Tăng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
LSO-Từ năm 2013 trở về trước, trong hội nông dân đã hình thành những nhóm hộ hội viên liên kết xây dựng, thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã. Tuy nhiên, những mô hình này có lúc hoạt động cầm chừng, tính liên kết giữa các xã viên trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm lỏng lẻo, thiếu bền vững. Do đó đã có những tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tự tan rã.
Để khắc phục những hạn chế nêu ra, từ đầu năm 2014, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh việc xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó chú trọng các mô hình kinh tế tập thể (tổ hợp tác và hợp tác xã) để tăng tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra,
Hợp tác xã Cốc Thông cung ứng khoai tây giống cho hội viên |
Theo số liệu từ Hội Nông dân tỉnh, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn hội đã hướng dẫn thành lập được 33 mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Các mô hình này phát triển ở lĩnh vực trồng rau xanh an toàn; chăn nuôi gia súc, gia cầm; cây nông sản như khoai tây, đậu tương, thạch đen và cây ăn quả như na, hồng, quýt và thực hiện bao tiêu sản phẩm nông nghiệp… Các tổ viên, xã viên trong các mô hình kinh tế tập thể bước đầu đã tạo lập được sự gắn kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Chị Triệu Thanh Huyền, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng rau an toàn thôn Vĩ Thượng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Khi chưa thành lập tổ hợp tác, mỗi hộ gia đình trồng rau trong khu cứ mạnh ai nấy làm. Có hộ gặp khó khăn ngay từ khâu chọn giống và trồng, chăm sóc rau nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi thành lập tổ hợp tác, 14 tổ viên đã tích cực trao đổi thông tin, hỗ trợ nhau về vốn, giống, kỹ thuật, đất canh tác và đầu ra sản phẩm. Chính vì vậy đã tạo thuận lợi rất nhiều trong sản xuất và đời sống cho mỗi tổ viên. Nhìn chung, khi tham gia tổ hợp tác, mỗi tổ viên đều duy trì mức thu nhập tương đối ổn định, tháng ít nhất cũng đạt 3 triệu đồng/tổ viên.
Tương tự vậy, mô hình kinh tế tập thể Hợp tác xã Cốc Thông, thôn Nà Rạ, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia với 103 xã viên cũng phát huy rất tốt sự liên kết này. Bà Ma Thị Thanh, Chủ nhiệm hợp tác xã cho biết: Hợp tác xã cung ứng giống khoai tây, phân bón và bao tiêu sản phẩm khoai tây đầu ra cho các xã viên. Khi chưa thành lập hợp tác xã, mỗi hộ đều tự tìm hướng đi cho mình, tự tổ chức sản xuất và tự tìm đầu ra cho sản phẩm, do vậy, năm thì được mua mất giá, năm thì mất mùa được giá, năm thì mất hết, nhìn chung hiệu quả kinh tế không cao, không ổn định. Từ khi tham gia hợp tác xã, cũng vẫn diện tích đất ấy, mỗi xã viên thỏa sức canh tác trên diện tích hiện có mà không phải canh cánh nỗi lo đầu ra như trước . Hợp tác xã chịu trách nhiệm cung ứng giống, vốn, phân bón và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của tất cả các xã viên. Không những thế, các xã viên còn được giúp đỡ về khoa học kỹ thuật rất kịp thời nên đã không còn hiện tượng mất mùa cục bộ theo từng hộ gia đình.
Chị Hoàng Thuyết Mai, thôn Nà Rạ, xã Tô Hiệu, xã viên Hợp tác xã Cốc Thông cho biết: Từ khi tham gia hợp tác xã, tôi rất yên tâm, trong sản xuất khi gặp khó khăn gì đều có các xã viên khác hỗ trợ, đặc biệt là không còn phải lo tìm đầu ra cho sản phẩm khoai tây của mình nữa. Tuy giá bán khoai tây có rẻ hơn chút ít so với ngoài thị trường nhưng đầu ra luôn ổn định.
Với mô hình nhóm gồm 20 hộ gia đình thực hiện sơ chế gừng, nghệ xuất khẩu sang Hà Lan, Nhật Bản và sản xuất rượu men lá Tung Pha do ông Hoàng Văn Ty, thôn Mu Cai Pha, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đứng đầu càng khẳng định rõ hơn sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ trong nhóm. Với mô hình này, để có được một lượng gừng, nghệ tươi thường xuyên hằng năm từ 500 đến 600 tấn, các hộ được phân ra thành nhóm chịu trách nhiệm về nguyên liệu, nhóm thực hiện công đoạn sơ chế và nhóm đảm nhiệm việc xuất bán thành phẩm… Các nhóm này liên kết chặt chẽ với nhau và trong từng nhóm lại có sự liên kết giữa các hộ. Cứ như vậy tạo thành một khối có cùng lợi ích khó mà tách rời.
Ông Hoàng Văn Thiết, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Phát triển mô hình kinh tế tập thể, các hội viên nông dân có môi trường, điều kiện gắn kết nhau lại, họ liên kết với nhau trên cả hai phương diện sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Qua đó dần hình thành những địa chỉ quy mô sản xuất lớn, lượng sản phẩm hàng hóa dồi dào với đầu ra ổn định. Thời gian tới, Hội Nông dân các cấp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn để các địa bàn tiếp tục hình thành các nhóm hộ, tổ hợp tác và thành lập hợp tác xã nhằm liên kết các hội viên nông dân, tạo lập địa chỉ có lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được yêu cầu kinh tế thị trường.
DIỆU HẰNG
Ý kiến ()