Tăng kiểm tra giám sát, nâng chất lượng
LSO-Giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất ngay từ sản xuất trong nội địa và tăng cường kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với nông sản nhập khẩu là những biện pháp quan trọng để đảm bảo vệ sinh an toàn nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Mặt khác, chính những hoạt động này cũng giúp cho người sản xuất trên địa bàn tỉnh điều chỉnh cách thức sản xuất, nâng chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Cán bộ Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII kiểm tra dư lượng hóa chất trên nông sản nhập khẩu |
GIÁM SÁT TỪ NỘI ĐỊA
Trong vòng hai năm trở lại đây, công tác giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong sản xuất nông nghiệp được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) tích cực triển khai.
Năm 2014, Chi cục đã lấy hai mẫu măng ớt phân tích các chỉ tiêu vi sinh, hóa chất, kết quả đáng mừng là tất cả đều trong ngưỡng an toàn. Thông tin này cho thấy, sản phẩm măng ớt của Lạng Sơn (tập trung chủ yếu ở huyện Chi Lăng với khoảng 30 cơ sở sản xuất) đáp ứng được các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Trên thực tế với độ tin cậy của mình, măng ớt đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra các điểm du lịch lớn trong nước như Khoang Xanh, Ao Vua, Chùa Hương…và từng bước mở rộng vào thị trường Thủ đô Hà Nội theo lộ trình thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã ký kết giữa lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông của Lạng Sơn và Hà Nội, đầu năm 2013.
Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: ngoài măng ớt, từ năm 2014 đến nay Chi cục đã tiến hành lấy hàng chục mẫu giám sát trên các sản phẩm nông sản như rau, chè, nem chua và cả một số mẫu đất, mẫu nước dùng cho sản xuất trên địa bàn để phân tích.
Cơ bản các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng. Một số mẫu vượt ngưỡng cho phép, Chi cục đã thông báo ngay cho các cơ sở sản xuất, truy xuất nguyên nhân và hướng dẫn cơ sở cách khắc phục. Đồng thời có hậu giám sát để đánh giá công tác khắc phục. Thực hiện chủ đề tháng vệ sinh an toàn thực phẩm trong năm 2015 là “Sản xuất, kinh doanh rau, thịt an toàn”, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã kiểm tra (từ 15/4-15/5), xử lý 115 cơ sở vi phạm. Những sai phạm này đã bị xử lý nghiêm và chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh cũng đã có biện pháp khắc phục, đảm bảo vệ sinh an toàn cho các sản phẩm của mình.
ĐẢM BẢO AN TOÀN NÔNG SẢN NHẬP KHẨU
Từ 1/7/2011, Chi cục Kiểm dịch vùng VII (Cục Bảo vệ thực vật) có thêm nhiệm vụ là kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu có nguồn gốc thực vật. Sau bốn năm triển khai thực hiện, các hoạt động này đã đi vào nề nếp, trang thiết bị đầy đủ hơn, cán bộ chuyên hơn và ý thức của các chủ hàng cũng được nâng lên rõ rệt.
Bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VII cho biết: đã tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản cung cấp thông tin, đăng ký kiểm dịch, kiểm tra an toàn thực phẩm. Tổ chức các lớp tập huấn về an toàn thực phẩm cho cán bộ của Chi cục và điều động, bổ sung cán bộ cho các trạm có lưu lượng nhập khẩu nông sản cao. Mặt khác chủ động phối hợp với Cục kiểm dịch, kiểm nghiệm Bằng Tường (Trung Quốc) để triển khai thực hiện.
Bà Phạm Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Phúc Thịnh, một trong những doanh nghiệp nhập khẩu nông sản lớn qua địa bàn tỉnh cho biết: Chúng tôi rất đồng tình với việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc thực vật, việc này một mặt góp phần bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng trong nước, mặt khác giúp nâng cao ý thức của các doanh nghiệp nhập khẩu mặt hàng này, phải lựa chọn kỹ lưỡng hơn chất lượng hàng hóa nhập khẩu ngay từ bên kia biên giới; thủ tục kiểm tra rất nhanh gọn, không ảnh hưởng tới thời gian thông quan hàng hóa của các doanh nghiệp.
Từ trung tuần tháng 4/2015 đến trung tuần tháng 5/2015, Chi cục Kiểm dịch thực vật đã kiểm tra an toàn thực phẩm đối với 773 lô hàng nông sản nhập khẩu, khối lượng hơn 20 nghìn tấn. Kết quả, các lô kiểm tra đều đạt yêu cầu. Lãnh đạo Chi cục Kiểm dịch thực vật khẳng định: ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp nhập khẩu được nâng lên rất nhiều, qua kiểm tra bằng cảm quan, nông sản thực phẩm sạch hơn, bao bì không còn hiện tượng rách nát và cũng không còn hiện tượng nhập khẩu nông sản cấp kém như thối, nát… về nội địa.
Trong khi đó các cơ quan chức năng của Trung Quốc cũng thể hiện sự tích cực trong công tác phối hợp, đã thông tin, đưa ra các hoạt chất phổ biến có nguy cơ cao về vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải kiểm tra kỹ lưỡng, tạo thuận lợi cho việc tập trung kiểm tra dư lượng hóa chất.
Qua triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát từ nội địa đến kiểm soát chặt chất lượng nông sản nhập khẩu từ biên giới, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng nông sản. Điều quan trọng là các biện pháp ấy đã làm chuyển biến về nhận thức của người sản xuất, kinh doanh, cũng như doanh nghiệp nhập khẩu nông sản, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
NHƯ PHONG
Ý kiến ()