Tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh xi-măng
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Xi-măng Vicem Hoàng Thạch (Hải Dương) chuyển xi-măng lên xe đưa đi tiêu thụ.
Sáu tháng đầu năm 2018, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi-măng được cải thiện đáng kể, tạo tiền đề hoàn thành và vượt mức kế hoạch năm. Tuy nhiên, các đơn vị không thể chủ quan khi diễn biến của thị trường và nỗi lo cũ về cung vượt cầu vẫn còn đó, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.
Xuất khẩu xi-măng tăng 50%
Theo số liệu thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), sáu tháng đầu năm 2018, tiêu thụ sản phẩm xi-măng ước đạt hơn 52 triệu tấn, đạt 62,35% kế hoạch năm và tăng 27% so cùng kỳ năm 2017, trong đó Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) tiêu thụ gần 12 triệu tấn, tăng 16% so cùng kỳ. Ðáng chú ý, xuất khẩu sản phẩm xi-măng tăng mạnh, đạt khoảng 15,53 triệu tấn, bằng 85,6% chỉ tiêu xuất khẩu cả năm và tăng 50% so cùng kỳ. Lượng tồn kho cả nước khoảng 3,1 triệu tấn, tương đương 14 – 15 ngày sản xuất, chủ yếu là clanh-ke.
Ðây có thể coi là những tín hiệu đáng mừng, góp phần giảm bớt khó khăn trong bối cảnh nguồn cung xi-măng vẫn vượt cầu. Theo lãnh đạo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), nguyên nhân chủ yếu là do một số nhà máy xi-măng gây ô nhiễm tại Trung Quốc đóng cửa, dẫn đến nguồn cung xuất khẩu giảm. Ðồng thời các doanh nghiệp xi-măng trong nước đã có những bước điều chỉnh phù hợp, tăng cường mở rộng thị trường, tìm kiếm bạn hàng, tạo ra sự hỗ trợ giảm áp lực cạnh tranh trên thị trường xi-măng.
Cùng chung nhận định, Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung đánh giá, tính đến thời điểm này, xuất khẩu đã vượt xa so cùng kỳ năm 2017, một phần do sức cạnh tranh của sản phẩm xi-măng trong nước tốt hơn, mặt khác sản xuất xi-măng của Trung Quốc giảm sút, đồng thời Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu xi-măng, clanh-ke của Việt Nam để sử dụng và sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang Trung Ðông, châu Phi. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất xi-măng của Việt Nam được nâng cao, từ đó tạo được mức giá tốt hơn, nhất là trong xuất khẩu (hiện nay giá clanh-ke khoảng 38 – 38,5 USD/tấn, giá xi-măng hơn 50 USD/tấn), bảo đảm sản xuất có lãi cho các nhà máy xi-măng. Nhìn vào thị trường sáu tháng đầu năm có thể đưa ra những đánh giá khả quan cho cả năm vì thông thường cuối năm là thời điểm vào mùa xây dựng và với đà xuất khẩu hiện nay, khoảng cách cung cầu sẽ được rút ngắn. Do vậy, công tác xuất khẩu cần được các doanh nghiệp tiếp tục tập trung, mở rộng tìm kiếm những đơn hàng dài hạn nhằm chủ động điều tiết sản xuất, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh vì nếu không xuất khẩu được, 26 triệu tấn xi-măng dư thừa theo công suất thiết kế trong một năm lại “đổ ngược” vào thị trường nội địa, chắc chắn sẽ gây xáo trộn lớn.
Tiếp tục các giải pháp chủ động
Hiện nay, thị trường xi-măng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và cần có sự chủ động, linh hoạt trong điều hành sản xuất, kinh doanh. Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh cho biết, bên cạnh câu chuyện cũ về dư thừa nguồn cung, ngành xi-măng đã và tiếp tục phải đối diện nhiều khó khăn. Giá nguyên liệu đầu vào chính như: than, điện đều tăng mạnh; tình hình mưa bão, lũ lụt diễn biến phức tạp; giá một số vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi tự nhiên biến động, trong khi cát nhân tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Riêng đối với Vicem, việc đồng ơ-rô trượt giá mạnh đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh vì một số dây chuyền của tổng công ty đầu tư đến kỳ trả nợ đều vay bằng đồng ơ-rô… Do vậy, ngoài việc tập trung tiến hành các giải pháp đồng bộ về vận hành thiết bị nhằm giảm thiểu chi phí, tổng công ty đã thực hiện cân đối năng lực sản xuất, thị trường, các thương hiệu lớn để điều phối, phân bổ lượng xi-măng trong cả nước, tối ưu hóa về logistics, đặc biệt là tích cực tìm kiếm thị trường và đơn hàng xuất khẩu dài hạn, cũng như bảo đảm nguyên tắc tham gia bình ổn giá thị trường xi-măng của tổng công ty… Nhờ đó, sáu tháng đầu năm, tiêu thụ xi-măng đạt gần 12 triệu tấn, tăng 6,4% so cùng kỳ.
Theo các chuyên gia, một số vấn đề cần lưu ý trên thị trường xi-măng là tình hình thị trường bất động sản chững lại và xu hướng hạn chế sử dụng xi-măng trong xây dựng. Tín hiệu từ thị trường bất động sản đang giảm nguồn cung, đồng thời ngành xi-măng chỉ tăng trưởng khoảng 3% trong năm 2017 cho thấy cơ cấu ngành xây dựng đã có sự thay đổi. Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung nhận định, các điều kiện của thị trường năm nay khá hơn năm ngoái và đúng là công nghệ xây dựng hiện nay có thay đổi, sử dụng kính chịu lực hay các kết cấu chịu lực khác, nhưng tiêu thụ xi-măng vẫn đóng góp tỷ trọng lớn trong xây dựng, nhất là ở công trình nhà cao tầng. Do vậy, các doanh nghiệp xi-măng cần tập trung các giải pháp điều chỉnh phù hợp để tồn tại và duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nhằm ổn định thị trường vật liệu xây dựng nói chung và xi-măng nói riêng, Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng Chiến lược phát triển công nghiệp xi-măng Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, tập trung phát triển các nhà máy xi-măng phải gắn với nguồn cung nguyên liệu, sử dụng công nghệ thiết bị tiên tiến, hiện đại, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Ðồng thời phải đầu tư đồng bộ từ khâu chế biến nguyên liệu đến đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện; đẩy mạnh đầu tư xi-măng gắn với việc xử lý và sử dụng chất thải công nghiệp và rác thải làm nhiên liệu. Ngoài ra, tiếp tục tăng cường các chính sách khuyến khích và bắt buộc trong sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung… Những giải pháp này chắc chắn giúp kiểm soát nguồn cung, từng bước ổn định thị trường, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh cho ngành xi-măng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()