Tăng giá trị sản xuất từ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hiện nay đang được các địa phương quan tâm, đẩy mạnh thực hiện nhằm tạo ra những nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức liên kết nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác để mở rộng mô hình này trên quy mô lớn nhằm ổn định vùng nguyên liệu cũng như thu nhập cho nhân dân.
Trồng dâu tây ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng. |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 6/2022, trên địa bàn cả nước có 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sản xuất rau, hoa, quả, lúa, cà-phê, hồ tiêu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi… được các địa phương công nhận; có hơn 135 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do doanh nghiệp đầu tư; có 290 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất
Tại Lâm Đồng, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông minh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%. Qua thống kê, hơn 17 năm qua, trên địa bàn tỉnh có 63.800ha sản xuất nông nghiệp công nghệ, chiếm hơn 21% tổng diện tích canh tác, trong đó hơn 376ha ứng dụng công nghệ thông minh. Ngoài ra, toàn tỉnh có 60 trang trại (hơn 198ha) sử dụng công nghệ IoT, ứng dụng quản lý trang trại thông minh, cùng hệ thống sơ chế, phân loại nông sản thông minh dựa trên mầu sắc và kích thước…
Đến nay, Lâm Đồng có 13 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, bảy vùng đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Giá trị sản xuất bình quân trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh đạt 430 triệu đồng/ha.
Năm 1997, ông Lê Văn Cường, phường 8, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã chọn khởi nghiệp bằng nông nghiệp. Gia đình ông thành lập Công ty TNHH Dalat G.A.P để đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hiện công ty có trang trại khoảng 40ha sản xuất rau theo tiêu chuẩn GlobalGAP, ứng dụng phương pháp thủy canh hồi lưu, trồng cây trên giá thể; nước tưới được cài đặt, điều khiển tự động. Qua 25 năm hoạt động, sản phẩm của Dalat G.A.P đã khẳng định thương hiệu tại thị trường trong nước và nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản.
Ông Cường cho biết: “Sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao mang lại hiệu quả tốt khi năng suất, chất lượng sản phẩm tăng, công lao động lại giảm. Hiện nay, mỗi ngày công ty sản xuất hơn năm tấn nông sản, giá trị mang lại cao gấp 3 đến 4 lần so với sản xuất thông thường”.
Cũng tại Lâm Đồng, từ lâu nhiều người đã biết đến Hợp tác xã Nông nghiệp tổng hợp An Phú, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng bởi sự năng động, nhạy bén khi ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến trên những trang trại trồng rau. Thời điểm này, Hợp tác xã có 17 thành viên sản xuất rau, củ, quả theo hướng VietGAP với chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tổ chức phân phối sản phẩm. Hợp tác xã có gần 40ha sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP và nông nghiệp 4.0. Giám đốc Hợp tác xã An Phú Lê Văn Ba cho biết, “Mặc dù, chi phí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ban đầu lớn, nhưng có thể khai thác nhiều năm và tổ chức sản xuất liên tục nên hiệu quả kinh tế cũng tăng lên. Thí dụ, với rau xà-lách Crispenya và Crispyano, từ khi xuống giống đến thu hoạch khoảng 30 đến 35 ngày, mỗi năm cho thu hoạch từ 11 đến 12 vụ”.
Đang làm kỹ sư cơ điện cho một công ty với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng, anh Nguyễn Việt Lâm, thị trấn Sơn Dương, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) quyết định về quê khởi nghiệp bằng nghề nông. Thời gian đầu, anh Lâm lựa chọn trồng rau, quả bằng phương pháp thủy canh trong nhà kính. Qua nhiều năm vất vả với đam mê nông nghiệp công nghệ cao, anh Lâm đã có những thành công bước đầu. Hiện nay, trang trại nông nghiệp 4.0 của anh được quy hoạch bài bản, tự động hóa từ quạt mát, phun sương tưới ẩm, đến hệ thống đường ống dẫn nước được lập trình sẵn, tự cảm biến để điều hòa độ ẩm, mực nước. Đến nay, sản phẩm rau sạch đã có mặt ở chuỗi cửa hàng sản phẩm nông nghiệp sạch trong tỉnh và các địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc. Anh Lâm đang mở rộng sang trồng dưa lưới, mỗi vụ cung cấp ra thị trường khoảng 10 tấn. Qua thống kê, trung bình mỗi năm, trừ chi phí vườn rau, dưa của anh Lâm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Năm 2017, tốt nghiệp đại học nhưng anh Nông Quốc Doanh lại chọn về quê ở xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) trồng rau, quả trong nhà kính. Với gần 1.200m2, anh đầu tư xây dựng hai nhà màng, có hệ thống tưới nước tự động và cảm biến nhiệt độ, độ ẩm để trồng dưa lưới, dưa chuột và các loại rau.
