Tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế
Các báo cáo trong nước và quốc tế cập nhật gần đây đều nhận định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia tương đối thành công trong việc khống chế dịch Covid-19 và giảm tới mức thấp nhất những hệ lụy đối với nền kinh tế.
Bên cạnh những chỉ đạo sát sao và định hướng kịp thời của Chính phủ, kết quả này có một phần quan trọng là từ những cải cách mạnh mẽ và liên tục trong những năm trước đó, qua đó góp phần cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và sức chống chịu của nền kinh tế.
Tăng trưởng còn phụ thuộc vào bên ngoài
Tại diễn đàn Cải cách kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững và có tính chống chịu cao sau Covid-19 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (CIEM) cho biết, tăng trưởng GDP thế giới giảm 1 điểm phần trăm thì tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam giảm 4 điểm phần trăm. Nhưng mức giảm trong năm 2020 còn nghiêm trọng hơn do tác động của dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu. Vì hoạt động của nhiều ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam bị gián đoạn, đơn cử, ngành du lịch sụt giảm ba phần tư khách quốc tế; những ngành được cho là hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như dệt may, da giày cũng là các ngành chịu gián đoạn vì dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, khả năng thích ứng với yêu cầu phát triển bền vững cũng diễn ra chậm, thể hiện ở mức giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, môi trường… rất thấp, chưa kể đến chất lượng giải ngân. Còn khu vực doanh nghiệp (DN) chủ yếu mới chỉ nhìn ở góc độ tuân thủ các yêu cầu về phát triển bền vững sẽ làm tăng chi phí mà chưa nhận thấy nguy cơ nếu không cải thiện chất lượng hàng hóa gắn với phát triển bền vững thì sẽ bị hạn chế xuất khẩu trong bối cảnh phòng vệ thương mại gia tăng trong tương lai.
Khảo sát của Tổng cục Thống kê (TCTK) về tác động của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cho thấy những thách thức mà cộng đồng DN Việt Nam đang phải đối mặt cũng chính là những yếu kém nội tại trước đây như thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, khó khăn trong tiếp cận vốn và thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng. Lần đầu nói về kết quả điều tra DN thực hiện trong tháng 9-2020, ông Phạm Ðình Thúy, Vụ trưởng Thống kê công nghiệp (TCTK) cho biết, gần 84% số DN trong tổng số 153 nghìn DN thực hiện điều tra cho biết bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. DN có quy mô càng lớn thì chịu tác động càng lớn. Trong đó, chịu tác động lớn nhất là các DN hoạt động trong ngành hàng không, du lịch, khách sạn, nhà hàng, may mặc, giày dép, ô-tô, điện tử viễn thông…
Chỉ ra những rủi ro nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt như nợ xấu có khả năng gia tăng, thu ngân sách giảm, kim ngạch xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng khi các thị trường xuất khẩu chính của hàng hóa Việt Nam đang bước vào đợt bùng phát dịch Covid-19 mới như Mỹ và châu Âu…, nhưng TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam vẫn tin tưởng Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng hơn 6% trong năm 2021, nằm trong nhóm đầu trên thế giới và khu vực Ðông Á, Thái Bình Dương.
Căn cứ để đưa ra nhận định lạc quan này là nhờ vào quá trình cải cách môi trường kinh doanh tiếp tục duy trì nhịp độ với việc triển khai Chính phủ điện tử; Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI); kinh tế số đang được đẩy mạnh tạo cơ hội mới cho tăng trưởng. Bên cạnh đó, DN Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường trong nước và nước ngoài, đây là nền tảng rất tốt so các quốc gia khác và là lợi thế để khi dịch bệnh lắng xuống, DN có thể phục hồi sản xuất ngay.
Cải cách ngay trong đại dịch
Theo các chuyên gia, kinh tế Việt Nam được dự báo là có mức tăng trưởng hàng đầu khu vực và thế giới nhưng trước những rủi ro đang rình rập, cần đẩy mạnh cải cách thể chế hơn nữa, từ đó cắt giảm chi phí do chính sách, tạo thêm không gian kinh tế và động lực đổi mới sáng tạo cho DN. Nghiên cứu của CIEM chỉ rõ, thúc đẩy cải cách ngay trong đại dịch thay vì chờ dịch Covid-19 qua đi sẽ ít tốn kém nhất cho DN và nền kinh tế. Ðặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách để thúc đẩy chuyển đổi số và thực hiện chương trình nghị sự về phát triển bền vững nhằm tạo thêm động lực cho sự phát triển kinh tế trong thời gian tới và bảo đảm tính chống chịu của nền kinh tế tốt hơn trước những yếu tố bất định, cú sốc tương tự có thể xảy ra trong tương lai. Cải thiện năng suất lao động (NSLÐ) là một trong những yêu cầu đầu tiên đối với phát triển bền vững hậu Covid-19, do đó, cần tiếp tục cải thiện NSLÐ, sức cạnh tranh của các ngành hàng, của DN và của cả nền kinh tế. GS Trần Thọ Ðạt, Trường đại học Kinh tế quốc dân cho biết, NSLÐ của Việt Nam đã tăng đều qua các năm nhưng nhìn chung còn rất thấp so khu vực và thế giới.
Ðộng lực mới cho cải thiện nhanh chóng NSLÐ là kinh tế số. Ðể thúc đẩy kinh tế số, Việt Nam cần có chiến lược khung để làm nền tảng cho các định hướng và thể chế cho việc chuyển đổi số; tạo điều kiện căn bản để thu hút được nguồn vốn cho đầu tư số hóa nền kinh tế. Cụ thể là hạ tầng và dịch vụ số; hỗ trợ DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, công nghệ sản xuất… Theo TS Lê Duy Bình, quy mô kinh tế số của Việt Nam tăng trưởng khoảng 38% năm 2019 và tăng trưởng khoảng hơn 40% năm 2020, ước tính đạt 12 tỷ USD, trở thành một động lực tăng trưởng lớn đối với nền kinh tế.
TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến cáo: Cùng với việc khống chế dịch Covid-19 được đặt lên hàng đầu, Chính phủ cần tiếp tục công cuộc cải cách gắn với xu thế mới, tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, làn sóng dịch chuyển đầu tư… Về phía các DN, cần tận dụng lợi thế so sánh về chi phí lao động, vận chuyển, dịch vụ kết nối và xử lý thông tin, chú ý đến vấn đề “tiêu dùng xanh”, sau dịch thì sẽ càng được đẩy lên và cẩn trọng hơn với các loại hàng hóa về thực phẩm, y tế.
Một nghiên cứu của Trường đại học Kinh tế quốc dân cho thấy, dự báo giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng kinh tế số sẽ đóng góp từ 6,88% đến 16,5% trong tốc độ tăng NSLÐ của cả nền kinh tế. Công nghệ số có khả năng tạo ra những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và NSLÐ trong nhiều ngành kinh tế. Trong đó, một số ngành có thể tận dụng lợi thế công nghệ số sớm hơn như công nghiệp chế biến chế tạo, vận tải – logistics, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục, nông nghiệp công nghệ cao.
Ý kiến ()