Tăng năng lực cạnh tranh, phát huy thương hiệu Dệt 8 - 3
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Dệt 8-3 vận hành dây chuyền sản xuất sợi.
Kể từ năm 2010, thực hiện chủ trương di dời của Chính phủ, Công ty Dệt 8-3 bắt đầu triển khai di dời nhà máy ra khỏi TP Hà Nội, về tỉnh Hưng Yên và huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội). Năm 2014, trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu thị trường, với mục tiêu tạo ra sản phẩm có tính chất khác biệt, phù hợp nguồn lực, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, công ty đã trình và được Bộ Công thương phê duyệt điều chỉnh Chương trình di dời và đầu tư tổng thể tại Quyết định số 4386/QÐ-BCT ngày 19-5-2014. Tháng 12-2014, Nhà máy Sợi 1 quy mô 20 nghìn cọc sợi tại thị trấn Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được chính thức khởi công xây dựng. Ðầu năm 2016, nhà máy được khánh thành, đi vào hoạt động và Công ty Dệt 8-3 chính thức có dòng sợi chi số thấp mà rất ít nhà máy trong nước sản xuất. Với tính khác biệt trong sản phẩm, ngay từ những tháng đầu đi vào sản xuất, nhà máy đã cho hiệu quả khả quan và minh chứng là kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty Dệt 8-3 trong ba năm (2016 – 2018) đã có những bước khởi sắc, bứt phá.
Căn cứ nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài, Nhà máy Sợi 2 (cũng tại Hưng Yên) được khởi công tháng 2-2018 và đưa vào vận hành khai thác tháng 12-2018, cũng với quy mô 20 nghìn cọc sợi, được đầu tư đồng bộ, với công nghệ hiện đại nhất hiện nay: 100% máy móc thiết bị được nhập khẩu từ châu Âu và Ấn Ðộ, phù hợp dòng sợi chi số thấp. Như vậy, trong thời gian từ năm 2014 đến 2018, Công ty Dệt 8-3 đã hình thành hệ thống sản xuất sợi tại tỉnh Hưng Yên với quy mô 40 nghìn cọc sợi, sản lượng 14 nghìn đến 15 nghìn tấn/năm, doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm cho 400 lao động, với thu nhập bình quân hơn 10 triệu đồng/người/tháng.
Việc đầu tư hệ thống sợi – dòng sợi chi số thấp là sản phẩm cốt lõi của Công ty Dệt 8-3, không chỉ xuất khẩu mà hướng tới chuỗi cung ứng nội địa. Sản phẩm sợi của Công ty Dệt 8-3 hiện nay đang là khâu đầu vào quan trọng trong chuỗi sản xuất liên tục sợi – dệt – nhuộm – may để tạo ra các mặt hàng chủ lực: quần kaki, jeans, bảo hộ lao động, khăn… của các đơn vị liên doanh, liên kết trong Vinatex và ngành dệt may như Công ty cổ phần Vinatex quốc tế (VTJ), Công ty cổ phần Quốc tế Phong Phú (PPJ), Công ty cổ phần TCE Vina Denim… Ngoài việc cung cấp sản phẩm sợi chi số thấp cho chuỗi cung ứng, Công ty Dệt 8-3 còn sản xuất sợi khác biệt như sợi slub, sợi co giãn, sợi đa thành phần nguyên liệu và tiếp tục tham gia cùng các đơn vị trong ngành đầu tư phát triển hệ thống dệt – nhuộm – may theo nhiều hình thức để chủ động nguồn nguyên phụ liệu cho may mặc, giảm bớt phụ thuộc nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu. Hiện nay, hệ thống sợi đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Dự kiến, từ nay đến năm 2025, công ty sẽ đầu tư mở rộng thêm từ hai đến ba nhà máy kéo sợi mới, hiện đại, sản xuất đa dạng mặt hàng, đa dạng thành phần nguyên liệu với dòng sợi chi số thấp để nâng quy mô ngành sợi của công ty lên hơn 100 nghìn cọc sợi đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu thị trường trong hệ thống chuỗi sản phẩm của Vinatex và cung cấp cho thị trường trong nước để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về quy tắc xuất xứ “Từ sợi trở đi” trong mặt hàng dệt may khi Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ tháng 1-2019.
Năm 2020, Công ty Dệt 8-3 phấn đấu đạt mục tiêu: doanh thu 800 tỷ đồng, lợi nhuận 12,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,6 tỷ đồng, sản lượng 14.500 tấn/năm, thu nhập: 11,5 triệu đồng/người/tháng. Ðể nâng cao năng lực cạnh tranh, Công ty Dệt 8-3 xác định cần tiếp tục đẩy mạnh đầu tư trong lĩnh vực sợi, tăng cường liên kết với các chuỗi cung ứng liên tục cả về dệt thoi và dệt kim, đổi mới công tác quản trị điều hành, áp dụng công nghệ 4.0, dành nguồn lực cho công tác xúc tiến phát triển thị trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao,… hướng tới trở thành đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng đầu về sợi chi số thấp, trung bình trong Vinatex. Về thị trường, hướng tới việc kinh doanh trực tiếp, không qua trung gian thương mại nhằm tối đa hóa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về công nghệ: hướng tới đầu tư công nghệ tự động hóa trong sản xuất, quản trị điều hành nhằm tận dụng được những lợi thế của cuộc cách mạng 4.0 đem lại. Tiếp tục phát triển đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân công nghệ chất lượng cao, tạo giá trị cốt lõi cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Để hoàn thành những mục tiêu đó, về điều hành sản xuất, kinh doanh, Công ty Dệt 8-3 nỗ lực khai thác đồng bộ các thiết bị đầu tư với công suất tối đa. Chuyên môn hóa sản phẩm sản xuất giữa hai nhà máy; kiểm soát chặt chẽ chất lượng bảo đảm theo yêu cầu của khách hàng. Tuân thủ quy trình bảo trì, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Tăng cường công tác tiết kiệm, bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đã đề ra. Cân đối nhu cầu nguyên liệu chính để bảo đảm an toàn trong sản xuất và hiệu quả trong kinh doanh. Lãnh đạo Vinatex đánh giá, trong bối cảnh mới của hội nhập, để tận dụng lợi thế của các FTA thế hệ mới như CPTPP, FTA Việt Nam – EU (EVFTA), công ty cần tiếp tục phấn đấu xứng đáng với thương hiệu Dệt 8-3 mà các thế hệ cán bộ, công nhân viên công ty đã tạo dựng, với chiến lược xây dựng dần các nhà máy dệt nhuộm hoàn thiện, nằm trong chuỗi cung ứng sợi – vải của Vinatex, với sự chung tay liên kết đầu tư của các doanh nghiệp trong tập đoàn.
Ý kiến ()