Tăng học phí - gánh nặng "đè" lên người dân
Kế hoạch tăng học phí đưa ra trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” khi giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng nhanh khiến người dân và các chuyên gia cho rằng, dù tăng theo lộ trình nhưng cần có sự chia sẻ khó khăn.
Học phí và chất lượng
Nhiều tỉnh, thành phố đang lên kế hoạch tăng học phí trong năm học tới theo khung học phí mới tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí của Chính phủ. Theo dự thảo nghị quyết về việc tăng học phí từ năm học 2022-2023 của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mức học phí tăng gấp đôi so với năm học 2021-2022.
Cụ thể, bậc học từ mầm non đến THPT ở các quận, thị xã, thị trấn có mức học phí dự kiến là 300.000 đồng/học sinh/tháng; khu vực nông thôn là 100.000 đồng/học sinh/tháng (riêng bậc THPT là 200.000 đồng/tháng); khu vực miền núi và vùng dân tộc thiểu số là 50.000 đồng/học sinh/tháng (bậc THPT là 100.000 đồng/tháng). Các năm tiếp theo, học phí tiếp tục tăng. Mỗi năm tăng tối đa 7,5%. Tương tự, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Gia Lai dự kiến mức học phí với bậc học mầm non và THCS từ 50.000 đến 86.000 đồng/tháng, bậc THPT từ 100.000 đến 133.000 đồng/tháng.
Con số này tăng gấp 5 lần so với mức học phí thấp nhất ở địa phương hiện tại là 15.000 đồng/tháng. Sở GD&ĐT tỉnh Phú Yên và tỉnh Bình Định cũng dự kiến mức học phí năm học 2022-2023 cao hơn mức hiện hành. Trong khi đó, Hải Phòng vẫn giữ chính sách miễn học phí; Đà Nẵng xây dựng lộ trình miễn, giảm học phí và Cần Thơ chưa tính tới việc tăng học phí…
Ở bậc đại học, các trường cũng đồng loạt công bố tăng học phí. Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến mức học phí năm học tới là 42 triệu đồng, tăng gấp 1,2 lần so với mức học phí của khóa tuyển sinh năm 2021. Trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm trong 3 năm tiếp theo. Trường Đại học Y Hà Nội cũng thông qua mức học phí áp dụng cho năm học 2022-2023 với khối ngành y dược là 2,45 triệu đồng/tháng, tăng gấp 1,7 lần…
Với mức học phí dự kiến này, nhiều người cho rằng không hẳn quá cao so với thu nhập bình quân của người dân thành phố, nhưng trong tình hình nhiều gia đình đang rơi vào cảnh khó khăn do dịch Covid-19, để có số tiền đóng học phí không phải là chuyện dễ dàng đối với nhiều gia đình.
Trên thực tế, phụ huynh còn phải đóng nhiều khoản phí xã hội khác đi kèm mỗi đầu năm học, kỳ học. Chị Hoàng Hải Yến, có con đang theo học tại Trường THCS Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội), băn khoăn: “Liệu việc tăng học phí có làm chất lượng giáo dục tăng. Ngành GD&ĐT cần có giải pháp kéo sĩ số học sinh mỗi lớp xuống. Nếu số học sinh hiện nay vẫn là 40-50 em/lớp thì làm sao có thể bảo đảm chất lượng giáo dục?”. Cho rằng việc tăng học phí là tất yếu khách quan và có lộ trình, nhưng nhiều phụ huynh mong muốn ngành GD&ĐT cần có sự chia sẻ khó khăn với người dân, nhất là sự minh bạch trong thu-chi của nhiều trường lâu nay, xóa bỏ lạm thu, tạo niềm tin, sự đồng thuận từ phụ huynh.
Học sinh tìm hiểu thông tin về các trường đại học trước mùa tuyển sinh. |
Chia sẻ về điều này, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Theo nhiều nhà quản lý, tăng học phí là một trong các giải pháp then chốt để nâng cao chất lượng đào tạo trong điều kiện nguồn ngân sách của nhà nước hạn chế. Việc tăng học phí là việc chẳng đừng nếu muốn một nền giáo dục có chất lượng và hiệu quả, nhưng dư luận vẫn còn băn khoăn về chất lượng đào tạo có thực sự gia tăng tương ứng.
Vì vậy, cùng với chính sách tăng học phí, rất cần các chính sách khác đi kèm một cách đồng bộ, như: Tuyển dụng giảng viên giỏi, mua sắm thiết bị, tinh giản chương trình, ứng dụng công nghệ dạy học mới, cải thiện cơ hội việc làm cho sinh viên, tăng vốn vay cho người học, tăng học bổng cho sinh viên nghèo học giỏi. Nhà trường cũng cần cơ cấu lại việc đầu tư, tích lũy có được nhờ tăng học phí và minh bạch thông tin tài chính, chất lượng. Những học phần nào thuộc chương trình vì lợi ích quốc gia, Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ cho cả trường công và trường tư nhằm giảm bớt gánh nặng học phí cho người dân”.
Đề xuất tạm hoãn việc tăng học phí
Học phí phổ thông cũng giống như giá sách giáo khoa, các mặt hàng thiết yếu khác sẽ tác động đến toàn xã hội. Do đó, cần cân nhắc việc đồng loạt công bố tăng giá, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang chịu tác động rất mạnh do đại dịch Covid-19 gây ra. Nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương chưa nên tăng học phí thời điểm này mà cần chọn thời điểm hợp lý hơn và tạo đồng thuận cao hơn từ người dân. Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, do tác động ngoại cảnh, chỉ số giá tiêu dùng hiện nay tăng hơn trước. Do đó, mức tăng học phí phải thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ cả hai chiều.
Trước ý kiến về việc học phí gia tăng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay: Căn cứ tình hình, ảnh hưởng của dịch bệnh đến nền kinh tế, như năm 2021, Bộ GD&ĐT nhiều lần trao đổi và có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị giữ ổn định mức học phí. Ngày 24-5-2022, Bộ GD&ĐT có Công văn số 2153/BGDĐT-KHTC gửi các địa phương, lãnh đạo các trường đại học nhắc nhở, lưu ý chỉ đạo các đơn vị về việc thực hiện các khoản thu trong lĩnh vực GD&ĐT.
Theo đó, các địa phương, nhà trường căn cứ tình hình thực tế để có mức thu học phí và lộ trình tăng học phí phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh, học sinh, góp phần bình ổn giá, an sinh xã hội và các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo để các em có đủ sách đến trường. Với giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT đang triển khai công cụ quản lý là kiểm định chất lượng, gia tăng giám sát để các trường hoạt động tốt nhất.
Theo Quandoinhandan
Ý kiến ()