Tăng hiệu quả hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng
Chỉ còn khoảng nửa tháng nữa, Thông tư số 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng sẽ chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chung quanh nội dung Thông tư cần được giải đáp, hướng dẫn cụ thể hơn nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong quá trình triển khai quy định mới.
Hoạt động cho vay cần hướng vào những lĩnh vực lành mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao. Ảnh: NAM ANH
Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu chia sẻ, việc Thông tư 06 bổ sung các trường hợp không được tiếp cận vốn tín dụng không chỉ tác động đến hoạt động kinh doanh bất động sản thuộc “ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện” nói riêng mà còn tác động tiêu cực đến đầu tư phát triển nói chung. Bởi theo nội dung văn bản này, một số dự án đầu tư khác cũng sẽ rơi vào trường hợp bị cấm cho vay, như các dự án đầu tư theo phương thức PPP (đầu tư theo hình thức đối tác công tư) thực hiện các công trình hạ tầng, cầu, đường, cảng, sân bay, nhà máy phát điện, bệnh viện, trường học, nông, lâm, ngư nghiệp,…
Liên quan những dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật tại thời điểm tổ chức tín dụng quyết định cho vay, Tiến sĩ Cấn Văn Lực (thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia) cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên xem xét lại theo hướng dự án có thể chưa đủ điều kiện hiện nay nhưng có thể sẽ đủ điều kiện trong tương lai (tài sản hình thành trong tương lai) theo đánh giá của tổ chức tín dụng thì nên cho phép vay tín dụng.
Ngoài ra, với nội dung tại Thông tư là “tổ chức tín dụng không được cho vay để gửi tiền hoặc thế chấp sổ tiết kiệm ngoại tệ vay VNĐ để gửi tiết kiệm”, một số chuyên gia đánh giá quy định mới này khá “máy móc”. Bởi theo phân tích, sổ tiết kiệm ngoại tệ cũng chính là thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm, là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng được pháp luật công nhận giá trị tài sản của người dân. Vì vậy, họ có quyền thế chấp vay tiền VNĐ để sử dụng thay vì phải chuyển đổi trực tiếp bằng cách bán ngoại tệ lấy VNĐ…
Dù còn có nhiều ý kiến chung quanh các quy định mới của Thông tư, nhưng theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Thông tư 06 tháo gỡ nhiều nội dung nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, góp phần cung ứng thêm vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi phát triển kinh tế. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh: Thông tư 06 không “siết” điều kiện cho vay đối với khách hàng, mà chỉ áp dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành. Cụ thể, theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, khách hàng vay vốn phải đáp ứng ba điều kiện gồm mục đích vay vốn hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi và có khả năng tài chính để trả nợ. “Đây là các điều kiện vay vốn tối thiểu mà khách hàng phải đáp ứng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà cho biết: “Việc ban hành Thông tư 06/2023/TT-NHNN nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý điều chỉnh hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng cho phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định pháp luật liên quan; bổ sung quy định cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp định hướng, chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ngành ngân hàng, qua đó góp phần bảo đảm an toàn, hiệu quả trong hoạt động cho vay, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và thực tiễn thị trường”.
Thông tư 06 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Nhưng để tạo thuận lợi trong quá trình triển khai quy định mới, đại diện Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, trong quá trình thu thập hồ sơ, khách hàng cần một khoảng thời gian để chuẩn bị trong khi nhu cầu vốn đang rất cần thiết cho nên khách hàng phải xoay xở từ bên ngoài để chi trả trước, sau đó mới lấy tiền được ngân hàng giải ngân để trả. Do đó, ngân hàng cho rằng cần thống nhất thời điểm giải ngân để phù hợp thực tiễn trong hoạt động cho vay của ngân hàng.
Theo chia sẻ của một số tổ chức tín dụng, đến nay đã có 80-90% khách hàng chuyển sang sử dụng ngân hàng trên môi trường điện tử, cho nên cũng cần làm rõ khi nào giải ngân trực tiếp, khi nào giải ngân trực tuyến. Đại diện Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) bày tỏ mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định rõ hơn các trường hợp không được cho vay,…
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể với một số trường hợp của các tổ chức tín dụng. Sau khi Thông tư 06 có hiệu lực, cơ quan này sẽ tiếp tục tổng hợp các câu hỏi của các tổ chức tín dụng và tổ chức các buổi làm việc tại các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức tín dụng trong quá trình triển khai, giúp các tổ chức tín dụng cho vay an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Nguồn:https://nhandan.vn/tang-hieu-qua-hoat-dong-cho-vay-cua-to-chuc-tin-dung-post767033.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()