Tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong tỉnh
LSO-Ngày 21/5/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 712/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến năm 2020”. Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22/10/2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1534/QĐ-UBND về việc phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chủ lực của DN trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2012 – 2020” (gọi tắt là Dự án NSCL).
Dây chuyền đóng gói bánh quy của Công ty TNHH Thành Long
Lạng Sơn là một trong những tỉnh có dự án được xây dựng sớm so với các địa phương khác, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh về công tác này. Tuy nhiên, đến năm 2014 mới được cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí, do đó, tiến độ thực hiện không được như kế hoạch. Qua triển khai thực hiện, dự án đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như: nhận thức về vai trò quan trọng của NSCL đối với sự phát triển và hội nhập của các cơ quan quản lý nhà nước, DN và người tiêu dùng đã được nâng lên; vấn đề năng suất, cải tiến năng suất được xuất hiện nhiều hơn trong tư duy và hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là lãnh đạo DN, HTX; thúc đẩy các DN, HTX ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ, thiết bị trong khai thác, sơ chế, bảo quản, chế biến để nâng cao NSCL sản phẩm hàng hoá, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm hàng hoá sản xuất tại địa phương.
Mặt khác, việc triển khai dự án bước đầu đã tạo lập được nền tảng cho hoạt động nâng cao NSCL thông qua việc khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài hoặc bắt buộc tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật đã góp phần đáng kể trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ của DN trên thị trường. Cùng với đó, việc ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất vào thực tế hoạt động dịch vụ, sản xuất, kinh doanh đã tạo ra nề nếp làm việc khoa học, góp phần nâng cao được NSCL của các DN tham gia nội dung dự án so với trước khi áp dụng.
Tuy nhiên, quá trình triển khai vẫn tồn tại một số hạn chế như: DN trên địa bàn tỉnh đa số là vừa và nhỏ, trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình, trình độ quản lý sản xuất còn hạn chế nên chưa quan tâm áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nâng cao NSCL. Cộng thêm nguồn tài chính DN còn hạn hẹp, các sản phẩm tiêu thụ còn trong phạm vi hẹp, do đó chưa mạnh dạn đổi mới công nghệ, nhất là khi phải đầu tư thêm về tài chính. Sự tham gia của DN vào hoạt động nâng cao NSCL còn chưa chủ động, tích cực. Công tác tuyên truyền phổ biến đã được triển khai, tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Mặt khác, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, chuyên gia NSCL tại địa phương còn hạn chế. Lĩnh vực nâng cao NSCL trong DN là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này phải là người đa năng, có trình độ cao, nhưng hiện tại số lượng chuyên gia tư vấn am hiểu và có kinh nghiệm thực tế về lĩnh vực này không nhiều. Việc phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ thuộc dự án với các chương trình, dự án khác đang triển khai thực hiện tại địa phương còn hạn chế.
Để khắc phục hạn chế, trong thời gian tới, các cơ quan có liên quan và các DN, HTX trên địa bàn tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến có tính hệ thống, thường xuyên liên tục, đổi mới về hình thức và nội dung về phong trào NSCL để thực sự thu hút được sự quan tâm và tham gia của nhiều DN, tổ chức, cá nhân trong xã hội. Đồng thời cần có các chính sách cụ thể và đồng bộ về đầu tư, tài chính, thuế, ngân hàng… nghiên cứu – triển khai nhằm khuyến khích các hoạt động nâng cao NSCL. Tăng cường các nguồn lực cho hoạt động nâng cao NSCL; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chuyên gia về NSCL cả về số lượng và chuyên môn nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các DN cần tự nâng cao về trình độ kỹ thuật và công nghệ sản xuất, trình độ quản lý sản xuất, quản lý kinh doanh, quan tâm quy hoạch nguồn nhân lực chất lượng cao, hạn chế việc quản lý, điều hành DN theo kinh nghiệm, quan tâm phát triển thương hiệu, chiến lược cạnh tranh, ứng dụng công nghệ thông tin.
Với việc triển khai dự án được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, trong đó có bổ sung nội dung: “Hỗ trợ DN, HTX thực hiện các hoạt động về sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu, mã số mã vạch, giải thưởng chất lượng quốc gia; đào tạo, hướng dẫn áp dụng và thực hành các công cụ nâng cao NSCL, xây dựng VIETGAP” thì đây là những nội dung thiết thực nhằm ổn định sản xuất, tiết kiệm chi phí, thời gian,… tạo cho sản phẩm của DN, HTX trên địa bàn tỉnh nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Ý kiến ()