Anh Doanh cho biết, “Ban đầu tôi trồng chủ yếu là dưa lưới, bởi đây là giống cây cho năng suất, chất lượng cao và đầu ra ổn định. Sau hai vụ trồng thử nghiệm, tôi thu hoạch được hơn hai tấn dưa, trị giá gần 100 triệu đồng”. Ngoài ra, anh Doanh còn trồng thêm các loại rau như súp-lơ xanh, cải thảo. Hiện các sản phẩm tại vườn của anh có mặt tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Đồng. |
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững
Qua đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghệ cao, tiên tiến đã và đang được ứng dụng trong từng khâu hoặc trong cả chuỗi sản xuất để mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã chủ động tiếp cận, nhập khẩu làm chủ các công nghệ mới, ứng dụng công nghệ tự động, bán tự động, công nghệ thông tin để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho sản xuất nông nghiệp. Điển hình như với cây rau doanh thu đạt từ 2,5 đến 9 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 1,6 đến 4,9 tỷ đồng/ha/năm; cây hoa thu nhập từ 0,5 đến 9,9 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 0,3 đến 5,4 tỷ đồng/ha/năm…
Mặc dù vậy, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng gặp những khó khăn do việc ứng dụng chủ yếu tập trung tại một số vùng, những nơi sản phẩm có thế mạnh và một số doanh nghiệp lớn; các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới thành lập chưa đủ tiềm lực để nghiên cứu khoa học-công nghệ; các tổ chức sự nghiệp khoa học công lập chưa tạo ra nhiều sản phẩm, công nghệ có thể chuyển giao vào sản xuất nông nghiệp. Chưa có nhiều công nghệ cao được các Viện, Trường làm chủ, hầu hết nhập khẩu từ nước ngoài.
Các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đồng đều, quy mô sản xuất chưa đủ lớn để tạo vùng hàng hóa tập trung gây khó khăn trong việc đầu tư và quản lý; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của tổ chức, cá nhân vẫn gặp nhiều khó khăn…
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Thuấn cho biết, “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có tám cơ sở trồng rau, quả trong nhà kính. Tuy có khởi sắc, nhưng mô hình trồng rau trong nhà kính trên địa bàn vẫn đang gặp khó khăn về vấn đề tiếp cận vốn và thị trường. Nhiều khi có những đối tác là các siêu thị lớn có uy tín đến đặt hàng nhưng do quy mô còn nhỏ, không đáp ứng được sản phẩm nên đành lỡ hẹn”.
Với nền tảng, thành tựu nông nghiệp thời gian qua, Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2025 có hơn 72.700ha ứng dụng công nghệ cao, trong đó khoảng 1.000ha ứng dụng công nghệ thông minh; ít nhất năm vùng nông nghiệp được công nhận ứng dụng công nghệ cao kiểu mẫu về nông nghiệp thông minh, cảnh quan môi trường, sản xuất nông sản an toàn và liên kết, tiêu thụ sản phẩm; tối thiểu có mười doanh nghiệp đạt tiêu chí nông nghiệp thông minh.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng: “Về cơ bản, Lâm Đồng đã xây dựng được một nền nông nghiệp với trình độ sản xuất khá cao, có thương hiệu, năng suất, chất lượng tốt, đây sẽ là tiền đề quan trọng để nâng tầm ngành nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng yêu cầu hội nhập và tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, nhiều trang trại trồng rau, củ, quả cho doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng/ha/năm.
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian tới nông nghiệp Lâm Đồng cần phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm đạt chuẩn quốc tế để tăng tính cạnh tranh, hướng đến thị trường xuất khẩu ở phân khúc cao cấp. Đồng thời, cần tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây cũng là yếu tố để phát triển nền nông nghiệp bền vững, hiện đại”.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương cần hạn chế việc xây dựng khu ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tràn lan, phong trào, không tạo được tính đột phá, thúc đẩy sản xuất lớn, năng suất và chất lượng cao theo quy mô vùng miền, gây lãng phí nguồn lực. Hơn nữa, nguồn vốn đối với nông nghiệp công nghệ cao rất quan trọng, vì vậy rất cần các chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được.
Các địa phương cần xây dựng cơ chế chính sách phù hợp, đặc thù khuyến khích người dân, doanh nghiệp đầu tư vốn để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có chế tài đủ mạnh nhằm bảo đảm sự tuân thủ quy hoạch cho phát triển mô hình này, phù hợp với quy hoạch chung của quốc gia, vùng, quy hoạch tỉnh, ổn định và bền vững; có chính sách khuyến khích nhập khẩu, tiếp nhận chuyển giao làm chủ các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến từ nước ngoài.
Ý kiến ()