2% và tuyến huyện tăng 7,6% là do đã có tới 8/20 trạm y tế xã đã được nâng cấp và trang bị kỹ thuật đạt chuẩn quốc gia về y tế xã, trong đó có nhiều xã vùng khó khăn như: Trấn Yên, Nhất Hòa, Tân Hương…
Tỷ lệ chuyển tuyến vẫn cao
Nếu năm 2015, Trung tâm Y tế huyện Bình Gia có trên 700 ca chuyển tuyến, thì năm 2016 có đến 924 ca chuyển lên tuyến trên, tăng trên 22%. Lý giải về vấn đề này, bác sĩ Hoàng Duy Thiện, Giám đốc Trung tâm Y tế Bình Gia cho biết: Với việc tăng thêm 3 kỹ thuật mới như: điện não đồ, phẫu thuật vít xốp đầu xương và đốt lộ tuyến cổ tử cung bằng cote điện và một số kỹ thuật khác, nên số bệnh nhân điều trị nội trú năm 2016 ở trung tâm đã đạt kỷ lục là 10.401 bệnh nhân, bằng 121% kế hoạch và tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2015; song số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên cũng đã tăng mạnh. Nguyên nhân phải chuyển là những ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn như: mổ nội soi, mắt, tâm thần…
Là bệnh viện hạng 1, tuyến cuối của tỉnh, năm 2016, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lạng Sơn đã có sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng khám bệnh và điều trị, trong đó đã triển khai các kỹ thuật mới tại các chuyên khoa sâu như: can thiệp tim mạch, siêu âm 4 chiều; phát triển nâng cao điều trị phẫu thuật nội soi sản khoa, ngoại khoa, tai-mũi-họng, phẫu thuật thoát vị đĩa đệm, thay khớp háng, lọc máu nhân tạo…, song vẫn có tới 6.186 ca phải chuyển tuyến trung ương. Phần lớn chuyển viện là những ca nặng như: ung thư, tim mạch, nội tiết, đa chấn thương… Theo đánh giá của bệnh viện thì trong số ca chuyển tuyến vẫn còn có trường hợp chưa đúng chỉ định chuyên môn, chưa vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện.
Chuyển tuyến là chuyện bình thường khi khả năng chuyên môn của cơ sở điều trị chưa đáp ứng. Song, nhiều khi khả năng chuyên môn vẫn đáp ứng được, thì chuyển tuyến sẽ gây nhiều phiền phức và tốn kém không đáng có đối với bệnh nhân và làm cho tuyến trên quá tải. Trong năm 2016, BVĐK Lạng Sơn đã phải chuyển 719 trường hợp bệnh nhân xuống tuyến dưới để điều trị đã chứng tỏ trách nhiệm và việc chẩn đoán của các bệnh viện tuyến dưới còn nhiều vấn đề.
Trong năm 2017, với phương châm đầu tư mạnh mẽ cho tuyến xã về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và nhân lực, hy vọng rằng người dân vẫn tin tưởng ở tuyến xã với các bệnh thông thường không vượt quá khả năng kỹ thuật của y tế cơ sở. Song cần tuyên truyền sâu hơn, rộng hơn để người dân không bỏ qua tuyến xã lên thẳng tuyến huyện, gây nên sự quá tải không cần thiết.
MINH HỒNG
Ý kiến ()