Tăng kiểm tra để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm
- Từ đầu năm 2024 đến nay, công tác kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn tỉnh được các ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thành phố đẩy mạnh thực hiện. Qua đó, góp phần ngừa nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP).
Để thực hiện công tác đảm bảo ATVSTP, từ đầu năm 2024 đến nay, ngoài việc chỉ đạo các đơn vị thành viên thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP (BCĐ) tỉnh còn ban hành các kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra ATVSTP vào các đợt cao điểm. Điển hình gần đây nhất, BCĐ tỉnh đã triển khai kế hoạch, phát động thực hiện tháng hành động vì ATTP năm 2024 (từ ngày 15/4 - 15/5) đến tất cả các ngành, đơn vị và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các đơn vị nghiêm túc thực hiện, đẩy mạnh công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm đến từng phường, xã.
Ông La Văn Dương, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Tràng Định cho biết: Thực hiện tháng hành động vì ATTP năm 2024, UBND huyện đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành về ATVSTP để kiểm tra trọng tâm, trọng điểm tại các khu vực chợ, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, chế biến thực phẩm… 5 tháng đầu năm 2024, các đoàn đã kiểm tra 253 cơ sở, phát hiện 37 cơ sở vi phạm; cảnh cáo, nhắc nhở 24 cơ sở và xử lý vi phạm hành chính 13 cơ sở với tổng số tiền 23 triệu đồng.
Không chỉ riêng huyện Tràng Định, từ đầu năm đến nay, các ngành chức năng, các huyện, thành phố đã tăng cường kiểm tra chuyên đề đối với các cơ sở kinh doanh ăn uống. Theo đó, các đoàn kiểm tra, hậu kiểm 1.105 cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện, xử lý và nhắc nhở, yêu cầu 112 cơ sở kinh doanh khắc phục các vi phạm về điều kiện kinh doanh thực phẩm.
Bà Tô Thùy Linh, Quản lý nhà hàng Thảo Viên, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nay, trung bình mỗi ngày nhà hàng phục vụ khoảng 200 lượt khách, vào các dịp cao điểm lễ, tết, lượng khách có thể lên đến gần 1.000 người nên nhà hàng đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo ATVSTP. Hằng năm, qua công tác kiểm tra của cơ quan chức năng, liên ngành, nhà hàng được chỉ ra các lỗi để kịp thời khắc phục. Đồng thời, nhà hàng cũng niêm yết số điện thoại đường dây nóng của lực lượng quản lý thị trường để khách hàng có thể phản ánh những vấn đề không vừa lòng trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Với việc tăng cường và chú trọng công tác kiểm tra, từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan, đơn vị liên quan trong tỉnh đã thành lập được 214 đoàn công tác kiểm tra, hậu kiểm tra 2.743 cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm (gồm tổng tất cả các đợt kiểm tra thường kỳ, chuyên đề và tháng hành động vì ATTP), tăng gần 26,2% (574 cơ sở) so với cùng kỳ năm 2023. Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện 325 cơ sở vi phạm các quy định về ATVSTP với các vi phạm chủ yếu như: sử dụng người tiếp xúc trực tiếp chế biến thức ăn mà không đội mũ, không đeo khẩu trang; bày bán, chứa đựng thực phẩm trên thiết bị, dụng cụ, vật liệu không đảm bảo vệ sinh; không thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định của pháp luật... Các đoàn công tác đã cảnh cáo, nhắc nhở 106 cơ sở; xử phạt vi phạm hành chính 219 cơ sở với tổng số tiền 786 triệu đồng; buộc tiêu hủy 44 mặt hàng thực phẩm với 5.000 đơn vị sản phẩm có tổng trị giá hơn 148,2 triệu đồng.
Ông Nguyễn Nam Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP, Sở Y tế nhấn mạnh: Thời gian tới, chi cục sẽ tiếp tục tham mưu Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức để lan tỏa sâu, rộng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, nâng cao kỹ năng lựa chọn thực phẩm của người tiêu dùng; tăng cường kiểm tra, kiểm tra đột xuất và hậu kiểm để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực ATTP theo quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ý kiến ()