Tăng liên kết, nâng hiệu quả
– Những năm gần đây, việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần giúp các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lộc từng bước khắc phục khó khăn để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Thu hoạch cà chua tại HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát
Từ nhiều năm trước, lĩnh vực kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn huyện Cao Lộc hoạt động không đồng đều. Trong khi các HTX phi nông nghiệp hoạt động đem lại hiệu quả cao thì các HTX nông nghiệp lại hoạt động khá ì ạch, rời rạc, quy mô manh mún, nhỏ lẻ… Tuy nhiên, những năm gần đây, từ sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan và sự nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, tăng cường liên kết của HTX đã giúp nhiều HTX nông nghiệp tìm được hướng phát triển phù hợp. HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát là một ví dụ.
Được thành lập từ năm 2017, HTX chủ yếu sản xuất một số loại rau, củ, quả. Những năm đầu hoạt động, HTX chưa có liên kết, hoặc liên kết tiêu thụ được rất ít sản phẩm nên thị trường tiêu thụ sản phẩm của HTX còn bấp bênh, giá trị sản phẩm còn thấp. Bắt đầu từ tháng 3/2022, HTX liên kết với HTX Nông sản Hữu Lũng để sản xuất theo hướng hữu cơ.
Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát cho biết: HTX có đất, có nhân công, còn HTX Nông sản Hữu Lũng có kỹ thuật, có thị trường tiêu thụ ổn định. Từ đó, những hạn chế của HTX này được HTX kia hỗ trợ. Thay vì phải lo đầu ra cho sản phẩm như trước kia thì hiện nay, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát chỉ cần yên tâm tập trung sản xuất, còn lại tất cả sản phẩm đều được bao tiêu toàn bộ với giá cao hơn trước kia. Cụ thể hiện nay, giá bán cà chua trồng theo hướng hữu cơ của HTX trung bình được 35.000 đồng/kg, cao hơn trước khoảng 4 lần; giá dưa chuột được 40.000 đồng/kg, cao gấp đôi trước đây. Qua đó, có thể thấy, việc liên kết sản xuất giữa 2 HTX bước đầu đã đem lại kết quả tích cực và mở ra hướng phát triển vững chắc, lâu dài cho HTX.
Tương tự HTX rau, củ, quả sạch Gia Cát, từ năm 2021 đến nay, nhiều HTX nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Cao Lộc cũng đã chủ động trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từ đó tăng thu nhập, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX trên địa bàn. Điển hình như HTX Hoàng Đạt, xã Gia Cát triển khai mô hình nuôi bò, dê liên kết tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội; HTX Tân Liên, HTX Hồng Hạnh liên kết với Công ty Cổ phần Đại Nguyễn sản xuất khoai tây tại xã Tân Liên; HTX Cây củ sạch Hòa Cư liên kết với Công ty Transtech-Lạng Sơn; HTX Yên Phát, HTX Xây dựng và chế biến lâm sản 17/10, xã Yên Trạch liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà hàng trên địa bàn thành phố Lạng Sơn…
Bên cạnh sự chủ động của các HTX, để nâng cao hiệu quả liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX, từ năm 2021 đến nay, UBND huyện Cao Lộc đã chỉ đạo các phòng, ban liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai xây dựng các vùng sản xuất tập trung các sản phẩm chủ lực, đặc sản của huyện tạo vùng nguyên liệu, hàng hóa quy mô lớn để làm cơ sở phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; tuyên truyền, đưa các chính sách hỗ trợ đến gần hơn với các HTX; tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư… Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng và duy trì được 12 chuỗi liên kết với sự tham gia của 14 HTX trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Hanh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lộc cho biết: Để tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm của các HTX nông nghiệp, thời gian tới, phòng tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn để tiếp tục xây dựng thêm chuỗi liên kết sản xuất, trong đó có sự tham gia của các HTX.
Từ sự chủ động, nỗ lực vượt khó của các HTX nông nghiệp và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan, hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lộc đang từng bước chuyển biến tích cực. Hiện trên địa bàn huyện có 31 HTX nông nghiệp với tổng số thành viên và người lao động là 277 người, doanh thu bình quân của 1 HTX khoảng 1,5 tỷ đồng/năm, tăng 700 triệu đồng so với năm 2020; thu nhập bình quân người lao động được 3,8 triệu đồng/người/tháng (tăng hơn 1 triệu đồng so với năm 2020).
Với những kết quả đã đạt được cùng những chính sách, giải pháp hỗ trợ HTX, hy vọng rằng thời gian tới, lĩnh vực kinh tế tập thể nói chung, trong đó có các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện Cao Lộc nói riêng tiếp tục có những bước phát triển nhanh, bền vững hơnn
Ý kiến ()