Tăng hút vốn FDI cần cải thiện chất lượng dịch vụ công
Theo khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) công bố tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (28-8), 55% doanh nghiệp FDI mong muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay cho giao dịch truyền thống.
– Theo khảo sát các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) công bố tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội sáng nay (28-8), 55% doanh nghiệp FDI mong muốn sử dụng dịch vụ công trực tuyến thay cho giao dịch truyền thống.
Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) đã tiến hành khảo sát đối với hơn 2.500 doanh nghiệp có vốn FDI thuộc năm ngành nghề tiêu biểu: Công nghiệp/ Sản xuất, Nông nghiệp, Dịch vụ, Tài chính, Ngân hàng – Bảo hiểm, nhu cầu và thực tế sử dụng dịch vụ công trực tuyến đang có một khoảng trống.
Tuy việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến có ưu thế vì tính thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí và sự minh bạch so với giao dịch truyền thống song tỉ lệ sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến (email, internet) chỉ chiếm 31%; các giao dịch với cơ quan Nhà nước vẫn đang được thực hiện thông qua kênh truyền thống (chiếm 51%).
Các doanh nghiệp thường xuyên phải giao dịch và tương tác trực tiếp với cơ quan chính quyền địa phương (51% mức độ tương tác tại cấp huyện và 33% tại cấp phường xã). Mức độ tương tác với chính quyền trung ương chỉ chiếm 8%.
Cũng theo kết quả khảo sát, trong các dịch vụ công các doanh nghiệp thường xuyên sử dụng các thủ tục về thuế (43%). Việc triển khai thuế điện tử đã tạo được khá nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp với 57% doanh nghiệp chỉ mất dưới 10 phút để thực hiện khai thuế điện tử.
Thế nhưng để thực hiện được dưới 10 phút thì các doanh nghiệp phải sử dụng dịch vụ trung gian trong quá trình khai thuế. Để thực hiện khai thuế trực tuyến không sử dụng dịch vụ trung gian nhiều doanh nghiệp phải dành 10 đến 30 phút.
Ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) cho biết, một trong những điểm vướng trong quá trình các doanh nghiệp FDI nói riêng và các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến là các thủ tục pháp lý còn rườm rà, thiếu tính minh bạch.
Bên cạnh đó thủ tục hành chính nặng nề, sự chậm trễ trong quá trình phê duyệt đối với những dự án, chính sách quan trọng cũng đang là rào cản lớn.
Theo ông Tâm, để tăng cường thu hút các doanh nghiệp FDI, các cấp chính quyền địa phương cần chú trọng quan tâm, triển khai hiệu quả cải cách hành chính và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ – Môi trường của Quốc hội cho rằng, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh trình độ phát triển Chính phủ điện tử.
Trong giai đoạn này, Chính phủ điện tử cần tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan Chính phủ; thiết lập hệ thống thông tin quốc gia toàn diện, minh bạch; cải tiến dịch vụ công và gắn kết với người dân, doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một Chính phủ điện tử hiệu quả và hiệu lực hơn.
Theo Nhandan.vn
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()