Tăng mức phạt quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ
Theo thạc sĩ Lê Việt Hương, Bộ Y tế, mức xử phạt về vi phạm hành chính trong quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ hiện nay còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Do đó, cần điều chỉnh quy định này trong thời gian tới.
NDĐT- Theo thạc sĩ Lê Việt Hương, Bộ Y tế, mức xử phạt về vi phạm hành chính trong quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ hiện nay còn quá thấp, không đủ sức răn đe. Do đó, cần điều chỉnh quy định này trong thời gian tới.
Đây là thông tin ông Hương đưa ra tại hội thảo xây dựng chính sách và pháp luật về nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong cải thiện chính sách nghỉ thai sản, tăng cường quy định quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ của Việt Nam và quốc tế do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội tổ chức hôm nay, 9-4.
Ưu tiên cho trẻ nhỏ
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ Bảo vệ sức khoẻ bà mẹ – trẻ em (Bộ Y tế), tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn ở Việt Nam hiện nay mới đạt gần 20%, thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới năm tuổi nước ta là 29,3%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ thấp còi là do trẻ không được bú mẹ nhiều.
Chính sách nghỉ thai sản bốn tháng trước đây và hoàn cảnh của các bà mẹ ở khu vực nông thôn gây khó khăn cho việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Tuy nhiên, điều này đã được cải thiện khi Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1-1-2013 đã cho phép tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ mang thai lên sáu tháng.
Ngoài ra, gần 80% trẻ được cho bú mẹ đến 12 tháng tuổi, chỉ có 22% trẻ được bú mẹ tới 24 tháng tuổi. Trung bình, trẻ được cho bú mẹ đến 16-17 tháng tuổi.
Ông Vinh nhấn mạnh, quảng cáo sữa bột tràn lan và không được quản lý khiến cho các bà mẹ tin rằng vừa cho trẻ bú mẹ vừa cho uống sữa bột sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng các chính sách và chương trình hành động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em trong những năm gần đây. Quốc hội đã thông qua hai đạo luật quan trọng là Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 và Luật Quảng cáo với các quy định tăng thời gian nghỉ thai sản lên sáu tháng, cấm quảng cáo các sản phẩm dinh dưỡng thay thế sữa mẹ cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước ta trong thực thi các công ước và luật pháp quốc tế về bảo vệ quyền của bà mẹ và trẻ em. Các quy định này của Việt Nam giờ đây đã gần với các khuyến nghị quốc tế về quản lý việc tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ.
Điều chỉnh cho phù hợp
Thạc sĩ Lê Việt Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, công tác thanh tra, giám sát hoạt động quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện nay còn yếu. Việc thanh tra không thường xuyên và kịp thời khi số lượng thanh tra ít mà khối lượng công việc lớn. Bên cạnh đó, cũng rất khó khăn khi xác định hành vi vi phạm của các công ty kinh doanh sữa công thức.
Các văn bản pháp luật quản lý quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ hiện nay gồm có Nghị định 21/2006/NĐ-CP và Luật Quảng cáo.
Nghị định số 21 ban hành ngày 27-2-2006 được coi là phiên bản của Việt Nam đối với Luật Quốc tế về tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ. Sau hơn sáu năm thực hiện, ngành y tế đã phát hiện các vi phạm phổ biến như quảng cáo, khuyến mãi các sản phẩm sữa công thức cho trẻ hơn 12 tháng tuổi, ngầm so sánh sữa công thức tương đương hoặc tốt hơn sữa mẹ, các sản phẩm không khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ, thiếu các thông tin bắt buộc, sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ trên bao bì.
Ông Hương nhận định chưa có sự tương thích giữa Nghị định 21 và Nghị định 45/2005/NĐ-CP ngày 6-4- 2005 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Mức phạt theo quy định còn quá thấp, chỉ từ ba đến mười triệu đồng Việt Nam (tương đương khoảng 150 đến 500 USD), không đủ sức răn đe so với mức lợi nhuận khổng lồ từ các công ty sản xuất và kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em. Do đó, cần tăng mức phạt đối với vi phạm trong lĩnh vực này.
Từ thực tế này, ông Hương khẳng định cần sửa đổi Nghị định 21 và việc soạn thảo văn bản thay thế sẽ được thực hiện trong năm nay. Dự thảo nghị định mới có một số nội dung đáng chú ý như tăng mức cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ đến 24 tháng tuổi, thức ăn bổ sung cho trẻ dưới sáu tháng tuổi, bình bú và núm vú nhân tạo. Về nhãn mác, dự thảo quy định không sử dụng hình ảnh trẻ nhỏ, bình bú và núm vú trên các sản phẩm sữa công thức; phải khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ và nêu các bất lợi khi cho trẻ bú bình với núm vú nhân tạo.
Người sản xuất/kinh doanh sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ phải bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp thông tin khoa học và hướng dẫn sử dụng đúng các sản phẩm, không được bán các sản phẩm không đăng ký hoặc kém chất lượng. Nhân viên các hãng sữa không tiếp xúc với các bà mẹ hoặc phụ nữ mang thai. Các công ty sữa không được cung cấp lợi ích vật chất nào cho nhân viên, cơ sở y tế cũng như trưng bày, bán sản phẩm ở các cơ sở y tế.
Để thực thi chính sách hiệu quả, thạc sĩ Hương mong muốn sẽ có thêm ngân sách cho truyền thông về nuôi con bằng sữa mẹ, tăng tỷ lệ bệnh viện bạn hữu trẻ em và lập nhóm hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Nhandan
Ý kiến ()