Tăng nguồn lực hỗ trợ sản xuất
LSO - Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, từ nhiều chương trình, Lạng Sơn đã tập trung vào hạ tầng nông thôn và quan điểm chỉ đạo trong thời điểm này là sẽ tăng phần hỗ trợ sản xuất để tạo nguồn lực cho nhân dân, từ đó tiếp tục cùng với nhà nước đầu tư trở lại hạ tầng.
LSO – Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, từ nhiều chương trình, Lạng Sơn đã tập trung vào hạ tầng nông thôn và quan điểm chỉ đạo trong thời điểm này là sẽ tăng phần hỗ trợ sản xuất để tạo nguồn lực cho nhân dân, từ đó tiếp tục cùng với nhà nước đầu tư trở lại hạ tầng.
Chăn nuôi lợn rừng theo mô hình trang trại tại xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng
Trong năm 2011, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng được phân bổ 200 triệu đồng cho phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Số tiền không nhiều, nên Ban quản lý xã đã phải cân nhắc rất thận trọng, tổ chức họp quân, dân, chính, đồng thời tìm hiểu nguyện vọng của người dân, từ đó đưa ra các phương án được coi là khả thi và hiệu quả nhất và quyết định sẽ hỗ trợ lợn nái để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Số tiền vừa đủ để mua 30 lợn nái, xã hỗ trợ cho 30 hộ trên địa bàn, đối tượng ưu tiên là hộ nghèo và các gia đình bị ảnh hưởng do dịch bệnh chưa có khả năng tái đàn. Việc hỗ trợ được thực hiện theo hình thức quay vòng, lợn nái sinh sản đến lứa thứ 2 thì chuyển cho gia đình khác. Cách làm này đã phát huy tối đa hiệu quả, vừa tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển sản xuất, vừa đảm bảo duy trì nguồn lực đầu tư ban đầu.
Kiên trì theo hướng đi này, số vốn phân bổ hỗ trợ sản xuất hàng năm, Chi Lăng đều dồn vào chăn nuôi lợn nái. Ông Hoàng Văn Khai, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng cho biết: đến nay, đàn lợn từ nguồn vốn hỗ trợ đã lên đến vài trăm con, bước đầu hình thành vùng cung cấp lợn giống, mở ra hướng đi mới trên địa bàn. Trong khi đó, thực chất nguồn vốn hỗ trợ ban đầu vẫn không mất đi mà tiếp tục được duy trì dưới sự quản lý của Ban quản lý xã. Nếu gia đình nào không muốn luân chuyển thì thực hiện mua lại, Ban quản lý xã sẽ dùng số tiền đó để hỗ trợ, đầu tư cho những gia đình khác. Cũng như Chi Lăng, trong 3 năm qua xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia dồn toàn bộ nguồn hỗ trợ sản xuất vào phát triển chăn nuôi lợn nái trên địa bàn, hiệu quả là rất tốt. Ông Hoàng Đăng Phù, Chủ tịch UBND xã Tô Hiệu cho biết: thực chất mô hình chăn nuôi lợn nái trên địa bàn đã có từ trước. Chính vì vậy xã xác định nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình xây dựng nông thôn mới không phải là để tạo mô hình nữa mà phải là để nhân rộng mô hình. Thực tế đến thời điểm này, những hộ gia đình có thu nhập từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất đều đồng thuận, hưởng ứng mạnh mẽ phong trào củng cố hạ tầng nông thôn trên địa bàn. Tuy nhiên, Chi Lăng và Tô Hiệu chỉ là số ít các địa phương triển khai thực hiện tốt nội dung hỗ trợ sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. Trong các cuộc kiểm tra của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh mới đây, rất nhiều địa phương lúng túng khi được hỏi hướng phát triển sản xuất theo đề án và quy hoạch đã lập. Khi được phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, một số địa phương chỉ tính làm sao để giải ngân cho hết mà chưa thực sự tính đến hiệu quả. Đồng chí Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu thực trạng: với cách nghĩ, cách làm như vậy nên nguồn vốn hỗ trợ sản xuất hầu như không duy trì được, có nơi mua giống cây trồng hỗ trợ thì để mốc không sử dụng được, có địa phương lại dùng số tiền ít ỏi này để bắt đầu xây dựng mô hình…
Chủ trương chỉ đạo trung là trong thời gian tới sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho hỗ trợ sản xuất, từng bước hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó tạo nguồn lực đầu tư trở lại hạ tầng nông thôn. Là một tỉnh nghèo, mỗi đồng vốn hỗ trợ là nỗ lực chắt chiu của cả tỉnh, chính vì vậy các địa phương phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng, bám sát vào đề án, quy hoạch và điều kiện thực tiễn để sử dụng nguồn hỗ trợ này thật hiệu quả, đạt mục tiêu mong muốn là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhà nông, tạo động lực xây dựng nông thôn mới.
Bài, ảnh: Vũ Như Phong
Ý kiến ()