Tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
LSO-Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo bước đột phá nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm. Qua đó góp phần thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tập trung vào những sản phẩm chủ lực của tỉnh.
![]() |
Mô hình áp dụng kỹ thuật cấy lúa bằng máy tại xã Đình Lập, huyện Đình Lập |
Những năm trước đây, cây quýt Bắc Sơn là một trong những cây trồng chủ lực của huyện Bắc Sơn đem lại thu nhập cao cho người dân. Nhằm nâng cao giá trị của cây quýt, khắc phục tình trạng thoái hóa của cây và các biện pháp chăm sóc truyền thống của người dân, năm 2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện mô hình thâm canh quýt theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, mô hình được thực hiện tại 2 xã (Chiến Thắng, Vũ Sơn) với quy mô 30 ha, 52 hộ tham gia.
Để thực hiện thành công mô hình, Trung tâm Khuyến nông cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn người dân bón phân cho cây theo yêu cầu của từng giai đoạn như: bón đón hoa, thúc cành xuân, bón thúc quả chống rụng, quả lớn; kiểm tra, phun phòng trừ các loại dịch bệnh hại phổ biến trên cây quýt khi đến ngưỡng gây hại; hướng dẫn ghi chép nhật ký quá trình thực hiện mô hình… Phối hợp với tổ chức chứng nhận VietGAP thu thập các chỉ tiêu theo quy định của chứng nhận VietGAP.
![]() |
Mô hình nuôi trâu nhốt chuồng tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn |
Đến cuối năm 2017, quýt của 2 xã trên được cơ quan chức năng công nhận đạt theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Diện tích trồng quýt vàng huyện Bắc Sơn là trên 500 ha, phân bố ở 11 xã. Trước đây, người dân chưa chú ý chăm sóc bón phân, cây không được tỉa cành tạo tán; mẫu mã sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Việc thực hiện thành công mô hình thâm canh quýt theo tiêu chuẩn VietGAP góp phần nâng cao nhận thức người trồng quýt, nâng cao năng suất, sản lượng và gia tăng giá trị sản phẩm. Mô hình đã giúp cho 52 hộ trong dự án và các hộ sản xuất trong vùng nắm vững quy trình thực sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) quản lý từ khâu giống, phân bón, nguồn nước tưới, thuốc bảo vệ thực vật và khâu chăm sóc bảo quản, tạo ra sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng được người tiêu dùng.
Trước đó, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông thực hiện mô hình “Chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học” với quy mô nuôi 1.500 con gà ri tại xã Hải Yến, huyện Cao Lộc, thời gian thực hiện từ tháng 10/2016 đến tháng 1/2017. Theo đánh giá kết quả thực hiện mô hình, tỷ lệ sống đến xuất chuồng đạt 94%, trọng lượng trung bình 2,5 kg/con; giảm tỷ lệ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy; lông gà tơi xốp, mượt, sạch, đẹp, bán có giá cao hơn trước đây. Các hộ nuôi cho biết đã giảm 75% chi phí điện úm gà con, giảm 70% công lao động, giảm 40% thuốc thú y. Đặc biệt là chi phí công quét dọn phân hằng ngày và việc thay trấu thường xuyên như trước đây đã không cần phải làm; năng suất chăn nuôi tăng lên, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đặc biệt, việc áp dụng chế phẩm sinh học BALASA N01 (là kỹ thuật ứng dụng công nghệ lên men vi sinh vật trên nền đệm lót sinh học) đã giúp phân hủy phân, giảm mùi hôi thối và khí độc trong chuồng nuôi, tạo môi trường trong lành cho vật nuôi phát triển. Thông qua mô hình góp phần thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức cho người nông dân trong chăn nuôi gà không có mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm thiểu mầm bệnh phát triển, giảm chi phí chăn nuôi; thúc đẩy ngành chăn nuôi gà phát triển nhanh và ổn định, chất lượng sản phẩm ngày một nâng cao.
Không chỉ hai mô hình trên, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông các huyện, thành phố tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; thực hiện các mô hình nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Trong 2 năm 2016 – 2017, bằng các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, trạm khuyến nông các huyện, thành phố tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt được gần 2.300 cuộc, thu hút trên 80.000 lượt người tham dự, cấp phát trên 11.000 bộ tài liệu; thực hiện được 65 mô hình về chăn nuôi dê, lợn nái, gà, trồng chăm sóc cây quýt, hồng, hồi… Từ đầu 2018 đến nay, trạm khuyến nông các huyện, thành phố tổ chức được trên 100 cuộc tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt, thu hút trên 4.000 lượt người nghe, cấp phát trên 600 bộ tài liệu.
Ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Với sự vào cuộc của ngành khuyến nông tỉnh, lĩnh vực nông nghiệp đạt được kết quả tích cực. Năm 2017, tổng sản lượng lương thực đạt 326,5 nghìn tấn, vượt 4,2% kế hoạch, tăng 3,4% so với năm 2016; cơ cấu cây trồng có sự chuyển dịch theo hướng tăng diện tích các cây trồng có giá trị kinh tế như: cây ớt diện tích 576 ha, tăng 42,46% so với năm 2016; thuốc lá 2.472 ha, tăng 23,7%; thạch đen 1.925 ha, tăng 34,2%; khoai tây 655,7 ha, tăng 18,7%… Sản lượng thu hoạch các sản phẩm chủ lực tăng so với cùng kỳ như: na sản lượng 22 nghìn tấn, tăng 7,3%; rau các loại 105,93 nghìn tấn, tăng 2,57%; thuốc lá sản lượng 4,9 nghìn tấn, tăng 16,6% so với cùng kỳ 2016. Tổng đàn bò 37,9 nghìn con, vượt 3,9% kế hoạch, tăng 4,5% so với cùng kỳ; đàn gia cầm khoảng 4 triệu con, vượt 8,7% kế hoạch, tăng 12,1% so với cùng kỳ. Qua đó góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
DUY PHÁT
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()